Các nhà khoa học cho rằng, với xu hướng ẩm thực gần gũi thiên nhiên, nấm sẽ là một thực phẩm thông dụng và quan trọng trong tương lai.
Nấm giàu chất dinh dưỡng
Thế giới của nấm có tới 7 vạn loài, trong đó có khoảng 100 loại nấm có thể ăn hoặc dùng làm thuốc. Phổ biến nhất là nấm mộc nhĩ đen, ngân nhĩ, nấm hương, nấm mỡ, nấm rơm, kim châm, nấm linh chi... Hiện nay, người ta có thể trồng được hơn 60 loài nấm theo phương pháp công nghiệp mà năng suất lớn, độ sạch và an toàn cao.
Nấm được xếp vào loài thực vật bậc thấp, trong thân cây không có chất diệp lục. Chúng phải sống và phát triển nhờ vào các chất hữu cơ trên các thân cây khác. Tuy vậy, nấm lại có vị trí đáng nể với giá trị dinh dưỡng cao (tương đương với thịt bò). Hàm lượng protein cao hơn so với các loại rau, củ, quả tươi khác, ít chất béo, chứa nhiều vitamin nhóm B, C, D, giàu nguyên tố vi lượng như: sắt, selen, natri, kali, magie, phốt pho và một số axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp.
Mỗi loại nấm có thành phần dinh dưỡng, hương vị khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng trong chế biến và thưởng thức các món ăn từ súp, cháo, lẩu, xào đến cơm rang, nem, salad... Đặc biệt, thực phẩm này rất tốt cho người già, phụ nữ và trẻ em.
Lắm công dụng từ nấm
Nếu từ ngàn năm trước, y học phương Đông coi nấm như một vị thuốc thì mới đây Tây y đã phát hiện ra nhiều hóa chất có tác dụng hạn chế nhiều bệnh, nhất là những bệnh nan y.
Tăng cường hệ miễn dịch: Mới đây, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, ăn nấm đồng nghĩa với việc tăng cường tổ chức miễn dịch trong cơ thể. Các polysaccharide có khả năng kích hoạt hóa, duy trì đáp ứng hệ miễn dịch. Còn các hormon cytokines giống như protein có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus và các bệnh ung bướu.
Chống ung thư: Trong nấm có chất Letinan đàn áp sự tăng trưởng của tế bào ung bướu, Aromatase inhibitor khởi nguồn làm hạ kích tố âm, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú... Tác dụng này có ở nấm hương, linh chi, trư linh. Nhiều loại nấm còn có công năng kích thích cơ thể sản sinh interferon, nhờ đó ức chế được quá trình sinh trưởng và lưu chuyển của virus.
Phòng và trị liệu bệnh lý tim mạch: Tất cả các loại nấm đều có chất Chitin, chất làm tăng sức mạnh của thành mạch máu giúp điều tiết công năng tim mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ thấp ôxy tiêu thụ và cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Chitin có từ 25-30% trong nấm khô, ở các loại nấm như: ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), mộc nhĩ đen, nấm đầu khỉ, nấm hương, đông trùng hạ thảo... Ngoài ra, nấm linh chi, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, ngân nhĩ, mộc nhĩ đen còn có tác dụng làm hạ huyết áp.
Giải độc và bảo vệ tế bào gan: Ví như nấm hương, nấm linh chi có khả năng làm giảm thiểu tác hại đối với tế bào gan của các chất như carbon tetrachlorid, thioacetamide và prednisone, làm tăng hàm lượng glucogen trong gan và hạ thấp men gan. Nấm bạch linh và trư linh có tác dụng lợi niệu, bổ thận, an thần.
Tốt cho đường tiêu hóa: Nấm đầu khỉ có khả năng lợi tạng phủ, trợ tiêu hóa, có tác dụng rõ rệt trong trị liệu các chứng bệnh như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, sỏi mật. Hãy lựa chọn nấm bình, kim châm, kim phúc.
Hạ đường máu và chống phóng xạ: Cơ chế làm giảm đường huyết của đông trùng hạ thảo là kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Ngoài công dụng điều chỉnh đường máu, các polysaccharide B và C trong nấm linh chi còn có tác dụng chống phóng xạ.
Loại bỏ gốc tự do và chống lão hóa: Gốc tự do là các sản phẩm có hại của quá trình chuyển hóa tế bào. Nhiều loại nấm ăn như nấm linh chi, mộc nhĩ đen, ngân nhĩ... có tác dụng thanh trừ các sản phẩm này, làm giảm chất mỡ trong cơ thể, từ đó có khả năng làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Nguồn chất chống ôxy hóa ergothioneine trong nấm giúp ngừa chứng viêm khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (mất trí nhớ), giúp an thần, trấn tĩnh, ngủ ngon hơn.
Hoàng Lan
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: