Tắm lâu, tắm với tần suất nhiều vào mùa đông có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. |
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, tần suất tắm vào mùa đông có thể thay đổi tùy theo nhóm đối tượng:
Nếu nhiệt độ xuống đến 10 độ C, người khỏe mạnh có thể tắm với tần suất khoảng 2-3 ngày/lần.
Riêng với những ai có da khô, hay nứt nẻ, có thể tắm với tần suất 3-4 ngày/lần.
Người già da mỏng và hay bị co lại thì có thể giảm tần suất lại còn 1 tuần/lần.
Lưu ý: dù thuộc nhóm đối tượng nào, bạn cũng nên đảm bảo vệ sinh những vị trí chứa nhiều vi khuẩn như: “vùng kín”, khu vực dưới cánh tay, kẽ chân mỗi ngày nhé.
Giờ thì chúng ta cùng khám phá nguyên tắc “3 KHÔNG” để tránh bị đột quỵ khi tắm vào mùa đông thôi!
1. Không nên tắm ngay sau khi ăn
Sau khi ăn, máu sẽ lưu thông tập trung về ruột và dạ dày, thậm chí một phần máu lên não cũng được phân phối đến đường ruột, để thực hiện quá trình tiêu hóa thức ăn. Việc tắm vào lúc này sẽ làm cho dạ dày co bóp chậm lại, dịch tiêu hoá tiết ra ít hơn, nhiệt độ cơ thể hạ thấp khiến máu từ đường ruột buộc phải phân tán lưu thông đến các bộ phận khác của cơ thể như da và mô dưới da để cân bằng lại thân nhiệt. Hậu quả là quá trình tiêu hóa bị trì hoãn gây đầy hơi, ợ chua, nôn mửa, béo phì..., đồng thời tim phải hoạt động nhiều hơn nên dễ gây các bệnh về tim mạch. Với người bị cao huyết áp, mắc bệnh tim, thói quen tắm ngay sau khi ăn có thể gây đột quỵ.
Tắm sau khi ăn khiến cho việc tiêu hóa bị xao lãng và bạn cảm thấy đầy hơi, khó chịu, ợ chua, nôn mửa và thậm chí là béo phì. |
Lời khuyên:
Bạn nên tập thói quen tắm trước khi ăn để cơ thể được tái tạo năng lượng, tạo cảm giác sảng khoái, trẻ hóa, từ đó, não sẽ báo hiệu cơ thể đang đói và đã sẵn sàng cho bữa ăn.
Hoặc sau khi ăn từ 1 - 2 tiếng để không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
2. Không tắm đêm
Cơ thể con người phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Vào buổi tối, nhiệt độ giảm là thời điểm cơ thể dễ bị tổn hại do các mạch máu trong cơ thể bị co lại, khiến quá trình lưu thông máu kém hơn. Vì vậy, tắm đêm có thể gây đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau tay chân, tay chân cử động khó, liệt mặt… thậm chí dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Lời khuyên:
Nên tắm vào buổi sáng, lúc cơ thể đã ráo mồ hôi sau buổi tập thể dục hoặc khoảng 6-8h tối.
Nếu buộc phải tắm muộn, bạn nên tắm nhanh bằng nước ấm (khoảng 10-15 phút) và thấm khô người, tóc trước khi lên giường để tránh bị mệt mỏi, đau nhức đầu.
Những đối tượng như: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ trong ngày “đèn đỏ”, người sau khi uống rượu bia, người đang bị cảm, rối loạn huyết áp… TUYỆT ĐỐI KHÔNG tắm sau 22 giờ.
3. Không tắm bằng nước nóng
Trong thời tiết lạnh, chúng ta thường có xu hướng tắm bằng nước nóng hoặc ngâm mình trong bồn tắm nóng lâu hơn để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, việc làm tưởng chừng hợp lý này lại tiềm tàng nhiều nguy hiểm:
Gây sốc nhiệt do bắt cơ thể đột ngột tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Tổn thương da: nước quá nóng có thể phá hủy lớp dầu trên bề mặt da khiến da bị mất nước, gây hiện tượng da thô ráp và lão hóa nhanh.
Tăng huyết áp bởi tất cả các mạch máu trên da đều giãn nở hết cỡ dẫn đến thiếu oxy cung cấp đến tim.
Làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Khi cơ thể đang ở trong môi trường lạnh mà tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, giãn mạch máu, làm mất đi độ ẩm trên da. |
Lời khuyên:
Tắm ở nhiệt độ vừa phải, ví dụ như vào mùa đông, bạn nên tắm với nước có nhiệt độ khoảng 24–29 độ.
Làm nóng người hoặc tập một vài bài thể dục trước khi tắm khoảng 10–15 phút để cơ thể thích nghi từ từ với nhiệt độ tăng dần.
Chỉ để phần thân trên tiếp xúc với nước khi những phần khác trên cơ thể đã thích ứng được với nhiệt độ của nước rồi, tránh tình trạng sốc nhiệt.
Mùa đông là thời điểm có tỉ lệ đột quỵ tăng cao. Bên cạnh việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý, thì đảm bảo nguyên tắc “3 KHÔNG” khi tắm vào mùa đông trên đây cũng là một cách hiệu quả có thể giảm thiểu tỉ lệ này.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: