Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bà bầu bị cúm: Chỉ cúm virus mới nguy hiểm

(SKGĐ)Vì vậy các thai phụ chớ vội hoang mang và tùy tiện dùng thuốc mà ảnh hưởng tới cả mẹ và bé.

Chị Huyền mang thai được ba tháng. Trong thời gian này, chị liên tục mệt mỏi, tay chân bủn rủn. Đáng chú ý là chị bị mắc cảm cúm, thường xuyên bị hắt hơi sổ mũi. Thấy chị sụt sịt, một người bạn la ầm lên: “Sao có thể chủ quan để bệnh như vậy, mình nghe nói lúc mang thai mà mắc cúm là em bé có thể bị dị tật đó. Đi kiểm tra ngay đi”. Chị Huyền nghe nói cũng hốt hoảng, nhưng người bạn khác thì bảo, lúc mang thai sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh, hầu như ai chả từng một lần cảm cúm trong 9 tháng thai kỳ. Chị Huyền cũng sốt ruột lắm nhưng lại không dám dùng thuốc vì sợ thuốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Muốn rõ cúm gì thì phải khám

BS. Kiều Thị Thanh, Giảng viên Khoa Điều dưỡng và Sản phụ khoa, Trường Cao đẳng Y Hà Nội cho biết: 3 tháng đầu là thời kỳ hình thành tổ chức cơ thể cho bé, thời kỳ này sẽ diễn ra quá trình phân chia, quá trình hình thành các bộ phận cơ thể. Chính vì vậy những yếu tố tác động thời kỳ ở thời kỳ này đều có thể ảnh hưởng đến sự hình thành các bộ phận cơ thể trẻ và có thể gây dị tật thai nhi.

Trong cả quá trình mang thai của người mẹ thì 3 tháng đầu là giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên, các tháng mang thai về sau vẫn còn nguy cơ, chỉ là mức độ ảnh hưởng có khác đi.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Thanh thì mọi người thường nhầm lẫn giữa cúm virus và cảm cúm thông thường. Chỉ khi mắc cúm virus mới gây nguy hiểm cho thai nhi. Khó khăn với các bà bầu là, nhìn vào biểu hiện bên ngoài cũng khó mà xác định được  bệnh cúm họ mắc phải, nhiều khi họ có dấu hiệu rất nặng nhưng chỉ là cảm cúm thông thường, cũng có khi dấu hiệu rất nhẹ nhưng lại là cúm virus. Muốn biết bà bầu có bị cúm virus hay không cần có sự tư vấn chuyên môn của bác sỹ, phải xét nghiệm máu mới xác định được chính xác tình trạng bệnh.

Về việc dùng thuốc, bác sỹ Thanh nhấn mạnh: Vẫn có những loại thuốc điều trị cảm cúm dùng được cho phụ nữ có thai, tuy nhiên chị em không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Theo lời khuyên của bác sỹ Thanh thì khi bị cảm cúm bà bầu nên đến các cơ sở y tế để được xác định đúng tình trạng bệnh, việc sử dụng thuốc cũng cần có sự tư vấn của bác sỹ.

Phòng cúm cho bà bầu

Để phòng bệnh cảm cúm hiệu quả ở bà bầu, theo bác sỹ Thanh thì thai phụ nên:

- Trước khi có ý định mang thai, các chị em nên chủ động đi tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, không phải cứ tiêm phòng là có thể phòng hết được bệnh cúm vì có rất nhiều tuýp cúm khác nhau, trong khi đó, chỉ có một số tuýp có thể tiêm phòng được. Do đó, các biện pháp phòng bệnh chủ động khác vẫn rất cần thiết với bà bầu như nâng cao sức đề kháng, hạn chế đến chỗ đông người…

- Nâng cao sức đề kháng: bà bầu có thể cải thiện sức đề kháng của cơ thể thông qua chế độ ăn, tăng cường các chất dinh dưỡng, tăng cường các nguyên tố. Một số thực phẩm bà bầu có thể sử dụng như sữa chua, mật ong, táo, cà chua, súp lơ, kiwi, đu đủ chín…

Nếu rơi vào tình trạng nghén nặng, khó khăn trong ăn uống thì nên ưu tiên những thực phẩm bà bầu có thể ăn được. Những trường hợp nghén nặng thì nên có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa về chế độ ăn uống phù hợp.

- Việc tập luyện thường xuyên, điều độ và vừa sức sẽ giúp cơ thể bà bầu được vận động linh hoạt, tăng cường chất đề kháng. Bài tập thích hợp cho thai phụ là đi bộ, yoga, đi xe đạp… Khi có thai, các chị em cũng nên nghĩ ngơi, thư giãn để giảm stress, giảm nguy cơ mắc bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc ở chỗ đông người: Nơi đông người rất dễ khiến bạn bị nhiễm cúm virus. Bởi vậy, bà bầu nên hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người để hạn chế nhiễm bệnh. Nếu phải ra đường, tiếp xúc đông người nên mang theo khẩu trang y tế.

Chữa cúm cho thai phụ bằng thảo dược

Tỏi: Tỏi khi giã nát hoặc thái nhỏ sẽ có hoạt chất allincin – là một chất kháng sinh tự nhiên mạnh hơn cả penicillin, chất kháng sinh tự nhiên này sẽ giúp chống lại các virus gây bệnh. Trong tinh dầu tỏi cũng nhiều glucogen và aliin, fitonxit có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng và chống viêm nhiễm.

Có thể sử dụng tỏi trị cảm cúm bằng cách ăn nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày, giã tỏi nát và ngửi nhiều lần, hoặc giã tỏi uống với nước. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng tỏi giã nát pha với nước ấm, lọc lấy nước rồi nhỏ vào mũi, mỗi ngày làm khoảng 2-3 lần.

Hành: Hành củ 50g, tỏi 25g, hai thứ rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào 250ml nước nấu chín lấy nước uống, ngày uống 3 lần.

Đối với viêm mũi do cảm cúm, có thể lấy hành tươi giã nát, gói trong miếng vải màn nhỏ nhét vào hai lỗ mũi, hơi hít và qua đường mũi, ngày làm 3 lần.

Cũng có thể dùng hành nấu với cháo gạo tẻ, ăn lúc nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi để chữa bệnh.

Tía tô: Tía tô có tính ấm, vị cay, không độc. Bên cạnh là một loại gia vị được sử dụng khá phổ biến, tía tô còn là một vị thuốc chứa nhiều bệnh, trong đó có chữa cảm cúm và an thai (canh tía tô có tác dụng an thai). Với phụ nữ có thai bị cảm cúm, có thể dùng tía tô và kinh giới mỗi loại một nắm, cho vào sắc nước uống. Sau uống có thể ăn thêm cháo trứng gà rồi đắp chăn cho ra mồ hôi. Lưu ý không nên dùng tía tô với tần suất quá thường xuyên vì sẽ gây nóng.

 Lê Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ba-bau-bi-cum-chi-cum-virus-moi-nguy-hiem-4632/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY