Kinh tế xã hội hôm nay

Bãi xe vi phạm quá tải, phương án xử lý như thế nào?

(PetroTimes) - Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm...

Bãi xe vi phạm quá tải

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Công an TP Hà Nội, ngày 14/11, toàn thành phố đã xử phạt 789 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 12 phương tiện. Trong hai ngày trước đó, có gần 2.000 trường hợp vi phạm và 61 phương tiện bị tạm giữ.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội tuyên truyền khám nghiệm, giải quyết T*i n*n giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, sau 1 tuần Hà Nội dỡ bỏ 22 chốt kiểm soát và nới lỏng giãn cách (ngày 22/10), số trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý tăng gấp đôi.

Các phương tiện bị tạm giữ tại nhiều bãi trông giữ xe vi phạm giao thông trên địa bàn thành phố. Trong đó có bãi xe Hà Cầu - Thăng Long (quận Hà Đông, Hà Nội). Đại diện chủ bãi cho biết, do có quá nhiều xe nên phải xếp chồng lên nhau, để kín lối đi, nhiều xe bụi phủ mờ.

Nhiều phương tiện vi phạm giao thông người vi phạm bỏ không đến giải quyết tại bãi xe Giang Linh trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Tại bãi giữ xe Giang Linh trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Quý Tiến, Giám đốc Công TNHH Vận tải và Giao nhận nhanh Giang Linh cho biết, hơn nửa tháng nay, sau giãn cách xã hội, lượng phương tiện vi phạm giao thông, xe T*i n*n được chuyển đến bãi trông giữ xe tăng đột biến, chật kín khu vực bãi.

Trong số các phương tiện tại bãi, có nhiều xe máy số, mức giá thành trên thị trường chỉ vài triệu đồng, nhiều xe đã “độ” đèn, pô... thường bị bỏ lại bãi xe, không thấy chủ phương tiện đến giải quyết lấy xe về. Tính sơ sơ thì từ năm 2020 đến nay, tại bãi trông giữ của công ty có hơn 200 xe máy vi phạm bị bỏ lại không thấy chủ xe đến xử lý.

Xử lý thế nào?

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc xử lý các phương tiện vi phạm bị bỏ lại tại các bãi xe đã đơn giản hơn trước. Cụ thể, các quy định được nêu tại Nghị định số 31/2020 sửa đổi được ban hành năm 2020, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định.

Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

Tang vật, phương tiện vi phạm sau khi bị tịch thu theo quy định và được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Khoản 8, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Xuân Hinh

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/bai-xe-vi-pham-qua-tai-phuong-an-xu-ly-nhu-the-nao-633090.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY