Nói đến sữa đặc, mọi người thường nghĩ ngay đển loại sữa đặc có đường. Thực chất, sữa đặc được chia làm hai loại là sữa cô đặc và sữa đặc có đường. Cả hai loại này đều có thành phần chính từ sữa bò nhưng một được tách bớt nước và một được cho thêm đường, và cả hai đều có khác biệt trong thành phần và cách sử dụng.
Sữa cô đặc: Sữa bò được tách bớt 60% nước theo cách để bay hơi thành sữa cô đặc, sau đó sữa được đồng nhất, làm lạnh nhanh, bổ sung thêm các vitamin và chất ổn định, đóng gói và tiệt trùng cẩn thận. Sữa cô đặc tiêu chuẩn phải có tối thiểu 7,9% thành phần sữa béo và 25,5% sữa đặc. Độ nóng trong quy trình chế biến của sữa tạo vị ngọt thấp và có màu đậm hơn so với sữa tươi. Trong sữa cô đặc chứa nhiều chất dinh dưỡng và calo hơn sữa tươi. Có nhiều chủng loại sữa đặc được tách bỏ váng sữa, chứa ít chất béo thích hợp theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Sữa đặc có đường: cũng được tách bớt khoảng 60% nước từ sữa bò nhưng lại bổ sung thêm 40% đường. Sau đó sữa được tiệt trùng theo phương pháp Pasteur (quy trình dùng sức nóng để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Sữa đặc có đường tiêu chuẩn phải chứa từ 40-50% đường, tối thiểu từ 8% chất béo và 28% sữa. Sữa đặc sau đó được cho vào hộp thiếc tiệt trùng và đóng kín chân không. Trong sữa có bổ sung thêm vitamin A và một số dưỡng chất khác và thường chứa nhiều calo. Do lượng đường cao nên khi uống phải pha thêm nước gấp từ 5-8 lần mới dùng được, tức là 100ml sữa đặc có đường cần pha loãng thành từ 500-800ml sữa nước.
Dùng sữa đặc đúng cách
Nhờ có độ đặc cao nên sữa cô đặc thường được dùng trong các món ăn tráng miệng, chế biến các loại bánh, kẹo, kem, sôcôla... Vì vậy, trước khi chọn sữa đặc để chế biến bạn cần đọc kỹ thành phần chỉ dẫn của thực đơn để có thể thay đổi nguyên liệu chế biến.
Đơn cử trong sữa đặc có nhiều thành phần đường lactose tự nhiên, vì thế bạn có thể giảm bớt lượng đường khi chế biến nếu đã sử dụng sữa đặc. Để thay thế một tách sữa nguyên kem bạn có thể pha 1/2 tách sữa cô đặc với 1/2 tách nước…
Ngày nay, người ta dùng sữa cô đặc không chỉ trong các món ngọt mà cả với các món mặn từ thịt, gia cầm, cá... nhưng cần lưu ý từng loại sữa cô đặc có vị ngọt, hương vị riêng có thích hợp với món ăn chuẩn bị chế biến hay không. Người Tây phương thích chọn sữa cô đặc làm nguyên liệu chính ngang với một số nguyên liệu khác trong những thực đơn đặc biệt của mình.
Đối với sữa đặc có đường ngoài việc sử dụng là “gia vị” trong các loại bánh, kẹo, hay tăng độ ngọt cho các loại nước, sinh tố hoa quả, thì theo các bác sĩ tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người bình thường chỉ nên sử dụng tối đa 15-16g đường/ngày, tương ứng với hai tách trà hoặc cà phê pha sữa.
Nếu dùng hết một hộp sữa đặc mỗi ngày, lượng đường đưa vào cơ thể sẽ cao trên 10 lần mức cho phép. Năng lượng cao nhưng nghèo đạm, vitamin, khoáng chất (năng lượng rỗng) nên không thể coi sữa đặc có đường là nguồn cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Đặc biệt, đối với trẻ em dùng loại sữa này lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Còn đối với người già, không nên uống nhiều sữa đặc có đường vì dễ thừa calo tạo thành mỡ tích trữ trong cơ thể, sẽ nhanh chóng bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch... Để an toàn có thể thay bằng các loại sữa khác, như sữa tươi chẳng hạn.
Thùy Như
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: