Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bạn có thể tử vong vì 1 nốt ong đốt

Bị nhập viện cấp cứu vì ong đốt, thực tế đã có nhiều người đã phải nhập viện chỉ vì ong đốt. Vì vậy, bị ong đốt bạn không nên xem nhẹ, nọc của ong có thể rất độc, nên khi bị ong đốt hãy cảnh giác cao độ...

Mỗi loại ong, một cách sơ cứu

Ong là một loài công trùng lành tính, chúng chỉ khi trở nên hung hãn khi bị kích động. Theo TS. Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương: “Nước ta có rất nhiều loài ong khác nhau và lượng độc tố của chúng cũng khác nhau. Nọc độc của ong bắp cày, ong bầu, ong rừng núi cao hơn so với ong nuôi, ong mật, ong ruồi do kích thước của chúng lớn hơn. Chính vì vậy, xác định được loại ong bị đốt là rất quan trọng khi sơ cứu, bởi mỗi loại ong lại có các thành phần dị nguyên khác nhau và mức độ gây ra các phản ứng dị ứng cũng khác nhau”.

Theo đó, với những loại ong mật, ong ruồi, đôi khi chỉ cần rửa sạch vết đốt bằng xà phòng là được, song với ong bắp cày thì sau khi sơ cứu, cần đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được người có chuyên môn xử lý.

1-2 nốt ong đốt cũng dẫn đến tử vong

Khi bị ong đốt, phản ứng thường là cảm giác đau, sưng phù, ngứa, ban đỏ tại vị trí đốt. Nhiều người cho rằng, các biểu hiện trên có thể biến mất sau một vài giờ không cần điều trị gì. Với họ, ong đốt chỉ thực sự nguy hiểm khi có nhiều vết đốt và ở những vị trí nhạy cảm như: đầu, mặt, cổ...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai - nơi tiếp nhận cấp cứu 51 học sinh bị ong đốt chiều 4/11 thì: “Không thể căn cứ và nốt ong đốt nhiều hay ít để nói là nguy hiểm tới tính mạng. Trên thực tế người có cơ địa dị ứng chỉ bị ong đốt một vài nốt cũng có thể bị tử vong”.

Một nghiên cứu tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, ong đốt có thể gây nguy hiểm, trong đó điển hình nhất gây sốc phản vệ. Thực tế, chỉ 1-2 nốt ong đốt cũng dẫn đến tử vong. Chẳng hạn, nếu bị ong đốt vào vùng nhạy cảm như họng, vết đốt có thể gây phù vòm họng, khó thở thanh quản cấp khiến nạn nhân tử vong nhanh.

Thông thường với trên 10 nốt ong đốt, bệnh nhân đã có thể bị nhiễm độc nặng (bị tan máu, vàng da, thiếu máu cấp, tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp). “Ở trẻ nhỏ, khi bị ong đốt vào họng có thể gây phù nề hầu họng và co thắt thanh quản tạo nên triệu chứng ngạt thở cấp tính. Nếu trẻ bị ong đốt vào mí mắt có thể làm tổn thương mắt rất nặng, thậm chí dẫn đến hỏng mắt” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Tránh bị đốt: Đứng im khi nhìn thấy ong

Nhiều người khi bị ong đốt cứ để mặc vết đốt như vậy và cho rằng, theo thời gian, nó sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, TS. Vũ Đức Chính cho rằng: để không bị nhiễm độc, nhất là với trẻ em, nếu không may bị ong đốt, cần thực hiện những cách sơ cứu sau:

- Dùng tay hoặc nhíp gắp nọc ong ra, không nặn ép nọc ong để tránh vết đốt bị sưng to.

- Dùng xà phòng và nước ấm rửa vùng ong đốt và bôi thuốc giảm đau

- Uống nhiều nước để thải độc tố, chườm lạnh lên vết đốt giúp cho giảm đau, chữa sưng.

- Đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp xảy ra dị ứng.

Để tránh bị ong đốt TS. Vũ Đức Chính cho rằng cần tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Bố mẹ nên dặn con không được trêu ong, chọc phá tổ ong vì khi ong bị tổn thương, cơ thể chúng sẽ tiết ra chất báo động cho đàn bay đến. Khi thấy nhiều ong, nhiều người thường hoảng sợ bỏ chạy, song như thế là vô cùng nguy hiểm. Lúc này, để ong không nhìn thấy và bỏ đi, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động. Nếu bị ong tấn công, đừng vung tay loạn xạ để xua đuổi chúng vì càng thu hút sự chú ý. Lúc này, hãy dùng bất cứ bình xịt nào có mùi khó chịu để xịt thẳng vào chúng. Khói cũng có tác dụng xua đuổi ong, song cần cẩn thận nguy cơ gây cháy.

Bạn có biết?

Nọc ong có chứa rất nhiều thành phần phức tạp, trong đó nhiều chất độc và nhiều men, dễ gây dị ứng. Độc tố Melittin gây đau, gây tan máu và làm cho các tiểu cầu ngưng kết với nhau; Men phospholipase A2 làm tan hồng cầu; Chất Apamine gây độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tuỷ sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật…

Ong bắp cày được cho là loài công trùng nguy hiểm nhất thế giới, đây là loại ong và hay tấn công người. Đặc biệt vào mùa giao phối từ tháng 9 đến tháng 10 loài ong này cực kỳ hung hăng.

Năm 2013, ghi nhận một loạt các vụ tấn công bất thường của ong bắp cày tại miền trung của Trung Quốc đã khiến 41 người tử vong. Tại thị trấn An Khánh, ong bắp cày tấn công khiến 19 người chết.

Lê Ngọc

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/ban-co-the-tu-vong-vi-1-not-ong-dot-21690/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY