Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bạn đã biết đến hội chứng say độ cao?

(SKGĐ) Không chỉ xảy ra với người có thể chất kém mà cả người khỏe cũng có bị say nếu không chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng.

 

Ảnh minh họa

Anh Huy Sơn, Q3, Tp.HCM rất thích bộ môn thể thao leo núi nên đã cùng nhóm bạn tổ chức “phượt ra miền Bắc”, mà mục tiêu chính là chinh phục Phan Xi Păng. Đi cùng anh còn có chị Phương, bạn gái anh và 6 người bạn có cùng sở thích khác.

Tất cả đều dậy từ 5 giờ sáng, bắt đầu chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. Đến ngày thứ 2, cả đoàn nghỉ tại trạm nghỉ độ cao 2.200m, tất cả mọi người đều thấm mệt, chân tay đau nhức nhưng ai cũng vẫn hừng hực khí thế. Nhưng sang đến ngày thứ 3, khi vừa leo được nửa tiếng, chị Phương cảm thấy khó thở, nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu… Dừng nghỉ một lúc, chị Phương động viên cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Nhưng leo thêm chưa được bao lâu thì chị Phương mặt mày tím tái, ngất xỉu khiến cả đoàn luống cuống, sợ hãi.

Người thì nói cô ấy bị trúng gió nên lấy dầu gió đánh cảm, người thì đút kẹo vào mồm vì sợ bạn đói quá… Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi chị Phương thở nhanh ngắt quãng. Người leo núi ở những đoàn khác bắt đầu vây xung quanh, mỗi người khuyên làm một kiểu nhưng đều không làm bạn gái tỉnh lại. Bỗng nhiên có một vị khách khác lấy ra một mặt nạ oxy đưa cho anh Huy Sơn đeo cho chị Phương. Chừng 10 phút sau thì chị Phương tỉnh lại. Theo lời người khách lạ kia thì có thể chị Phương bị say độ cao và khuyên nên đưa chị xuống núi ngay kẻo nguy hiểm tính mạng.

Đừng đùa với say độ cao

ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Nhi và Người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay say núi cao chỉ là cách gọi dân dã để mọi người dễ hình dung, còn theo thuật ngữ chuyên ngành, nó là những phản ứng của cơ thể liên quan đến độ cao. Say núi cao bao gồm nhiều triệu chứng xuất hiện khi cơ thể bạn nhận được một lượng oxy ít hơn bình thường; hiện tượng này thường xảy ra khi bạn lên độ đến độ cao khoảng 2.400m trở lên. Khi ở những khu vực núi cao, ngoài việc lượng oxy ít hơn, áp suất không khí thấp khiến chúng ta càng hít được ít oxy hơn, cũng là vấn đề khiến cơ thể có những phản ứng tiêu cực.

Bệnh say độ cao có nhiều dạng khác nhau. Thông thường, người leo núi dễ bị thể say độ cao cấp tính (AMS). Trong trường hợp này, người bệnh có thể bị đau đầu, uể oải, buồn ngủ, chóng mặt, rét run, buồn nôn và nôn, khó thở và tím tái. Tiếp sau đó là chóng mặt, ù tai, rối loạn thị lực và thính lực, khó thở hơn, đau đầu hơn, nhịp tim nhanh, thở nhanh ngắt quãng…

Ở độ cao khoảng 2500m, người bị say núi cao cấp tính có thể biến triển thành phù não (HACE). Các triệu chứng gồm: đau đầu dữ dội, lú lẫn, mất thăng bằng loạng choạng, mất tập trung, buồn nôn và nôn, co giật có thể tiến triển đến lú lẫn hôn mê. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Rơi vào trường hợp này, trước tiên cần cho bệnh nhân thở oxy (2-4 lít/phút). Sau đó khẩn trương đưa bệnh nhân xuống thấp có thể hồi phục và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu nặng hơn (thường xảy ra khi ở độ cao trên 3000m), người bệnh có thể bị phù phổi cấp (HAPE) với các biểu hiện: ho khan không ngớt, hơi thở ngắn, đau đầu, mệt, khó thở và tức vùng dưới ức, thở khò khè, khó thở, nhịp tim nhanh, sốt nhẹ. Bệnh nhân còn có thể bị lú lẫn, có khi bị hôn mê, triệu chứng giống như viêm phổi nặng. Khi có các triệu chứng như trên, chúng ta phải cho cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở tư thế đầu nâng cao và tăng lưu lượng oxy bằng bình thở oxy để ngăn ngừa phù phổi rồi đưa người bệnh xuống độ cao thấp hơn.

Khi ở độ cao khoảng 4.500m trở lên, một số người rơi vào trường hợp say núi bán cấp với các triệu chứng giống như những triệu chứng say núi cấp tính nhưng kéo dài hơn và nặng hơn, ngoài ra có thể bị mất nước, khô da và ngứa.

Còn những người thường xuyên sống trên núi cao có thể bị say núi mạn tính (bệnh Monge) - biểu hiện bệnh là tình trạng thiếu oxy mạn tính, chỉ gặp ở một số người sống trên vùng cao mà mất khả năng thích nghi. Dấu hiệu bệnh là chứng ngủ gà, ức chế tâm thần, thiếu oxy máu, tím tái, ngón tay hình chùy… và khó phân biệt với bệnh phổi mạn tính.

Để an toàn chinh phục đỉnh cao

BS. Lê Công Thiện nhận định những người có thể lực yếu, có tiền sử bệnh lý phổi, suy tim và thiếu máu sẽ có nguy cơ mắc bệnh “say” núi cao hơn những người khỏe mạnh khác. Vì thế, nếu bạn mắc những bệnh trên thì tuyệt đối không nên leo núi thấp để không nguy hại đến sức khỏe của bạn.

Với những người khỏe mạnh, trước khi leo núi nếu thực hiện tốt những lời khuyên dưới đây có thể giúp chuyến đi của bạn vui vẻ hơn:

- Nên tập thể dục đều đặn, tăng dần cường độ trong vòng 1 tuần đến nửa tháng trước chuyến đi leo núi để tăng cường sức khỏe.

- Nên duy trì giấc ngủ đủ 8 tiếng trước và trong khi đi. Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá vì rượu có thể gây ra mất nước, mà làm trầm trọng thêm AMS và các hoạt động hao phí sức lực không cần thiết trong khi leo cao dần.

- Trong quá trình leo núi, bạn nên leo lên cao dần dần để thích nghi và nghỉ ngơi từ 1-2 ngày sau khi đến được độ cao mới.

- Người leo núi (đặc biệt leo cao trên 3.000m) cần mang theo thiết bị cung cấp oxy cá nhân để phòng trường hợp “say” núi cấp tính.

- Uống nhiều nước cũng sẽ giúp người leo núi đỡ vất vả hơn trong việc di chuyển, sẽ giúp thay thế chất dịch bị mất qua hơi thở nặng nhọc trong điều kiện không khí khô ở độ cao.

 Nam Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/ban-da-biet-den-hoi-chung-say-do-cao-4642/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY