Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Báo động nguy cơ “dịch chồng dịch” với nhiều loại bệnh tấn công trẻ, phụ huynh không chủ quan

Những ngày qua, tạp chí Sức khỏe Gia đình đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các phụ huynh, bày tỏ sự quan tâm về sự xuất hiện của nhiều loại bệnh, cùng lúc tấn công sức khoẻ của trẻ.

Song song đó, mới đây, Bộ Y tế cũng đưa ra công văn, báo động về nguy cơ “dịch chồng dịch” khó kiểm soát, yêu cầu cha mẹ không được chủ quan. Điều này cho thấy tình hình đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Tỷ lệ ca mắc bệnh không ngừng gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1 - 5 tuổi. Riêng chỉ trong khoảng cuối tháng 4 đầu - tháng 5, thành phố đã ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó, cho thấy số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động.

Trong khi đó, bên cạnh việc gia tăng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TP.HCM cũng như các bệnh viện trên địa bàn thành phố liên tục đưa ra cảnh báo bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng thành dịch khi số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM đã tăng 345% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo, thành phố có 4.491 trường hợp sốt xuất huyết, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lại có đến 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca).

Mùa hè là mùa của nhiều căn bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em (Ảnh: Internet)

Bên cạnh các căn bệnh quen thuộc như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, thì mới đây, WHO đưa ra thông báo, ghi nhận sự xuất hiện của căn bệnh viêm gan bí ẩn - đã có nhiều ca tử vong ở trẻ em tại các nước Đông Nam Á, cùng dịch tiêu chảy - nôn ói liên tục đã khiến cho các cha mẹ không khỏi hoang mang. Nói về căn bệnh viêm gan bí ẩn - tuy vẫn chưa phát hiện ca mắc nào tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, nhưng Bộ Y tế vẫn yêu cầu phụ huynh không lơ là, luôn chú ý đến biểu hiện của trẻ.

Về dịch nôn ói - tiêu chảy, nhiều bác sĩ khẳng định đây không phải là triệu chứng từ bệnh viêm gan ở trẻ mà được chẩn đoán là do virus Rota gây ra, nhưng với điều kiện thời tiết cùng môi trường trẻ phải tiếp xúc nhiều người, dễ lây bệnh như hiện tại, nguy cơ bùng thành dịch không phải là không thể.

Thời tiết ẩm ương là điều kiện để bùng thành dịch lớn

Theo Bộ Y tế, mùa hè là thời điểm có nhiều sự biến đổi về thời tiết. Ví dụ, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc, mưa nhiều tại khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi sự giao lưu đi lại của người dân cao nhưng ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền cũng như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, viêm não do não mô cầu,... thường có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch lớn.

Hơn nữa, hiện nay trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch (Ảnh: Internet)

Tình hình diễn biến phức tạp, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến sức khoẻ của con

Bên cạnh việc hưởng ứng các phát động từ cơ sở y tế xã, đoàn thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường và cho trẻ tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè, thì cha mẹ cũng cần ghi nhớ những lưu ý để phòng bệnh hiệu quả cho con:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, nước uống cho trẻ nhỏ, hoặc sau khi sử dụng nhà vệ sinh, thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước.

- Sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.

​- Về chế độ ăn uống, cha mẹ nên duy trì cho trẻ chế độ ăn bình thường như hằng ngày để cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, nên cho trẻ dùng riêng bát đũa là tốt nhất.

- Khu vực sinh hoạt của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, không có nhiều góc khuất cho muỗi có thể sinh sôi. Xung quanh nhà, nên phát quang cây cỏ, bụi rậm, dọn dẹp các thùng - thau - hoặc các đồ vật có thể chứa nước nhằm tránh cho muỗi đẻ trứng.

Cha mẹ không nên quá hoang mang, mất bình tĩnh khi nhận thấy con mình có triệu chứng bệnh, tuy nhiên, cũng không được quá chủ quan (Ảnh: Internet)

Trước hết, cha mẹ cần xác định trẻ có những biểu hiện ra sao nhằm xác định nguồn cơn bệnh là gì. Nếu trạng thái cháu nóng sốt nhưng không nghiêm trọng, có thể cho uống thuốc hạ sốt trước, sau đó đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám chi tiết.

Hệ luỵ từ nguy cơ “dịch chồng dịch” của nhiều loại bệnh gây nên, cùng lúc tấn công trẻ em là điều không thể lường trước được. Trong khi đó, hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, rất khó có thể lạc quan nếu không may trẻ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tối đa cho những trường hợp đáng tiếc nhất có thể xảy ra, chủ động phòng bệnh cho trẻ là điều mà cha mẹ và các cơ sở y tế cần thực hiện ngay bây giờ.

Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/bao-dong-nguy-co-dich-chong-dich-voi-nhieu-loai-benh-tan-cong-tre-phu-huynh-khong-chu-quan-34561/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY