Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bất chợt thấy đắng miệng, cảnh báo cơ thể mắc các chứng bệnh sau

Miệng đắng xuất hiện khi bạn dùng các thực phẩm có vị đắng, nhưng nếu đắng miệng thường xuyên hoặc kéo dài liên tục trong nhiều ngày mà sức khỏe của bạn bình thường, không có triệu chứng ốm, sốt thì cần đặc biệt chú ý vì đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang gặp vấn đề.

I. Đắng miệng và nguyên nhân

1. Đắng miệng là bệnh gì?

Miệng đắng là cảm giác trong miệng có vị đắng, bất kể ăn hay uống gì cũng thấy đắng. Đây là hiện tượng bệnh lý xảy ra khá phổ biến hiện nay, hiện tượng miệng bị đắng xảy ra kèm theo những biểu hiện khác như khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, chán ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng đắng miệng

Hiện tượng miệng có vị đắng kéo dài được hình thành chủ yếu từ các nguyên nhân thứ phát, tức là những nhóm nguyên nhân của một bệnh lý nào đó. Đắng miệng có thể hậu quả từ hiện tượng khô miệng ở những bệnh nhân có tuyến nước bọt bị hạn chế. Việc khô miệng được hình thành do lượng nước bọt tiết ra quá ít. Nước bọt được sản xuất từ các tế bào ở mặt trong của môi, vòm miệng, có nhiều tuyến, nhưng đa số là từ 3 tuyến nước bọt chính ở trong miệng: tuyến ở dưới lưỡi, tuyến gần xương hàm và tuyến ở hai bên má.

Sự tiết nước bọt được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh thực vật như một quy luật, kích thích hệ phó giao cảm làm tăng lưu lượng nước bọt và kích thích hệ giao cảm làm giảm sự tiết nước bọt. Biến đổi ngày đêm cũng ảnh hưởng như trong bóng tối và giấc ngủ sẽ làm giảm tiết nước bọt.

Nguyên nhân gây nên tình trạng đắng miệng

Tình trạng đắng miệng thường xuyên xảy ra khiến người bệnh mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn… Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:

2.1. Mắc các bệnh lý về miệng

Nhiều người thắc mắc miệng đắng và hôi là bệnh gì? Khi xuất hiện hiện tượng miệng đắng và hôi hay miệng đắng lưỡi khô khả năng cao bạn đang mắc một số bệnh lý về răng miệng như nhiễm trùng răng, viêm nha chu, viêm lợi, giảm tiết nước bọt, mất nước, khô miệng, viêm lưỡi, viêm đường hô hấp trên…

Mắc các bệnh lý về miệng - nguyên nhân gây miệng đắng

2.2. Do sử dụng thuốc

Nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh tim và tâm thần thì sau khi uống một thời gian miệng sẽ có vị đắng. Thậm chí còn xuất hiện cảm giác miệng đắng không muốn ăn.

2.3. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Nếu bạn đang thắc mắc hiện tượng miệng đắng khi ngủ dậy là bệnh gì ? Thì có khả năng cơ thể bạn đang được bổ sung quá nhiều các khoáng chất như đồng, kẽm, crôm hoặc canxi và sắt. Việc bổ sung quá nhiều các chất này cũng là nguyên nhân khiến cho miệng có cảm giác bị đắng.

Xem thêm: Nếu thường xuyên ngáp, bạn nên cảnh giác với 9 căn bệnh “giết người” sau

2.4. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm giảm tiết nước bọt, chứa nhiều chất kích thích ảnh hưởng đến vị giác khiến miệng có cảm giác đắng.

2.5. Do ảnh hưởng một số bệnh trong cơ thể

Một số bệnh như trào ngược dịch vị dạ dày, dịch mật, viêm gan… cũng khiến cho miệng có cảm giác đắng kéo dài.

Ảnh hưởng một số bệnh trong cơ thể - nguyên nhân gây miệng đắng

II. Đắng miệng cảnh báo cơ thể mắc các bệnh sau

1. Trào ngược dịch mật

Dịch mật là một chất lỏng màu xanh - vàng, được sản xuất tại gan và dữ trữ trong túi mật. Vai trò của dịch mật là để tiêu hóa chất béo và loại bỏ các tế bào hồng cầu đã chết cũng như một số độc tố ra khỏi cơ thể. Mật được đổ vào phần đầu ruột non cùng với các dịch tiêu hóa khác dưới sự kích thích của chất béo. Do một nguyên nhân nào đó, van môn vị (ngăn cách giữa dạ dày và ruột non) bị tổn thương, đóng không kín dẫn tới dịch mật trào ngược lên dạ dày và rồi từ đó trào ngược lên thực quản.

2. Trào ngược dạ dày

Miệng đắng có thể là do trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến hiện nay, tỷ lệ ngày càng gia tăng. Bệnh khá thường gặp nhưng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng. Một số triệu chứng triệu chứng khác có thể là như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng… dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện.

Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu. Bệnh diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thư.

Miệng đắng - báo hiệu trào ngược dạ dày

3. Các vấn đề về răng miệng

Các vấn đề răng miệng cũng có thể khiến cho miệng có cảm giác đắng, sâu răng, nha chu. Bệnh về răng miệng có thể đi kèm với nhiều bệnh khác: tiểu đường, viêm nội tâm mạc, Alzheimer… Do đó đây cũng là dịp nên chú trọng thêm đến vệ sinh răng miệng hàng ngày, đồng thời tiến hành khám răng định kỳ.

Miệng đắng báo hiệu các vấn đề về răng miệng

4. Suy giảm chức năng gan

Đắng miệng cũng còn gặp ở các trường hợp chức năng gan suy giảm do các bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mạn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc các trường hợp gan phải làm việc quá tải trong thời gian dài.

Miệng đắng báo hiệu suy giảm chức năng gan

5. Rối loạn tiêu hóa

Nếu mắc chứng khó tiêu kéo dài dai dẳng, rối loạn tiêu hóa sẽ khiến người bệnh xuất hiện các vị khó chịu trong miệng như: Cảm thấy vị đắng hoặc mặn trong miệng; cảm giác có mùi kim loại và bị hôi miệng. Khi mức chứng rối loạn tiêu hóa thì miệng đắng sau khi ngủ dậy vậy nên nếu bạn gặp phải hiện tượng miệng đắng khi ngủ dậy thì khả năng cao đang mắc chứng rối loạn tiêu hóa rồi đấy.

6. Đắng miệng do tổn thương thần kinh

Vị giác là giác quan được kết nối trực tiếp với các dây thần kinh của não bộ. Việc dây thần kinh bị tổn thương sẽ có khả năng tạo ra tình trạng rối loạn vị giác, làm đắng miệng. Nguyên nhân dẫn tới tổn thương thần kinh có thể do các chấn thương ở đầu hoặc do các bệnh lý như: Bệnh u não, động kinh, mất trí nhớ, bệnh đa xơ cứng, bệnh liệt mặt…

III. Cách giúp bạn hết miệng đắng

Một số biện pháp sau đây sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng đắng miệng:

1. Chăm sóc răng miệng thường xuyên: Hãy chăm sóc răng miệng thường xuyên bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn đều đặn.

2. Ăn ít hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ: Nếu bạn bạn đang gặp phải các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa thì nên ăn ít hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ.

3. Đứng thẳng sau khi ăn: Sau khi ăn, cần khoảng 2 – 3 giờ để làm rỗng dạ dày trước khi nằm xuống. Việc đứng thẳng một lúc khoảng 15 phút sau khi ăn giúp thức ăn xuống dạ dày nhanh hơn, giúp việc tiêu hóa nhanh hơn.

4. Hạn chế thức ăn béo: Bữa ăn giàu chất béo làm giãn cơ vòng thực quản dưới và làm chậm tốc độ rỗng dạ dày.

5. Nhai kẹo cao su không đường: Nhai kẹo cao su không đường để duy trì lượng nước bọt trong miệng.

6. Uống đủ nước: Nên uống khoảng 2 - 3 lít mỗi nước mỗi ngày.

7. Tránh các yếu tố nguy cơ gây trào ngược axit: Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay, giảm hoặc loại bỏ các sản phẩm từ thuốc lá và rượu.

Miệng đắng không chỉ là một biểu hiện sinh lý bình thường mà còn là cảnh báo việc bạn mắc một số bệnh lý không mong muốn khác. Hãy theo dõi và chăm sóc cơ thể để có được sức khỏe tốt nhất nhé!

Ánh Dương

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/bat-chot-thay-dang-mieng-canh-bao-co-the-mac-cac-chung-benh-sau-27666/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY