Bệnh ấu trùng sán lợn là gì?
Việc ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sẽ gây ra nhiễm sán dây. Nếu bạn ăn trứng sán dây, chúng có thể di chuyển bên ngoài ruột và hình thành các nang ấu trùng trong các mô cơ thể và các cơ quan (nhiễm trùng xâm nhập).
Nếu bạn ăn phải ấu trùng sán dây lợn, chúng sẽ phát triển thành sán dây trưởng thành trong ruột (nhiễm trùng đường ruột).
Vòng đời của sán dây lợn trưởng thành có thể là 30 năm trong ký chủ. Nhiễm sán dây đường ruột thường nhẹ, nhưng nhiễm ấu trùng xâm lấn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ấu trùng sán lợn
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề – nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết, tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng mà gây ra các triệu chứng đau khác nhau.
Nếu sán “đóng đô” ở não sẽ gây bệnh kén sán não. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ là tùy thuộc số lượng kén sán có trong não, chúng sẽ gây ra các rối loạn chức năng với các biểu hiện thường gặp là nhức đầu dữ dội mà chúng ta không hề biết rõ nguyên nhân, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ…
Nếu sán “làm tổ” tại mắt sẽ gây ra các triệu chứng chèn ép sau nhãn cầu làm tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị. Lúc này bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu như hay hoa mắt, mắt mờ đi, đau nhức mắt khủng khiếp.
Cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.
Tại cơ vân, xuất hiện những nang dưới da kích thước từ 0,5 đến 2cm di động dễ, không ngứa, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực, thường gây máy giật cơ.
Bệnh từ miệng mà ra, nếu không muốn nhiễm phải ấu trùng sán lợn nguy hiểm này, các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh cũng như thịt động vật tái sống. Bên cạnh đó, để điều trị bệnh sán lợn dễ dàng, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn?
Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi. Thuốc điều trị bệnh và ấu trùng bệnh sán dây lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.
Nên làm gì để phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn?
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân:
- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không bảo đảm vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: