Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh cao huyết áp - Kể giết người thầm lặng

Cao huyết áp là căn bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở cả nam và nữ. Đây là căn bệnh mãn tính, có thể biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị đúng cách.

Bệnh cao huyết áp là gì?

Tim của chúng ta luôn hoạt động không ngừng nghỉ để bơm máu chứa oxy và năng lượng di chuyển tới khắp các bộ phận của cơ thể, thông qua các mạch máu nhỏ hay còn gọi là động mạch.

Trong quá trình máu vận chuyển qua các động mạch, chúng sẽ tạo ra một áp lực nhất định lên thành mạch máu. Áp lực đó gọi là huyết áp.

Khi huyết áp vượt ngưỡng 140/90 mmHg trở lên được coi là huyết áp cao

Thông thường huyết áp sẽ biến đổi liên tục tùy vào thời gian và hoạt động của cơ thể. Để xác định mức huyết áp, người ta sử dụng thông số chỉ số huyết áp với đơn vị mmHg. Chỉ số này bao gồm hai thành phần: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Huyết áp tâm thu (systolic reading) là áp lực sinh ra trong động mạch khi tim co bóp. Thông thường mức huyết áp tâm thu dao động quanh ngưỡng 120 mmHg.

Huyết áp tâm trương (diastolic reading) là áp lực trong động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa hai lần co bóp. Huyết áp tâm trương bình thường không vượt quá ngưỡng 80 mmHg.

Mức huyết áp lý tưởng cho người bình thường là xấp xỉ 120/80 mmHg.

Khi huyết áp tăng cao vượt ngưỡng an toàn (140/90 mmHg hoặc hơn) và kéo dài, cơ thể sẽ bắt đầu phải chịu những tổn thương ở động mạch và các bộ phận khác. Đó là lúc bạn được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là căn bệnh mãn tính. Bệnh xuất hiện khi áp lực lên thành động mạch tăng cao bất thường, tỉ lệ thuận với với mỗi nhịp đập của tim.

Bệnh cao huyết áp - kẻ giết người thầm lặng

Khi huyết áp tăng cao, động mạch sẽ phải co giãn quá mức để gánh chịu áp lực, khiến thành động mạch bị rách vi thể.

Theo thời gian, những vết rách trên thành động mạch sẽ tạo thành mô xẹo, khiến động mạch xơ cứng và giảm độ đàn hồi. Bên cạnh đó, các mô sẹo này còn có thể giữ lại các tế bào máu và cholesterol lưu thông qua, lâu dần tạo thành các cục máu đông.

Sự hình thành cục máu đông chính là nguyên nhân dẫn tới động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn, dễ dẫn tới các cơn đột quỵ khi máu không thể lưu thông.

Bên cạnh đó, khi động mạch bị xơ vữa, bắt buộc tim phải hoạt động nặng nhọc hơn, co bóp mạnh để bơm máu, làm tăng nguy cơ phì đại cơ tim. Thời gian dài sẽ khiến tim yếu dần đi và ban phải đối mặt với nguy cơ trụy tim.

Bệnh huyết áp cao nếu không phát hiện và điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm

Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới bệnh cao huyết áp như căng thẳng thường xuyên, chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít tập thể dục, tuổi tác, di truyền hay các bệnh thứ cấp khác...

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

Tăng huyết áp do các bệnh thứ phát

Tăng huyết áp là triệu chứng của các bệnh dưới đây:

- Bệnh thận: viêm thận mạn, viêm thận cấp, suy thận, thận đa nang, ứ nước bể thận, u tăng tiết renin …

- Nguyên nhân nội tiết: hội chứng Conn, hội chứng Cushing, phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh, u tủy thượng thận

- Bệnh tim mạch

- Một số nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, bệnh tăng hồng cầu; nguyên nhân thần kinh(nhiễm toan hô hấp); do thuốc: sử dụng thuốc corticoid kéo dài, thuốc tránh thai… cũng khiến huyết áp tăng cao.

Tuổi tác

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh cao huyết áp. Khi tuổi tác càng cao thì mạch máu sẽ có càng nhiều sự thay đổi về mặt giải phẫu, dễ dẫn tới cao huyết áp.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh cao huyết áp do tuổi cao thường khó xác định hơn do không có biểu hiện rõ ràng.

Cân nặng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân và béo phì có liên quan mật thiết tới bệnh cao huyết áp. Do đó, bạn nên cố gắng duy trì cân nặng ở mức ổn định để kiểm soát huyết áp và phòng tránh các bệnh về tim mạch.

Hút thuốc

Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm với cơ thể, trong đó có bệnh cao huyết áp. Việc hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ khiến các mạch máu bị hẹp, làm giảm lượng oxy có sẵn trong cơ thể, khiến tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu. Điều này sẽ khiến huyết áp tăng cao.

Chế độ ăn giàu chất béo

Theo các chuyên gia, chế độ ăn giàu chất béo sẽ ảnh hưởng rất xấu đến huyết áp, làm tăng nguy cơ huyết áp cao cho bạn. Không chỉ lượng chất béo mà loại chất béo cơ thể tiêu thụ cũng rất ảnh hưởng. Những thực phẩm giàu chất béo bão hòa sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.

Ăn mặn

Chế độ ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nguyên nhân là do muối làm tăng hấp thụ nước vào máu khiến huyết áp tăng cao. Vì thế, bạn nên giảm lượng muối ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Các triệu chứng của bệnh cao huyết áp

Đau đầu

Đây là triệu chứng phổ biến và thường gặp nhất của bệnh cao huyết áp. Hầu hết những người bị cao huyết áp đều than phiền về những cơn đau đầu liên tục.

Đau đầu là triệu chứng thường thấy ở người cao huyết áp

Hồi hộp

Khi huyết áp tăng cao, việc cung cấp ôxy bị giảm khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, điều này sẽ gây ra cảm giác hồi hộp, lo âu. Ngoài ra, triệu chứng hồi hộp và tim đập nhanh cũng có thể cho thấy tim của bạn đang hoạt động bất thường.

Hoa mắt, chóng mặt

Bệnh nhân cao huyết áp cũng thường xuyên phải đối mặt với chứng chóng mặt. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có triệu chứng choáng và mất thăng bằng. Ở giai đoạn sau, họ có thể cảm thấy chóng mặt thường xuyên.

Song thị (nhìn đôi)

Nếu bệnh cao huyết áp không được phát hiện sớm thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn. Ở giai đoạn sau của bệnh, bạn có thể xuất hiện triệu chứng song thị.

Đây là tình trạng nhìn một mà thành hai. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể cảm thấy mắt nhìn bị mờ, thị lực giảm sút.

Buồn nôn, ói mửa

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cao huyết áp là buồn nôn, ói mửa kèm theo đau đầu. Mức độ triệu chứng xảy ra ở mỗi bệnh nhân không giống nhau.

Điều trị cao huyết áp

Việc điều trị cao huyết áp chủ yếu nhằm giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 140/90 mmHg.

Trường hợp bệnh nhân cao huyết áp mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thân mãn tính, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị nghiêm ngặt hơn để đảm bảo mức huyết áp duy trì ở ngưỡng dưới 130/80 mmHg.

Để điều trị cao huyết áp cần phối hợp các phương pháp dưới đây:

Thay đổi lối sống

Việc điều trị cao huyết áp phải song hành cùng việc thay đổi thói quen sống hàng ngày. Trước hết là chế độ ăn uống.

- Bệnh nhân cao huyết áp không nên ăn quá mặn. Mỗi ngày bạn chỉ nên sử dụng dưới 5g muối và duy trì chế độ ăn lành mạnh. Tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C, E, PP.

- Nên thay thế các loại mỡ động vật bằng mỡ thực vật. Tăng cường trái cây và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày.

- Ít ăn đồ ngọt, saccharose, fruitose, glucose đều làm tăng đường máu, mỡ máu, nên ít dùng.

- Tránh hấp thu quá nhiều caffeine, trà đậm, cà phê đậm, ớt…

- Có thể chọn thức ăn bảo vệ mạch máu và tác dụng giảm mỡ như rau cần, chuối, sơn tra, nấm mèo, củ hành, cà chua, hải sâm, tỏi, nấm hương (đông cô), rong biển…, đều có hiệu quả tốt đối với phòng trị bệnh cao huyết áp, xuất huyết não, nhũn não.

- Ăn ít, chia nhiều bữa, không nên ăn quá no, ngày chia ra 4-5 bữa.

Nên duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Bệnh nhân cao huyết áp cần duy trì mức cân nặng ổn định, hạn chế tăng cân. Nếu đang ở ngưỡng béo phì cần điều chỉnh chế độ ăn uống, kiêng khem để có mức cân nặng hợp lý.

Tránh áp lực công việc và tình trạng stress. Người bệnh cần duy trì ngủ đủ giấc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể được nghỉ ngơi.

Tuyệt đối tránh xa thuốc lá và hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, cà phê, đồ uống có cồn.

Sử dụng thuốc

Bên cạnh việc thay đổi lối sống, phần lớn các trường hợp cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê thêm toa thuốc giúp hạ và ổn định huyết áp. Các loại thuốc huyết áp phổ biến được sử dụng bao gồm:

- Thuốc lợi tiểu;

- Thuốc ức chế Beta;

- Thuốc ức chế hấp thụ canxi;

- Các chất ức chế men chuyển ACE;

- Thuốc giãn mạch.

Trong quá trình sử dụng thuốc, các bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến của bệnh để thay đổi liều lượng và loại thuốc sử dụng giúp bệnh nhân ổn định được huyết áp.

Bạn nên tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Không nên dừng thuốc ngay lập tức khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường mà cần duy trì cho đến khi hết đơn thuốc.

Cần đến khám bệnh thường xuyên, và hỏi ý kiến bác sĩ mỗi khi thấy huyết áp của bạn ở mức quá cao hoặc quá thấp trong quá trình điều trị.

Điều trị trong trường hợp khẩn cấp

Đối với người bị cao huyết áp cấp cứu , người bệnh cần phải được điều trị tại phòng cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt, vì bệnh có thể gây tử vong. Người bệnh sẽ được theo dõi tình trạng tim và mạch máu. Bác sĩ có thể cho người bệnh thở ôxy và thuốc giúp ổn định lại huyết áp xuống mức an toàn.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-cao-huyet-ap--ke-giet-nguoi-tham-lang-25705/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY