Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh gout và những biến chứng cực kỳ nguy hiểm

Gout là căn bệnh nguy hiểm đang có xu hướng mắc gia tăng trong những năm gần đây. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng đáng sợ.

BỆNH GOUT LÀ GÌ?

Bệnh gout hay còn được gọi là thống phong, là một dạng của bệnh viêm khớp gây nhiều đau đớn.

Bệnh xuất hiện do sự tích tụ axit uric, sinh ra từ sự phân hủy các chất purin trong máu quá mức.

Bệnh gout hình thành do sự tích tụ quá nhiều axit uric trong cơ thể

Bình thường axit uric sẽ được cơ thể hòa tan trong máu, thông qua thận rồi bài tiết khỏi cơ thể theo nước tiểu. Nhưng khi bạn dung nạp quá nhiều thực phẩm chứa purin, sẽ khiến lượng axit uric tăng cao, cơ thể không thể bài tiết hết mà tích tụ lại.

Khi lượng axit uric lắng đọng trong máu quá nhiều, sau một thời gian sẽ hình thành bệnh gout.

Đặc trưng của căn bệnh này là tình trạng sưng đỏ các khớp, có cảm giác nóng và đau nhức vô cùng, khiến người bệnh cử động khó khăn và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Các khớp thường bị tổn thương nhất là ngón chân cái, mắt cá chân, khớp tay...

Cơn đau do bệnh gout gây ra có thể xuất hiện đột ngột ngay cả nửa đêm khiến người bệnh đau buốt, mất ngủ.

Bệnh khi trở nên nặng hơn sẽ xuất hiện các hạt tophi ở khớp và mô mềm dưới da khiến các cơn đau càng tăng lên nhiều hơn và có thể xuất hiện các biến chứng.

Bệnh gout thường gặp ở nam nhiều hơn là nữ. Thống kê hiện nay cho thấy có tới 90% bệnh nhận gout là nam giới. Nữ giới dù chiếm tỉ lệ nhỏ xong vẫn có nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

NHỮNG TRIỆU CHỨNG VÀ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH GOUT

Giai đoạn đầu

Khi mới khởi phát, bệnh gout tiến triển khá chậm và ít có những biểu hiện ra bên ngoài. Mặc dù hàm lượng axit uric trong máu đã tăng cao, nhưng triệu chứng bệnh chưa xuất hiện nhiều.

Giai đoạn đầu thường kéo dài trong 1-3 tháng. Phần lớn bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn này do vô tình khi khám sức khỏe định kỳ hoặc làm xét nghiệm máu.

Giai đoạn cấp tính

Khi bước sang giai đoạn cấp tính, bệnh gout sẽ biểu hiện những triệu chứng rất rõ rệt và dễ nhận biết.

- Vị trí phát bệnh: Cơn gout cấp tính sẽ xuất hiện ở các khớp, cơ ngón tay, đầu gối và các ngón chân. Trong đó vị trí phổ biến nhất là ngón chân cái, chiếm tới 65% các ca bệnh gout.

- Cơn đau tại các khớp: Cơn đau thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, đau dữ dội và tăng lên từng ngày. Đau khớp kèm theo tê buốt khiến người bệnh đứng ngồi không yên.

- Triệu chứng kèm theo: Các ngón tay, ngón chân có biểu hiện phù nề, sưng to, đỏ nóng do viêm xung huyết tại vùng bị viêm.

- Triệu chứng toàn thân: Khảo sát cho thấy có khoảng 50% trường hợp mắc bệnh gout giai đoạn cấp tính có biểu hiện toàn thân kèm theo như: sốt nhẹ, mệt mỏi, khó vận động, rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện khó, mắt nổi tia đỏ...

- Nổi cục tophi sưng khớp: Ở giai đoạn cấp tính, tại ví trị các khớp ngón tay, ngón chân hay mắt cá chân có thể xuất hiện các khối u cục nổi lên, được gọi là cục tophi. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, cục tophi chỉ nổi lên trong 3-5 ngày sẽ bớt sưng, giảm bệnh.

Giai đoạn mãn tính

Khi mới mắc bệnh, thông thường những cơn gout cấp tính sẽ tái phát nhiều lần trong năm. Nếu bệnh tiếp tục kéo dài trong 1-3 năm thì được gọi là gout mãn tính.

Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, các triệu chứng gout đã khá nghiêm trọng và khiến người bệnh gặp phải nhiều phiền toái, khó khăn trong cuộc sống.

- Đau dữ dội tại các khớp:

Lúc này cơn đau không chỉ kéo dài trong vài giờ hay vài ngày như gout cấp tính mà có thể lên tới hàng vài tuần, vài tháng.

Các lớp da xung quanh vùng khớp bị viêm bong tróc, ngứa ngáy do lên da non. Vùng da này cũng có biểu hiện tím đỏ như bị nhiễm trùng.

- Kết tủa axit uric tại khớp xương:

Ở giai đoạn mãn tính, bệnh nhân sẽ xuất hiện các u, cục tophi ở các khớp bệnh. Nguyên nhân là do các tinh thể axit uric tích tụ tại các khớp.

Do vùng da tại các khớp này mỏng nên có thể dễ dàng nhìn thấy khối u cục màu trắng bằng mắt thường.

- Viêm khớp sưng đỏ: Các khớp có thể viêm đối xứng. Đồng thời, bệnh nhân có tình trạng sưng túi dịch đệm ở khuỷu tay hay đầu gối gây sưng, phù khớp.

- Phá hủy xương khớp: Do sự lớn dần của khối tophi và tình trạng viêm đau kéo dài sẽ khiến các khớp xương bị phá hủy.

Bệnh gout khiến người mắc phải gặp nhiều đau đớn

CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH GOUT

Tổn thương xương khớp

Bệnh gout nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, để bệnh kéo dài sẽ dẫn tới các tổn thương xương khớp.

Bệnh nhân có thể bị hủy hoại các khớp, đầu xương bị tổn hại và dẫn tới nguy cơ tàn phế.

Khi các hạt tophi vỡ ra, khớp rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập dẫn tới nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm.

Tổn thương thận

Không chỉ gây ra các biến chứng cho xương khớp, bệnh gout còn gây tổn thương thận.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 10-15% bệnh nhân gout gặp phải biến chứng gây tổn thương thận, trong đó phần lớn là viêm khe thận, viêm cầu thận.

Axit uric trong máu được đào thải qua thận để theo nước tiểu ra ngoài. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao, chúng dễ lắng đọng tại thận và gây ra sỏi thận.

Các biến chứng khác

Bệnh nhân gout còn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh thận ứ nước, nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Bệnh gout có nhiều biểu hiện giống với một số bệnh khác về xương khớp, nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp...

Nếu bị chẩn đoán nhầm và điều trị sai cách, người bệnh có thể mắc phải các biến chứng như lao, loãng xương, gãy xương, tăng huyết áp, đái tháo đường...

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH GOUT

Chế độ ăn không lành mạnh

Việc ăn quá nhiều các thực phẩm chứ hàm lượng cao purin như gan, thịt, cá, tôm, cua... hoặc uống nhiều bia, rượu làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh gout. Bởi sự phân giải purin sẽ sản sinh ra axit uric tích tụ trong cơ thể.

Mất nước

Khi cơ thể bị mất nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh gout.

Tình trạng mất nước sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu, từ đó là tăng nguy cơ mắc bệnh gout.

Thừa cân, béo phì

Nghiên cứu cho thấy rằng, tình trạng thừa cân, béo phì cũng khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.

Bởi khi bạn thừa cân quá nhiều sẽ kích thích cơ thể tạo ra nhiều axit uric hơn và ngăn chặn sự bài tiết axit uric khỏi cơ thể.

Mãn kinh

Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, sự suy giảm hormone estrogen khiến việc bài tiết axit uric của thận kém hơn.

Chính vì thế, những phụ nữ trung niên sau tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn những người trẻ.

Chấn thương

Những chấn thương ở khớp, hay va chạm ở ngón chân cái có thể tạo thuận lợi cho sự phát triển của bệnh gout. Khi khớp bị chấn thương, axit uric dễ lắng đọng hơn và có thể làm khởi phát cơn gout.

Tiền sử gia đình

Nếu trong gia đình bạn có người thân mắc bệnh gout thì bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn bình thường.

Thống kê cho thấy có khoảng 20% bệnh nhân gout có tiền sử gia đình mắc bệnh gout.

Thuốc lợi tiểu thiazide

Những loại thuốc uống này làm tăng bài tiết nước tiểu để giúp kiểm soát tăng huyết áp. Do thận kéo chất lỏng ra khỏi cơ thể kèm tăng đào thải axit uric, dẫn đến làm tăng nguy cơ tái tạo của acid uric trong cơ thể và nguy cơ gây ra bệnh gout.

Thuốc chống thải ghép

Thuốc chống đào thải mảnh ghép, như cyclosporin, có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gout.

ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT

Điều trị bệnh gout khi có cuộc tấn công cấp tính

Với các cơn gout cấp tính, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid và colchicine.

Thuốc chống viêm không steroid có tác dụng làm giảm cuộc tấn công của gout, giảm đau nhức xương khớp và phòng tránh phản ứng viêm tại khớp.

Thuốc sẽ có tác dụng tốt nhất nếu được sử dụng trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ khi có cơn gout.

Một số loại thuốc chống viêm không steriod có thể kể đến như như ibuprofen, naproxen và etoricoxib…

Tuy nhiên các loại thuốc chống viêm không steriod vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ liều dùng mà bác sĩ kê đơn. Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc.

Loại thuốc colchicine thực tế không thuộc nhóm thuốc giảm đau, tuy nhiên nó lại có hiệu quả trong việc giảm sự tiếp xúc, va chạm của tinh thể urat (tạo ra các hạt tophi) vào màng khớp, nhờ đó người bệnh bớt đau đơn hơn.

Loại thuốc này được sử dụng càng gần với thời gian diễn ra cơn đau thì càng tốt. Tối đa là sau 24h kể từ khi cơn gout tấn công, nếu không chúng sẽ không mang lại tác dụng.

Loại thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy... Do đó, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh bắt đầu từ liều thấp và tăng dần nếu không có dấu hiệu bát ổn.

Điều trị bệnh gout liên tục để giảm lượng axit uric

Về lâu dài, với trường hợp gout mãn tính, cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric, từ đó ngăn chặn sự lắng đọng tinh thể urat trong khớp xương.

Một số loại thuốc thường được sử dụng như:

- Thuốc chữa bệnh gout Allopuronol: giảm sản xuất axit uric. Ban đầu bạn nên dùng liều thấp rồi tăng dần theo thời gian để tránh các tác dụng không mong muốn như phát ban hay đau bụng có thể xảy ra.

- Thuốc chữa bệnh gout Febuxostat: nếu bạn bị suy thận hoặc gặp phải tác dụng không mong muốn với allopuronol.

- Thuốc chữa bệnh gout Probenecid: sử dụng hàng ngày, có thể kết hợp với kháng sinh để tăng hiệu quả. Tác dụng phụ có thể gặp: sỏi thận, buồn nôn, phát ban da, đau bụng và nhức đầu.

- Thuốc chữa bệnh gout Pegloticase: làm giảm axit uric một cách nhanh chóng hơn nhiều so với thuốc khác. Thuốc được tiêm mỗi tuần 2 lần vào tĩnh mạch. Các tác dụng phụ có thể gặp: buồn nôn, bầm tím vùng tiêm, đau họng, táo bón, đau ngực…

PHÒNG TRÁNH BỆNH GOUT

Bổ sung nước

Bạn cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày để giúp việc trao đổi chất và bài tiết trong cơ thể diễn ra thuận lợi.

Cung cấp đủ nước cũng giúp hạn chế urat kết tủa và hỗ trợ loại bỏ axit uric ra khởi cơ thể và phòng tránh bệnh gout hiệu quả.

Hạn chế các thực phẩm chứa purin

Việc dung nạp các loại thực phẩm chứa nhiều purin là một trong những nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ bệnh gout.

Do đó, hãy hạn chế những thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản... và thay thế bằng các loại rau xinh, các loại hạt và thực phẩm giàu chất xơ. Chúng sẽ giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu và làm tăng tính kiềm cho cơ thể.

Không uống nhiều rượu bia và các đồ uống có ga

Những loại đồ uống chứa nhiều cồn như rượu bia, hay nước ngọt có ga sẽ khiến bạn dung nạp lượng lớn purin và tăng axit uric trong máu. Vì thế hãy hạn chế tối đa những đồ uống này để phòng nừa bệnh gout.

Giảm béo

Việc duy trì mức cân nặng hợp lý là cách giúp giảm nồng độ axit uric trong máu hiệu quả, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các khớp xương.

Tuy nhiên bạn không nên giảm cân đột ngột hay giảm cân bằng cách nhịn ăn để tránh khiến cơ thể suy nhược.

Thường xuyên thể dục thể thao

Axit uric cũng cũng được đào thải thông qua bài tiết mồ hôi do vậy thường xuyên vận động hoặc lựa chọn cho bản thân 1 môn thể thao phù hợp như chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội...

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-gout-va-nhung-bien-chung-cuc-ky-nguy-hiem-25905/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY