Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh, thể hiện tính nhân văn ở sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe và người ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Những lợi ích của BHYT mang lại cho người tham gia là rất thiết thực, nhất là đối với người bị bệnh hiểm nghèo (BHN).
Bệnh viện Trường Ðại học Nam Cần Thơ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tham gia BHYT.
Thuật ngữ BHN được giải thích trong nhiều văn bản khác nhau. Khoản 4, Ðiều 3, Nghị định 140/2021/NÐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc: người mắc BHN là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư giai đoạn cuối, bại liệt, phong hủi, lao đa kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS hoặc bệnh khác có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên xác nhận là BHN theo quy định của Bộ Y tế.
Theo khoản 4, Ðiều 8, Nghị quyết 02/2018/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 65, Bộ luật Hình sự về án treo, giải thích: mắc BHN là trường hợp bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Căn cứ các quy định trên, có thể hiểu BHN là bệnh nguy hiểm đến tính mạng và khó có phương thức chữa trị. Trong đó, sự nguy hiểm đến tính mạng có thể gây ra bởi những tác động nghiêm trọng lên cơ thể ở thời điểm hiện tại; diễn tiến qua giai đoạn sau nhanh chóng; hoặc bệnh diễn tiến từ từ nhưng lại khó điều trị và có nguy cơ cao gây ra suy yếu, tật nguyền hoặc tử vong; phương pháp điều trị thuộc mức độ khó, đòi hỏi kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư… cao cấp, liệu trình điều trị đặc biệt, kéo dài, bám sát thực tế, khó đoán định trước. Khả năng điều trị thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, nguyên nhân, tình trạng bệnh, sức khỏe và cơ địa người bệnh… Yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi các bệnh này là điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, chi phí điều trị tốn kém là một trong những nỗi lo lớn nhất của người mắc BHN và gia đình bệnh nhân.
Bệnh nhân mắc BHN có BHYT sẽ được chi trả một phần chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ chi phí chữa trị BHN sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT chứ không phụ thuộc vào loại bệnh mà người tham gia BHYT mắc phải.
Ðiều 22, Luật BHYT năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định cụ thể mức hưởng BHYT đúng tuyến, trái tuyến. Theo đó, mức hưởng BHYT đúng tuyến: 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng: quân nhân, sĩ quan chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật, học viên công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân; học viên cơ yếu hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; khám, chữa bệnh 1 lần thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám, chữa bệnh tại tuyến xã; người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh đối với đối tượng: người được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công với cách mạng, trừ thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người thuộc hộ cận nghèo. Mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
Mức hưởng BHYT trái tuyến: tại các bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại các bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; tại các bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám chữa bệnh.
Chủ đề liên quan:
bảo hiểm y tế chi trả Bệnh hiểm nghèo được bảo hiểm y tế chi trả Bệnh viện Trường đại học Nam Cần Thơ