Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh huyết áp thấp- cẩn thận kẻo gây ra những hệ lụy khó lường

Huyết áp thấp cũng là căn bệnh rất phổ biến hiện nay. Bệnh không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng nếu chủ quan, bệnh có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là chỉ số thể hiện áp lực của máu lên thành động mạch trong quá trình vận chuyển. Chỉ số huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm và kích thước, độ đàn hồi của động mạch.

Chỉ số huyết áp gồm hai yếu tố:

- Huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa thể hiện áp lực được tạo ra khi tim co bóp. Thông thường, huyết áp tâm thu dao động từ 100-120mmHg.

- Huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu phản ánh áp lực bên trong các động mạch khi tim đang nghỉ ngơi giữa hai lần đập. Huyết áp tâm trương bình thường dao động trong khoảng 60-80mmHg.

Khi huyết áp tụt xuống dưới ngưỡng bình thường, tức là huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg. Hoặc chỉ số huyết áp giảm hơn 20mmHg so với lúc bình thường trước đó thì được ghi nhận là huyết áp thấp.

Khi huyết áp giảm dưới mức 90/60 mmHg nghĩa là bạn đang bị huyết áp thấp

Theo các chuyên gia, huyết áp thấp thường ít gây nguy hiểm và không dẫn tới các biến chứng như tai biến mạch máu hay trụy tim. Tuy nhiên, cũng không nên coi thường, thờ ơ với bệnh này, bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh huyết áp thấp vẫn có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Nếu thường xuyên bị tụt huyết áp nhiều lần, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây tổn thương các cơ quan não bộ, tim, thận...

Tụt huyết áp bất ngờ có thể gây shock cho người bệnh, rất nguy hiểm trong trường hợp đang lái xe, làm việc trên cao hay ngoài trời...

Những dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp

Mệt mỏi, suy nhược cơ thể

Dấu hiệu này đặc biệt hay xuất hiện vào buổi sáng. Người mắc huyết áp thấp thường xuyên cảm thấy tinh thần mệt mỏi, uể oải, tay chân buồn bực, rã rời. Nếu được ngủ một giấc ngắn ngay lúc đó hoặc nghỉ ngơi sẽ cảm thấy khỏe hơn. Nhưng đến chiều muộn hoặc tối lại tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, cho dù không phải lao động quá sức.

Đau đầu, chóng mặt

Bệnh nhân huyết áp thấp thường xuyên phải đổi mặt với cơn đau đầu, chóng mặt. Cơn đau đầu càng nặng hơn khi não bộ bị căng thẳng, suy nghĩ nhiều hoặc lo âu hay vừa phải lao động thể lực nặng nhọc.

Mỗi người sẽ có mức độ và kiểu đau đầu khác nhau. Có người đau nhiều ở vùng đỉnh đầu, có người lại vừa đau đầu kèm theo tê nhức.

Người mắc huyết áp thấp cũng thường xuyên cảm thấy chóng mặt. Có người bị nhẹ sẽ thấy mắt bỗng dưng tối sầm lại, người hơi chao đảo. Người nặng hơn có thể bị ngã hay thậm chí ngất xỉu khi thay đổi tư thế đột ngột.

Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng thường thấy ở người huyết áp thấp

Đau vùng ngực hoặc khó chịu ở tim

Bệnh nhân huyết áp thấp cũng thường cảm thấy đau xung quanh vùng ngực, khó chịu ở vùng tim dù cơ thể không ở trạng thái căng thẳng về tinh thần hay phải lao động nặng nhọc.

Một số người cảm thấy đau ngay cả khi đang nghỉ ngơi, thậm chí là đau thắt ở vùng tim. Triệu chứng này phổ biến hơn ở những người bệnh trên 40 tuổi.

Rối loạn chức năng thần kinh

Người mắc huyết áp thấp trong thời gian dài nếu không được điều trị đúng cách sẽ có những biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh như suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ. Nhiều bệnh nhân còn có biểu hiện ra mồ hồi nhiều, da xanh tái, cơ thể lúc nóng, lúc lạnh, tay chân buồn bực, khó chịu.

Rối loạn chức năng nội tiết

Sự thiếu hụt các hormone epinephrine và norepinephrine trong tuyến thượng thận ở bệnh nhân huyết áp thấp khiến họ gặp phải một số rối loạn về nội tiết. Một số người thường xuyên bị hạ đường huyết hoặc rối loạn chức năng tình dục.

Các dấu hiệu khác

Ngoài ra, người mắc huyết áp thấp còn có thể xuất hiện một số biểu hiện như chán ăn, đau bụng, khó tiêu. Đồng thời xuất hiện sự gia tăng các tế bào máu đỏ, giảm bạch cầu, giảm khả năng miễn dịch có thể dẫn đến các dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng huyết áp thấp, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:

Mang thai

Khi mang thai, thể tích tuần hoàn của bà bầu tăng lên nhanh chóng có thể khiến huyết áp giảm. Tuy nhiên, thông thường huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sinh, vì thế bà bầu không cần quá lo lắng mà chỉ cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị choáng đột ngột.

Các vấn đề tim mạch

Một số vấn đề về tim mạch như nhịp tim quá chậm, các bệnh lí về van tim, nhồi máu cơ tim hay suy tim cũng có thể dẫn tới huyết áp thấp, do lượng máu cung cấp cho cơ thể không đủ.

Mất nước

Khi cơ thể bị mất nước, dù chỉ mất nước nhẹ cũng có thể gây tụt huyết áp khiến bạn cảm thấy choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi. Cơ thể thường mất nước do sốt, nôn, tiêu chảy nặng hoặc sử dụng quá liều thuốc lợi tiểu. Đôi khi tập luyện quá sức cũng dễ dẫn tới tình trạng mất nước.

Sốc giảm thể tích

Đây là một biến chứng nặng xảy ra khi cơ thể mất nước nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong. Lúc này thể tích máu thấp dẫn tới huyết áp giảm đột ngột, lượng oxy cung cấp tới các mô tế bào cũng suy giảm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc giảm thể tích có thể gây tử vong nhanh chóng.

Mất máu

Tình trạng mất máu do chấn thương hoặc chảy máu kéo dài sẽ làm giảm lượng máu trong cơ thể. Điều này cũng dễ đến tới tụt huyết áp đột ngột.

Nhiễm khuẩn huyết

Khi vi khuẩn xâm nhập vào máu sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn huyết. Tình trạng này rất nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng do tụt huyết áp đột ngột vì sốc nhiễm khuẩn.

Sốc phản vệ

Các tác nhân gây sốc phản vệ bao gồm thức ăn, thuốc, côn trùng đốt, cao su. Nó có thể gây khó thở, phát ban, ngứa, phù thanh quản và tụt huyết áp.

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng

Chế độ ăn thiếu vitamin B12 và axit folic có thể làm cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu (thiếu máu), gây huyết áp thấp.

Một số loại thuốc

Việc sử dụng một số loại thuốc dưới đây cũng có thể gây ra tình trạng huyết áp thấp như:

- Thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) và hydrochlorothiazide (Microzide, Oretic)

- Thuốc chẹn alpha, như prazosin (Minipress) và labetalol

- Thuốc chẹn beta như atenolol (Tenormin), propranolol (Inderal, Innopran XL) và timolol

- Thuốc điều trị bệnh Parkinson như pramipexole (Mirapex) hoặc những loại có chứa levodopa

- Một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng), bao gồm doxepin (Silenor), imipramine (Tofranil), protriptyline (Vivactil) và trimipramine (Surmontil)

- Sildenafil (Viagra) hoặc tadalafil (Cialis), đặc biệt khi kết hợp với nitroglycerin thuốc tim

Điều trị huyết áp thấp

Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể không gây ra hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ như chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột và thường không đòi hỏi phải điều trị.

Nếu huyết áp thấp gây nhiều triệu chứng thì tốt nhất điều trị theo nguyên nhân cơ bản để giải quyết vẫn đề sức khỏe ban đầu như mất nước, suy tim, bệnh tiểu đường hoặc suy giáp... Nếu huyết áp thấp do sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc hoặc ngừng loại thuốc đang sử dụng.

Nếu không rõ nguyên nhân gây huyết áp thấp thì mục tiêu điều trị là nâng cao huyết áp và giảm các triệu chứng. Tùy theo tình trạng sức khỏe và độ tuổi mà có thể sử dụng nhiều các khác nhau.

- Tăng cường muối trong bữa ăn:

Nếu bạn bị huyết áp cao, bác sĩ sẽ khuyên cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn bởi nó sẽ làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, với những người huyết áp thấp thì đây lại là điều tốt. Tuy nhiên, cũng không nên tiêu thụ muối quá mức bởi nó có thể gây ra các vấn đề tim mạch.

- Uống nhiều nước:

Việc uống đủ nước rất cần thiết cho cơ thể, với người huyết áp thấp thì điều này lại càng quan trọng hơn. Khi uống nhiều nước, khối lượng chất lỏng máu tăng và giúp ngăn ngừa mất nước, cả hai đều quan trọng trong điều trị hạ huyết áp.

- Ngủ đủ giấc:

Người bệnh huyết áp thấp cần phải ngủ đẫy giấc, khoảng 9 – 11 tiếng/ngày. Đây cũng là điều mà những người thân trong gia đình có người bị huyết áp thấp cần lưu ý, tránh kìm hãm giấc ngủ của người bệnh.

- Tăng cường tập luyện thể dục:

Các môn thể dục rất có lợi cho người bị huyết áp thấp như đi bộ, bơi, các trò chơi thể thao. Tuy nhiên bệnh nhân không nên chọn các môn thể thao vận động quá mạnh, và nhiều trường hợp bệnh lý đã biến mất sau thời gian luyện tập.

- Thuốc:

Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể kê thuốc giúp điều chỉnh huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ đúng liệu trình được bác sĩ kê đơn. Không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc điều trị huyết áp thấp để tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-huyet-ap-thap-can-than-keo-gay-ra-nhung-he-luy-kho-luong-25715/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY