Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh lâu ngày: Đừng chỉ nghĩ đến thuốc

(SKGĐ) Thuốc giúp bạn chữa bệnh thể chất nhưng phải vững tinh thần mới giúp cho thuốc ấy hiệu quả và giúp bạn đủ kiên trì dùng thuốc.

Nơi ông Nguyễn Kim Đức vứt người vợ bị bệnh xuống sông

Chưa chết vì bệnh mà vì mất tinh thần

Năm ngoái, ông Nguyễn Kim Đức, quận Long Biên, Hà Nội đã gây ra một sự việc đau lòng. Khi chở vợ là bà Nguyễn Thị Hiền đi châm cứu về đến cầu Đuống ông đã bế vợ ném xuống dòng nước chảy xiết.

Sau khi bị bắt, ông Đức cho biết trong lúc cãi nhau, thấy vợ nói “muốn chết” nên ông “giúp sức”. Được biết, trước đây bà Hiền từng bị chồng bạo hành, hơn nửa năm trước, bà bị tai biến dẫn tới bị liệt nửa người nên mâu thuẫn gia đình càng tăng. Từ khi bị bệnh tính khí bà Hiền cũng thay đổi, mỗi khi chồng chửi mắng bà Hiền lại thách thức ông Đức giết mình. Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi ông Đức chở vợ sang Bắc Ninh châm cứu về thì hai người xảy ra cãi vã và ông Đức đã bế bà Hiền ném xuống sông.

Trước đó, tại Khánh Hòa cũng đã xảy ra một sự việc tương tự. Ông Trần A đã mua cồn về tự đổ lên người mình và người vợ là bà Trần Thị H rồi châm lửa đốt. Bà H vì bị bỏng quá nặng nên đã tử vong, ông A sau đó đã được cứu sống. Theo lời khai của ông A thì do bà H bị bệnh lâu không khỏi, phải nằm liệt giường nên ông đã nảy ra ý định tự tử cùng vợ. Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp tự tìm đến cái chết vì mất tinh thần sau thời gian dài trị bệnh. Ví như tháng 2/2013, ông Trần Văn Chên ở Bạc Liêu đã tự tử vì mắc bệnh nan y mà không có tiền chữa. Hay chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau cũng đã tự tử vì ốm đau bệnh tật…

Để là người thân tốt bụng

Trao đổi với SKGĐ về vấn đề này, TS. BS. Đào Thị Mùi, Phòng khám BS .Đào Thị Mùi, Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Những người mắc bệnh nan y, bị liệt hay bị ốm lâu ngày thường có thần kinh rất nhạy cảm. Họ cần được nâng đỡ về tinh thần, đặc biệt là những người gần họ nhất, những người chăm sóc cho họ, thay bô, tắm rửa, bón cho họ ăn… Nếu cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ, đồng cảm của những người thân thì tinh thần người bệnh sẽ vững vàng hơn.

Người chăm sóc người bệnh dù bản thân có mệt mỏi, chán chường, có bị áp lực… cũng không nên thể hiện ra nét mặt. Nếu thể hiện ra thì người bệnh thấy được điều đó sẽ bị mất tinh thần, người bệnh lại chìm vào bế tắc với những suy nghĩ bản thân chẳng được ích lợi gì cho ai mà còn gây gánh nặng cho người khác.

Bên cạnh đó, người chăm sóc phải biết trao đổi. Dù có tận tình thực hiện hành động chăm sóc nhưng lại im lặng thì hiệu quả cũng không cao. Dù người bệnh có thể không nói được nhưng bạn vẫn nên độc thoại. Người bệnh không nói được nhưng có thể cảm nhận được, có thể nghe được. Bởi thế khi thay đồ, cho người bệnh ăn, bạn cứ vừa làm vừa nói những câu như “Tôi cho mình ăn nhé”, “Nào đi tắm thôi”…

Người thân cũng không nên chỉ chú trọng về việc dùng thuốc mà cần có biện pháp tinh thần cho người bệnh. Người nhà cũng có thể kể cho người bệnh về những trường hợp kém may mắn hơn để vực dậy tinh thần của họ. Ví dụ người bị tai nạn bị cắt cụt chân có thể kể cho họ về những trường hợp bị mất cả hai chân, bị mất cả tay họ vẫn lạc quan sống. Hoặc người bệnh ung thư vú có thể nói với họ những trường hợp ung thư phổi, ung thư xương... không chữa được, bị ung thư vú vẫn có thể điều trị bằng cách cắt tuyến vú rồi điều trị bằng xạ trị có thể kéo dài cuộc sống…

Còn Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hương – Giảng viên Khoa Mác – Lênin - Kiến thức cơ bản, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh cho rằng đầu tiên là những người chăm sóc phải tự chuẩn bị cho mình mọi kiến thức cần thiết về bệnh và phương án, cách thức chữa bệnh đúng đắn. Thứ hai là nếu trong gia đình có nhiều người thân thì nên biết cách chia sẻ việc chăm sóc đó phù hợp. Bản thân người chăm sóc không nên ôm đồm công việc một mình, nên phân chia công việc cho nhiều người, nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh đồng thời cũng thường xuyên chia sẻ cảm xúc với họ.

Bệnh nhân đừng làm khổ mình và khổ người

Bác sỹ Mùi cho biết, khi người bệnh tự xây dựng được cho mình niềm tin sống và tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước thì đó sẽ là nội lực rất tốt để họ vượt qua trạng thái bệnh tật. Nếu bệnh không khá hơn thì nó cũng không xấu đi. Và bác sỹ Mùi muốn bệnh nhân tin rằng: 70% bệnh tật là tự khỏi mà không cần qua tay thầy thuốc, trừ bệnh nan y, nhiễm trùng nếu không có những điều trị can thiệp thì không khỏi được (các bệnh này chỉ chiếm 30%). Phần lớn là cơ thể người bệnh tự điều chỉnh để quá trình bệnh chuyển biến và tự khỏi. Tự khỏi không phải là bệnh tự nhiên khỏi mà bản thân người bệnh có những sự tác động cho trong cơ thể của mình tự điều trị. Ví dụ như khi người bệnh có niềm tin bệnh sẽ đỡ, đã đỡ rồi và nghĩ đến những niềm vui, những điều phấn khích thì cơ thể sẽ tiết ra những hormone có lợi để điều chỉnh những vòng sinh hóa. Từ đó cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn.

Với những bệnh nan y nguy hiểm như ung thư, việc kéo dài sự sống càng phụ thuộc lớn vào cách nhìn nhận của người bệnh. Những người tâm trạng nặng nề, u uất, lo sợ… thì bệnh của họ cũng như đám cháy được thổi thêm khí nên sẽ bùng phát mạnh mẽ và tiến triển bệnh nhanh hơn. Do đó, người bệnh phải tự ý thức được rằng biện pháp tâm lý là biện pháp đầu tiên để chữa bệnh, phải chuẩn bị tâm lý thật tốt, vui vẻ, lạc quan để tự chữa bệnh cho bản thân mà cũng không khiến không khí gia đình thêm nặng nề, gây mất tinh thần cả cho những người chăm sóc.

Bác sỹ Mùi cũng nhắc nhở người bệnh nên tránh một tâm lý rất xấu là “tôi bị bệnh, tôi mặc kệ” hoặc tự cho rằng mình ốm thì phải được chăm sóc cung phụng. Cách nghĩ đó sẽ khiến người chăm sóc trở nên mệt mỏi, khó chịu và thấy gánh nặng. Theo bác sỹ Mùi, quan trọng thì vẫn là cả người bệnh và người chăm sóc đều phải tìm cách tiếp cận nhau, chia sẻ cho nhau. Trong trường hợp trong gia đình có người bệnh nặng thì sự chuẩn bị về tâm lý không chỉ riêng cho đối tượng nào mà phải từ tất cả mọi người.

Nguyên Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/benh-lau-ngay-dung-chi-nghi-den-thuoc-3629/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY