Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh Parkinson- Những dấu hiệu sớm và cách phòng tránh

Parkinson là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây ra các rối loạn ở hệ thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người bệnh.

Bệnh Parkinson là gì?

Parkinson là căn bệnh gây ra bởi sự thoái hóa hệ thần kinh. Đặc trưng của căn bệnh này là rối loạn vận động, biểu hiện bằng các cử động bị chậm chạp, chứng đờ, run và rối loạn về thăng bằng.

Hầu hết bệnh nhân Parkinson đều ở độ tuổi trên 55. Dù vậy bệnh vẫn có thể gặp phải ở người trẻ tuổi.

Parkinson là căn bệnh thường gặp ở người già

Bệnh Parkinson xuất hiện do bị mất các tế bào não có khả năng sản sinh ra chất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giúp các cử động của cơ thể trở nên dễ dàng hơn.

Khi não bộ thiếu dopamin sẽ khiến các cử động của cơ thể bị chậm lại, dẫn tới chứng chậm vận động.

Mặc dù căn bệnh này gây ra rất nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong cuộc sống, tuy nhiên nó vẫn có thể điều trị được bằng thuốc và vật lý trị liệu cùng các phương pháp hỗ trợ khác.

Bệnh Parkinson không thể chữa khỏi hoàn toàn, vì thế người bệnh buộc phải chung sống với căn bệnh này trong suốt nhiều năm.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson là gì?

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh Parkinson.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng căn bệnh là do giữa các yếu tố của môi trường bên ngoài với tính mẫn cảm di truyền của cơ thể.

Mặc dù các nghiên cứu đã tìm ra được nhiều khiếm khuyết gen gây bệnh Parkinson, tuy nhiên phần lớn các ca bệnh đều xảy ra lác đác và không có tính di truyền.

Các dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson

Tùy vào từng người bệnh mà các dấu hiệu của bệnh Parkinson có thể không giống nhau. Khi mới mắc bệnh, hầu hết các triệu chứng thường nhẹ nên dễ bị bỏ qua.

Triệu chứng bệnh cũng thường bắt đầu ở một bên của cơ thể và tiếp tục biểu hiện nặng hơn ở bên đó, ngay cả khi bệnh đã ảnh hưởng tới cả hai bên.

Một số dấu hiệu phổ biến thường gặp ở bệnh nhân Parkinson như:

Run rẩy:

Cơn run tay thường bắt đầu xuất hiện ở tay chân, phổ biến nhất là ở tay và các ngón tay. Bệnh nhân sẽ cảm thấy cơn run di chuyển giữa ngón tay cái và ngón trỏ, rồi cả bàn tay.

Cử động chậm chạp:

Bạn sẽ cảm thấy việc di chuyển hoặc vận động trở nên khó khăn hoặc chậm lại. Ngay cả những độc tác đơn giản cũng trở nên tốn nhiều thời gian.

Các bước đi ngắn hơn và chậm chạp, hoặc bạn có thể cảm thấy rất khó khi cố gắng rời khỏi ghế.

Cơ bắp cứng:

Ở bệnh nhân Parkinson, tình trạng cơ bắp co cứng có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn và khiến việc chuyển động khó khăn, chậm chạm hơn.

Tư thế khiếm khuyết:

Khi mắc bệnh Parkinson, tư thế của bạn có thể bị bẻ cong hoặc gặp vấn đề về mất cân bằng.

Mất các chuyển động tự động, vô thức:

Cơ thể người luôn có một loạt các hoạt động vô thức như chớp mắt, mỉm cười, đung đưa cánh tay khi chạy bộ... Nhưng nếu mắc phải căn bệnh Parkinson bạn có thể giảm hoặc mất khả năng thực hiện các động tác vô thức này.

Thay đổi tính cách:

Não bộ là bộ phận chịu trách nhiệm về suy nghĩ, hành xử và phản ứng với các tình huống con người gặp phải. Những điều này tạo nên tính cách của một con người. Khi não bộ gặp vấn đề nó có thể tác động đến tính cách của bạn.

Do đó, khi có bất kỳ sự thay đổi nào về tính cách mà không do hoàn cảnh sống tác động thì đó có thể là biểu hiện sớm của bệnh Parkinson.

Giảm khứu giác:

Ở giai đoạn đầu, bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng tới khứu giác của người bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc bệnh Parkinson thường không phân biệt được một số mùi như mùi dưa chua, mùi cay hoặc mùi hôi...

Họ có thể phân biệt không rõ ràng hoặc khứu giác ngày càng suy giảm hơn khi bệnh trở nên nặng dần.

Thường gặp vấn đề về ruột:

Những người cao tuổi thường gặp tình trạng táo bón hoặc các vấn đề khác về tiêu hóa. Tình trạng này có thể do chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước. Nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là một dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson.

Mệt mỏi:

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi vừa có một giấc ngủ say tỉnh dậy thì nên cẩn trọng. Đó có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh Parkinson.

Thay đổi chữ viết:

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Parkinson gặp phải triệu chứng co cứng cơ bắp, khó cử động các ngón tay. Chính vì thế mà chữ viết của họ cũng bị thay đổi. Chữ có thể đột nhiên nhỏ lại hoặc viết sít hơn.

Rối loạn giấc ngủ:

Người mắc nệnh parkinson cũng có những dấu hiệu về thần kinh như rối lọan giấc ngủ, trầm cảm, lo âu… Nếu gặp phải những bất thường này hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Những biến chứng của bệnh Parkinson

Suy giảm vận động ở giai đoạn muộn:

Khi mới mắc bệnh Parkinson, người bệnh có thể bị run tay chân, co cứng các cơ ở mức độ nhẹ nên chưa ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nặng ở giai đoạn muộn, các vận động của bệnh nhân sẽ ngày càng hạn chế và khó khăn, họ rất dễ bị té ngã dẫn đến chấn thương, nguy hiểm tính mạng.

Giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể không tự thực hiện được các sinh hoạt đơn giản hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo, thậm chí tàn phế và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Parkinson khiến người bệnh bị suy giảm vận động

Khó nuốt:

Có khoảng 50% bệnh nhân Parkinson gặp phải biến chứng khó nuốt do sự rối loạn vận động của cơ hầu họng.

Chứng khó nuốt khiến bệnh nhân ăn uống khó khăn, sụt cân, suy dinh dưỡng, khó uống thuốc dẫn tới hiệu quả điều trị kém. Thậm chí có trường hợp tử vong do thức ăn lạc vào đường hô hấp gây nghẹn đường thở.

Trầm cảm:

Đây cũng là một biến chứng khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 40-60% bệnh nhân Parkinson. Người bệnh thường cảm thất lo lắng, buồn phiền và bi quan về tương lai của bản thân.

Họ thường mặc cảm với bệnh tật và sợ phải sống phụ thuộc vào những người xung quanh. Trạng thái tinh thần tiêu cực sẽ khiến các rối loạn vận động càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người bệnh.

Tình trạng trầm cảm xuất hiện có thể khiến bệnh nhân không kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình. Họ có thể tấn công người khác hoặc tự làm hại bản thân, hay thậm chí là tự sát.

Ảo giác và hoang tưởng:

Có khoảng 25-30% bệnh nhân Parkinson gặp phải tình trạng ảo giác hay hoang tưởng. Nguyên nhân của tình trạng này là do tác dụng phụ của thuốc điều trị được sử dụng trong thời gian dài.

Tình trạng ảo giác ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Ban đầu bệnh nhân có thể tự nhận biết được mình đang bị ảo giác. Nhưng với người mắc bệnh lâu năm, trên 10 năm thì có thể mất dần khả năng nhận thức.

Suy giảm trí nhớ:

Đây là biến chứng rất phổ biến ở bệnh nhân Parkinson. Có tới 70% người bệnh gặp phải tình trạng suy giảm trí nhớ sau khoảng vài năm điều trị. Chứng mất trí ở bệnh Parkinson khác với các dạng mất trí do bệnh khác như Alzheimer. Ở bệnh Parkinson các ký ức vẫn được não lưu giữ lại, nhưng người bệnh không thể nhận thức được, trong khi người bệnh Alzheimer thì não hoàn toàn không lưu lại ký ức.

Điều trị bệnh Parkinson:

Việc điều trị bệnh Parkinson chủ yếu dựa vào sử dụng thuốc và luyện tập phục hồi. Trong một số ít trường hợp được chọn lọc có thể tiến hành phẫu thuật não cho bệnh nhân.

Khi bệnh trở nặng hơn thì cần điều chỉnh lại số lượng thuốc và số lần uống thuốc. Các loại thuốc điều trị đều có thể để lại tác dụng phụ. Do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn các liều lượng mà bác sĩ kê đơn.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson như:

- Levdopa/carbidopa hay là Sinemet® và Levodopa/benserazide hoặc Prolopa®

- Entacapone hay là Comtan® (chỉ dùng ở dạng phối hợp với levodopa).

- Levdopa/carbidopa/entacapone hay là Stalevo®

- Các thuốc đồng vận Dopamine - Pramipexole loại viên giải phóng thuốc tức thì (Mirapex®) hoặc loại viên giải phóng thuốc kéo dài (Sifrol ER), Ropinirole (Requip®), Rotigotine (Neupro®-có sẵn ở dạng dán trên da), và Apomorphine (Apokyn®)

- Các thuốc ức chế MAOB - Rasagiline hay là Azilect® và Selegiline hay là Eldepryl®

- Amantadine hay là Symmetrel®

- Các thuốc kháng cholinergic - Trihexyphenidyl hay là Artane® và Benztropine hay là Cogentin®

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị phục hồi chức năng và vật lý trị liệu cũng giúp hỗ trợ điều trị rất tốt cho bệnh nhân Parkinson.

Các phương pháp điều trị phục hồi sẽ giúp tăng khả năng vận động và giảm rối loạn thăng bằng cho người bệnh.

Ngoài ra trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp làm giảm các rối loạn về nói và nuốt.

Bệnh nhân Parkinson cũng nên luyện tập một môn thể thao vừa sức, đặc biệt là yoga và thái cực quyền sẽ có tác dụng rất tốt với việc cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Khi mắc bệnh Parkinson, người bệnh cần đi khám bác sĩ thần kinh đều đặn để theo dõi tiến triển của bệnh và có sự thay đổi trong phác đồ điều trị nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-parkinson-nhung-dau-hieu-som-va-cach-phong-tranh-26000/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY