Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa, là sự kết tụ thành các viên sỏi trong lòng đường mật. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn ở nam và tăng dần theo độ tuổi. Sỏi mật có thể phát hiện nhờ nội soi, chụp X-quang, nội soi tủy mật ngược dòng, nội soi ảo. Tùy theo bản chất của sỏi người ta chia làm 2 loại sỏi chính là:
- Sỏi cholesterol: phổ biến nhất chiếm đến 60% trường hợp mắc bệnh, thường là sỏi đơn độc, có màu nhạt, và không cản được tia X.
- Sỏi sắc tố mật: loại này ít hay gặp và cản nhiều tia X.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi mật
Viêm túi mật cấp:
Túi mật bị viêm hoặc nhiễm khuẩn do sỏi bịt kín miệng túi mật gây tắc nghẽn. 20% các trường hợp viêm túi mật cấp gây nhiễm khuẩn. Đây là tình trạng bệnh lý khá nguy hiểm, nếu lan sang các bộ phận khác sẽ có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Tình trạng kéo dài không được điều trị của viêm túi mật cấp sẽ dẫn đến viêm túi mật mạn và nhiều rủi ro khác như hoại tử túi mật, rò rỉ dịch mật hoặc vỡ túi mật gây viêm phúc mạc rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ảnh minh họa |
Viêm đường mật:
Viêm đường mật là bệnh lý nhiễm trùng ống mật chủ do nguyên nhân chủ yếu là sỏi đường mật. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là đe dọa đến tính mạng người bệnh như viêm gan, xơ gan, nhiễm trùng toàn thân, ung thư đường dẫn mật…
Viêm tụy:
Viêm đường mật là nguyên nhân chính gây ra biến chứng viêm tụy. Các enzyme tiêu hóa trong dịch tuỵ khi lưu thông từ ống tụy đến tá tràng bị ứ đọng lại do sỏi từ đường mật rơi xuống ống tụy ở phần ngã ba đường mật tụy (đường cong Oddi). Các enzyme này sẽ tấn công làm tổn thương và gây viêm tụy nặng nề. Để điều trị, ngoài các biện pháp tạm thời như truyền dịch để bù dịch, ổn định huyết áp; nhịn ăn uống để cho tuyến tuỵ nghỉ ngơi; bác sỹ có thể cân nhắc thủ thuật nội soi mật tuỵ ngược dòng để lấy sỏi.
Áp xe gan - đường mật:
Khi đường mật có sỏi, sỏi sẽ gây tắc nghẽn đường mật, ứ trệ và tăng áp lực dịch mật, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn đi ngược dòng và xâm nhập gây nhiễm khuẩn đường mật, tạo mủ và hình thành ổ áp xe gan mật.
Ảnh minh họa |
Biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân áp-xe gan đường mật là: đau hạ sườn phải; sốt cao, sốt dao động từ 39-40 độ C, kèm theo rét run; da, niêm mạc vàng, nước tiểu vàng; khám thấy gan to, mật độ chắc. Chụp Xquang thấy bóng gan to. Siêu âm thấy các ổ áp-xe và sỏi.
Ung thư túi mật:
Ung thư túi mật là sự phân chia “vô tổ chức” của các tế bào niêm mạc thành túi mật. Túi mật là cơ quan nhỏ nằm dưới gan, chức năng chính là lưu trữ và cô đặc dịch mật - một loại dịch tiêu hóa được tiết ra từ gan, giúp cơ thể sử dụng được chất béo trong thức ăn
80% số người bị ung thư túi mật khi siêu âm phát hiện có sỏi mật. Nhưng ngược lại sỏi mật rất hiếm khi gây ung thư, ung thư túi mật là một biến chứng ít gặp.
Các triệu chứng của ung thư thường không xuất hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng. Một số người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo như giảm cân, thiếu máu, người mệt mỏi, ăn uống không ngon…
Trúc Đào
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: