Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh sốt phát ban ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tốt nhất

Sốt phát ban là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao từ người qua người. Vì thế cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.

Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là tình trạng thân nhiệt tăng cao, nóng sốt và xuất hiện các đốm nhỏ bằng hoặc nhô lên. Bệnh có tên Mỹ là Roseola tức là ban màu hồng.

Còn tên tiếng Việt được đặt theo tiến triển của bệnh: sau cơn sốt kéo dài từ 2, 3 ngày cơ thể sẽ nổi những vết ban màu hồng đỏ.

Hầu hết trẻ em đều bị sốt phát ban ít nhất một lần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sức đề kháng của từng trẻ, có trẻ bị rất nhẹ, có trẻ thì bị nặng hơn với đầy đủ những triệu chứng, bao gồm cả co giật khi cơn sốt quá cao và đột ngột.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây bệnh

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus, chiếm tới 70-80% các ca mắc bệnh, trong đó virus đường hô hấp chiếm đa số bao gồm siêu vi human herpes 6 (HHV6), siêu vi human herpes 7 (HHV7).

Ngoài ra còn có virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus... Vì có nhiều loại virus khác nhau có thể gây sốt phát ban, nên trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần.

Triệu chứng sốt phát ban ở trẻ

Các triệu chứng thông thường của bệnh sốt phát ban ở trẻ em thường bao gồm:

Sốt cao đột ngột

Dấu hiệu đầu tiên mà phụ huynh có thể nhận thấy đó là tình trạng sốt cao đột ngột ở trẻ. Thường trên 39 độ C. Trẻ sốt cao trên 40 độ có thể xuất hiện tình trạng co giật do sốt. Khi đó, cần đưa trẻ tới bệnh viện để khám và điều trị.

Sốt có thể kéo dài từ 3-5 ngày. Vì sốt do virus nên không cần dùng thuốc cũng có thể khỏi hẳn sau vài ngày.

Kèm theo đó, một số trẻ có thể xuất hiện triệu chứng ho, đau họng, chảy nước mũi trong thời gian sốt do loại virus gây bệnh là virus đường hô hấp.

Một số ít trường hợp, trẻ có thể bị nổi hạch ở cổ, khi nói hoặc phát âm nghe không giống như bình thường bởi hạch cổ ảnh hưởng tới dây thanh quản.

Phát ban sau cơn sốt

Các nốt ban sẽ bắt đầu xuất hiện sau khi cơn sốt biến mất. Ban đầu trên cơ thể bé sẽ có vài nốt nhỏ màu đỏ hoặc màu hồng trải đều hoặc tập trung tại một vùng da nhất định trên cơ thể.

Những nốt ban thường không to, không gây sưng và có thể có chân trắng bao quanh nốt.

Nốt ban thường nổi lên đầu tiên ở khu vực lưng, bụng và ngực sau đó lan dần đến các vùng da khác trên cơ thể. Chân và mặt ít khi xuất hiện nốt ban.

Các nốt phát ban không gây ngứa, rát và đau đớn. Tình trạng nổi ban có thể kéo dài đến 3 ngày hoặc ít hơn. Đôi khi chỉ trong vài giờ rồi biến mất, tùy vào cơ địa riêng của từng bé.

Triệu chứng chính của bệnh là tình trạng sốt và phát ban sau sốt. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng sốt phát ban do virus sởi

- Thời kỳ khởi phát:

Khi khởi phát bệnh, trẻ thường có những triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ đến sốt vừa, có thể kèm theo tình trạng ho, sổ mũi, mắt đỏ, đau họng giống như cảm lạnh hay bệnh viêm họng thông thường, kéo dài từ 2-3 ngày.

Khi kiểm tra họng có thể nhìn thấy một số chấm trắng đỏ nổi lên bên trong má, những đốm trắng này được gọi là đốm Koplik.

- Thời kỳ toàn phát:

Sau giai đoạn khởi phát, các nốt ban bắt đầu xuất hiện. Vị trí xuất hiện nốt ban đầu tiên thường ở mặt, nhất là khu vực phía sau tai và dọc theo đường chân tóc.

Sau đó, ban mọc lan dần xuống các khu vực khác như cánh tay, thân, đến đùi, cẳng chân và bàn chân.

Nốt ban thường có màu hồng nhạt, nếu dùng tay ấn vào vùng da đó thấy nốt ban mất đi và thường kết dính.

Nếu tình trạng sởi nhẹ, các nốt ban mọc khá thưa. Nhưng với các bé bị sởi nặng thì nốt ban sẽ mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân. Đôi khi ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

Trong giai đoạn này trẻ cũng sốt cao từ 40-41 độ C. Sau đó các nốt ban sẽ nhạt dần vào biến mất theo đúng thứ tự khi chúng nổi lên.

Triệu chứng sốt phát ban do virus rubella

Virus gây bệnh rubella khi xâm nhập vào cơ thể cũng gây ra tình trạng sốt phát ban. Nếu nhiễm virus rubella, cơ thể sẽ cso thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần, sau đó mới xuất hiện những triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và sưng bạch huyết.

- Sốt:

Trong 1-2 ngày đầu tiên kể từ khi phát bệnh, trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ (khoảng 37,2 độ C đến 37,8 độ C). Khi cơ thể bắt đầu phát ban thì tình trạng sốt sẽ giảm đi.

- Sưng hạch:

Virus rubella sẽ khiến hạch bạch huyết sưng lên và mềm. Thường là hạch ở cổ hoặc phía sau tai. Hạch thường sưng trước khi xuất hiện tình trạng phát ban và có thể tồn tại vài ngày sau khi ban đã biến mất.

- Phát ban:

Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh Rubella là tình trạng phát ban. Các nốt ban đầu tiên sẽ xuất hiện ở đầu, mặt rồi nhanh chóng lan ra khắp toàn thân. Nốt ban thường có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính khoảng 1-2mm.

Ban có thể nổi dàn trải hoặc nổi thành từng mảng trên da. Chỉ sau 24 giờ, tình trạng phát ban sẽ lan khắp cơ thể. Nhưng nó cũng biến mất chỉ sau 2-3 ngày.

Sốt phát ban có lây không?

Câu trả lời là bệnh sốt phát ban có nguy cơ lây nhiễm cao từ người qua người. Bệnh lây qua những chất tiết ra từ đường hô hấp hay nước miếng.

Bệnh có thể lây ngay cả khi bệnh nhân chưa phát ban đỏ, tức là chỉ mới ở giai đoạn sốt. Vì thế rất khó để tránh bị lây nhiễm.

Đối tượng dễ bị lây nhiễm sốt phát ban nhất là trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Bởi độ tuổi này sức đề kháng của tẻ còn rất non yếu nên dễ bị các loại virus tấn công.

Nguyên tắc chăm sóc trẻ sốt phát ban tại nhà

Hạ sốt đúng cách

Tùy vào từng tình trạng sốt phát ban mà trẻ có thể sốt vừa đến sốt cao. Thông thường, tình trạng sốt sẽ biến mất sau vài ngày. Mẹ không nên vội cho con uống thuốc hạ sốt nếu trẻ chỉ sốt nhẹ.

Nếu trẻ sốt từ 38 độ trở lên, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liệu 10-15mg/1kg cân nặng, 4-6 giờ một lần.

Bên cạnh đó kết hợp lau mát cho trẻ bằng nước ấm để phòng tránh sốt cao gây co giật.

Giảm ho cho trẻ

Bệnh sốt phát ban có thể gây ra tình trạng ho, đau họng ở trẻ. Để giảm ho cho con, mẹ không nên sử dụng kháng sinh mà ưu tiên các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược hoặc bài thuốc trị ho từ tự nhiên như chanh đào mật ong, quất hấp đường phèn...

Vệ sinh cơ thể

Sử dụng nước muối sinh lý và khăn giấy mềm để lau và rửa mũi cho bé. Cho trẻ súc miệng và họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày 2-3 lần.

Luôn giữ vệ sinh vùng da của bé sạch sẽ và khô thoáng bằng cách tắm rửa hàng ngày với nước ấm. Không nên kiêng gió, kiêng nước.

Việc kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín cho trẻ và không tắm rửa sẽ là trẻ khó hạ sốt, dễ dẫn tới sốt cao co giật và nhiễm trùng da do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cũng cần giữ ấm để trẻ không bị cảm lạnh.

Chế độ ăn uống

Cho trẻ ăn những thức ăn dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... Không nên ép trẻ ăn nhiều àm có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ có đủ dinh dưỡng cần thiết.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, đặc biệt là nước ép trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể, giúp hạ sốt nhanh và tăng sức đề kháng.

Đặc biệt với trẻ nhiễm virus sở, cần chú trọng bổ sung nguồn vitamin A cho trẻ với liều lượng phù hợp để bảo vệ đôi mắt của bé.

Không kiêng ăn bởi sẽ khiến trẻ bị thiếu dưỡng chất, dẫn tới đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng.

Phòng tránh sốt phát ban cho trẻ

Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ có thể tiêm vắc xin 3 trong 1 phòng sởi, quai bị, rubella khi được 12 đến 15 tháng. Tiêm nhắc lại lần 2 khi trẻ được 4-6 tuổi.

Tiêm chủng là cách phòng tránh hiệu quả cho trẻ

Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi hay rubella vì thế tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân đang nghi ngờ mắc bệnh. Tuy nhiên, cách này khá khó khăn bởi nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn chưa có biểu hiện phát ban nên khó nhận ra.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-sot-phat-ban-o-tre-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-tot-nhat-25597/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY