Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh sốt xuất huyết ngày thứ mấy là nguy hiểm nhất?

Với sốt xuất huyết, ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây nên. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều như Việt Nam là môi trường lý tưởng để muỗi vằn Aedes Aegypti lây truyền virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này thường hoạt động mạnh vào lúc chạng vạng tối và rạng sáng.

Theo các bác sỹ, bệnh sốt xuất huyết phát triển theo 4 giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 -14 ngày, từ khi bệnh nhân bị muỗi vằn đốt và truyền virus sốt xuất huyết vào cơ thể. Tuy nhiên, cũng tùy vào cơ địa, khả năng miễn dịch và độ tuổi mà thời kỳ ủ bệnh ngắn hay dài. Lúc này người bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng, bệnh chưa nguy hiểm. Ở gia đoạn này, bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; có chấm xuất huyết ở dưới da, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam…

Sau thời kỳ ủ bệnh là thời kỳ bị sốt xuất huyết cấp. Trong giai đoạn này triệu chứng bệnh giống như cảm cúm nặng kéo dài từ 2-7 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ bị sốt cao đột ngột 39-40 độ, cơ thể mệt mỏi, lừ đừ và nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau họng và buồn nôn, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy. Tuy nhiên, giai đoạn này của bệnh sốt xuất huyết chưa phải là nguy hiểm nhất, không xuất hiện biến chứng và bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới TƯ, sau thời kỳ phát bệnh, bệnh nhân sẽ tự hết sốt và đây là thời kỳ nguy hiểm nhất. Do đó, từ ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh này. Bắt đầu từ ngày này, thường bệnh nhân không còn bị sốt cao như 3 ngày trước đó, nên người nhà tưởng rằng bệnh đã không còn nguy hiểm và sắp khỏi. Nhưng thực tế giai đoạn này có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Bởi vì, virus đã làm hệ miễn dịch suy yếu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm đáng kể. Do đó, cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho biết, biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không. Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn...


Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.

Biến chứng thứ hai là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu để truyền tiểu cầu nếu cần.

Theo các nghiên cứu y khoa mới nhất, ở giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sốt xuất huyết còn có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mí mắt... Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20 mmHg, huyết áp tụt hoặc không đo được; đi tiểu ít...

Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da được biểu hiện những nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc các mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiện nặng, nguy hiểm.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn hồi phục. Đây là giai đoạn cuối kéo dài khoảng 1 đến 2 ngày sau khi giai đoạn nguy hiểm xảy ra. Thể trạng của người bị sốt xuất huyết được phục hồi dần lên, thường có biểu hiện thèm ăn, đi tiểu nhiều và huyết động bắt đầu ổn định, nhịp tim bắt đầu chậm lại. Trong giai đoạn này vẫn cần phải cẩn thận vì nếu như truyền dịch mà không có sự kiểm soát sẽ dẫn tới hiện tượng phù phổi hoặc là suy tim. Lượng bạch cầu ở trong máu sẽ được tăng lên sau khi giai đoạn hạ sốt trải qua, tiểu cầu sẽ dần ổn định về chỉ số bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Do đó, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tránh sự tiếp xúc với muỗi truyền bệnh, tiêu diệt nơi muỗi đẻ trứng và diệt ấu trùng muỗi bằng cách thực hiện tốt khẩu hiệu hành động "không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết". Nếu không may bị mắc bệnh, cần chú ý đến giai đoạn nguy hiểm với các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời nhập viên và có biện pháp xử trí phù hợp.

Ánh Dương

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-sot-xuat-huyet-ngay-thu-may-la-nguy-hiem-nhat-27308/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY