Anh Phạm Văn Minh (45 tuổi, ở Q.2, Tp.HCM) mắc bệnh tim đã nhiều năm nay, nhưng đo điều trị tốt và biết kết hợp kiêng cữ trong ăn uống nên bệnh tình của anh cầm chừng không tăng nặng. Nhưng đổi lại, chuyện vợ chồng của anh cứ thưa thớt dần. Cả anh và vợ đều ít khi được thỏa mãn.
Lên cơ đau tim vì "yêu"
Gần đây, thấy vợ nhiều đêm vò võ một mình ở cái tuổi thiên hạ kháo nhau là hồi xuân của phụ nữ, anh Minh không khỏi áy náy nên nhiều lần cố gắng chiều chuộng vợ. Nhưng sau mỗi lần như vậy, anh đều lên cơn đau tim, khó thở phải nằm nghỉ ít nhất 1-2 giờ nhịp tim mới trở lại bình thường, cơn đau tức ngực mới dịu xuống. Nên nhiều lúc dù rất muốn gần gũi vợ nhưng anh đành chịu vì sợ những cơn đau tim lại xuất hiện.
Cùng hoàn cảnh với anh Minh, chị Nguyễn Thu Hoài 40 tuổi ở 23/57 Phan Đình Phùng, Hà Nội mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng ở thể nhẹ (độ 1) nên chị vẫn có thể lấy chồng và sinh con bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây không hiểu sao mỗi lần vợ chồng gần gũi nhau xong chị lại thấy tim mình đập nhanh hơn, cảm giác khó thở kèm theo những cơn đau tức ở vùng ngực, khiến chị nhiều khi bức bối phải nằm thở dốc một lúc lâu mới bình thường trở lại.
Bạn có biết? Người bị bệnh tim có thể ăn 2-3 quả trứng/tuần. Nên uống nhiều nước từ 1,5-2 lít/ngày sẽ giúp quá trình lưu thông máu, đào thải chất cặn bã được dễ dàng. |
BS. Nguyễn Hữu Tuấn (Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Những người mắc bệnh tim mạch ở thể nhẹ (thường là ở độ 1, 2) thì chuyện yêu có thể tiến hành bình thường mà không để lại hậu quả nghiêm trọng gì. Tuy nhiên, với những bệnh nhân mắc bệnh tim nặng (độ 3, 4) thì việc "yêu" gần như bị kiêng tuyệt đối.
Vì không ai có thể kiểm soát những phản ứng của cơ thể khi quan hệ. Khi đó, biểu hiện tim mạch ở người bình thường lẫn người mắc bệnh không khác gì nhau. Khi đạt đỉnh nhịp tim của người bệnh có thể lên đến 140-160 lần/phút, xong chuyện mọi thông số trở về mức trước đó.
Vì vậy, các biểu hiện như tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, da trở nên nóng, ẩm là bình thường. Triệu chứng đáng quan tâm là bạn cảm thấy đau thắt ngực, mệt nhiều, khó thở... khiến cho bệnh nhân dễ bị đột quỵ dẫn tới tai biến nguy hiểm như liệt tứ chi, thậm chí là tử vong.
Để cuộc "yêu" an toàn
1. Nên kiểm tra thể lực: Các quý ông có bệnh tim mạch muốn biết có đủ khả năng cho “chuyện ấy” hay không, có thể thử thực hiện bài kiểm tra sau: hoàn thành tốt việc đi 1km trên đường bằng phẳng trong 15 phút, sau đó đi lên 20 bậc cầu thang trong 10 giây mà không thấy khó thở hay đau tức ngực.
Bệnh nhân tim nên có chế độ "yêu" hợp lý điều độ, có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Sau khi yêu, nếu có cảm giác đau tức ngực cần đi khám các bác sĩ chuyên khoa ngay để có chế độ điều chỉnh thời gian và tốc độ "yêu" trong lần sau.
Trước khi "yêu" không nên ăn no quá, nếu bạn không muốn làm tim bị quá tải. Cần giữ trọng lượng cơ thể ổn định ở mức vừa phải, tránh để cơ thể béo phì ảnh hưởng không tốt tới quá trình tuần hoàn của tim.
2. Chọn thời điểm: Nên làm “chuyện ấy” vào thời điểm cả 2 đều cảm thấy thoải mái về tinh thần. Thời điểm tốt nhất thường là vào buổi sáng, sau 1 đêm nghỉ ngơi. Cần chọn địa điểm mát mẻ, thoải mái.
Tránh làm “chuyện ấy” sau bữa ăn, nên chờ 1-3 giờ để thức ăn tiêu hóa (tim không phải làm việc quá sức để cùng lúc cung cấp máu cho hệ tiêu hóa và “chuyện ấy”).
Không uống rượu trước khi “lâm trận”, tránh dùng các chất có tính kích thích như cà phê, thức ăn vị chua, cay... Tránh những tư thế phức tạp, mất sức, tránh tư thế tạo áp lực lên thành ngực gây khó thở, ép tim. Cần chuẩn bị sẵn thuốc theo lời dặn dò của bác sĩ.
3. Chế độ dinh dưỡng: Chọn lựa thực phẩm ít béo, hạn chế cholesterol để không làm tăng mỡ máu, tránh biến chứng xơ mỡ động mạch, cao huyết áp gây hẹp mạch máu, thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Việc uống nước quá nhiều và dồn dập cũng nên cẩn trọng vì có thể làm tăng áp lực tạm thời trên tim đã suy yếu. Hạn chế ăn da, óc, đồ lòng, nội tạng như gan, tim heo, cật lợn, gà, bò… Vì những loại thực phẩm này thường chứa rất nhiều cholesterol xấu gây áp lực cho tim mạch.
Ăn quá nhiều chất bột đường hay chất béo, thức ăn chiên rán sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, tích lũy thành mỡ trong cơ thể và gây họa cho tim.
Ăn ít chất béo từ mỡ động vật, thịt lợn, da gà, dầu dừa, dầu cọ kích thích gan sản xuất cholesterol nội sinh, gây tăng mỡ máu nên cũng cần loại bỏ ra khỏi thực đơn. Giảm mỡ máu sẽ giúp hạn chế nguy cơ tắc mạch do huyết khối và mảng xơ vữa, tránh được các bệnh động mạch vành.
Nên ăn cá từ 2-3 lần/ tuần, tăng cường omega-3 từ cá hồi, cá mòi, cá trích, đậu tương, hạt hướng dương, mè... Trứng chứa nhiều cholesterol nhưng lại có leucithin, giúp điều hòa chuyển hóa cholesterol nên ít gây rối loạn mỡ máu.
Người bệnh nên chọn các món ăn giàu canxi, magie sẽ giúp bình ổn huyết áp, giúp ngăn chặn tai biến động mạch vành. Nên ăn các loại rau củ, hoa quả như: chuối, đậu đỏ, khoai tây, bông cải, cà rốt, đậu nành, đậu phộng,... là các thực phẩm giàu vitamin B6, giúp giảm lượng cystein- Một nhân tố gây ra những cơn đau tim, có thắt động mạch vành.
4. Thuốc tim mạch: Hiện nay trên thị trường đã có một số loại thuốc tim mạch, nhất là thuốc hạ áp, có thể ảnh hưởng tới chất lượng của cuộc yêu. Bạn nên trao đổi vấn đề này với bác sỹ của mình để được hướng dẫn đúng đắn và có hướng thay đổi thuốc cho phù hợp.
Với các loại thuốc giúp cường dương như viagra, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn dùng. Trong 1 số trường hợp, bệnh nhân bệnh tim không được sử dụng thuốc viagra. Ví dụ: nếu bạn đang dùng thuốc nitrate mà uống thêm viagra có thể gây tụt huyết áp nguy hiểm đến tính mạng.
Viagra cũng là thuốc có nguy cơ đối với người bị huyết áp thấp, thiếu máu vành cấp, suy tim sung huyết, đang điều trị với nhiều thuốc hạ huyết áp...
Thảo Đan
Chủ đề liên quan: