Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh viêm đại tràng co thắt và viêm đại tràng mãn tính cẩn thận không biến chứng khó lường

Bệnh viêm đại tràng chủ yếu gặp ở người trưởng thành đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh có thể gây những biến chứng khó lường, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh viêm đại tràng là gì?

Đại tràng là phần ruột già của cơ thể, nằm ở phía cuối của hệ tiêu hóa có vai trò hấp thu dinh dưỡng từ ruột non chuyển tới. Đại tràng của người bình thường dài khoảng 1,2m. Viêm đại tràng là hiện tượng đại tràng bị tổn thương do những viêm nhiễm, viêm loét gây ra.

Viêm đại tràng là tình trạng đại tràng bị tổn thương do viêm nhiễm hoặc viêm loét

Có thể phân loại viêm đại tràng thành 2 dạng: Viêm đại tràng co thắt và viêm đại tràng mãn tính.

Viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt còn được gọi theo cách khác là hội chứng ruột kích thích, đại tràng chức năng hay chứng rối loạn chức năng đại tràng.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đại tràng co thắt khi xuất hiện các rối loạn tiêu hóa mãn tính tái phát nhiều lần, kéo dài trong ít nhất 3 tháng mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột.

Tình trạng viêm đại tràng co thắt có liên quan mật thiết tới lượng thực phẩm được thông qua đại tràng.

Viêm đại tràng co thắt được phân thành 3 loại cơ bản:

Loại 1: Có hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.

Loại 2: Có hiện tượng đau bụng và táo bón.

Loại 3: Có hiện tượng đau bụng, vừa tiêu chảy lại vừa táo bón.

Thống kê cho thấy rằng, trên thế giới hiện nay có khoảng 20% dân số mắc bệnh viêm đại tràng co thắt. Ở Việt Nam tỉ lệ này cao hơn, chiếm khoảng 30 – 40%. Căn bệnh này thường gặp nhiều hơn ở nữ giới.

Viêm đại tràng mãn tính

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng viêm đại tràng mãn tính. Người mắc viêm đại tràng mãn tính thường xuyên bị tái phát bệnh dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh thường xuất hiện sau một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính nhưng không được điều trị triệt để, dẫn tới tình trạng kháng thuốc và viêm nhiễm mãn tính.

Viêm đại tràng mãn tính được chia thành 2 loại:

- Viêm đại tràng mãn tính do nhiễm: virus (Cytomegalovirus, vi khuẩn (trực khuẩn lao, lỵ, Herpes simplex), ký sinh trùng (Amip, Giardia lamblia), lậu cầu khuẩn, Clostridium), nhiễm nấm (Candida)

- Viêm đại tràng mãn tính không do nhiễm khuẩn, virus: viêm đại tràng vô căn, bệnh Crohn, xạ trị vùng chậu, thiếu máu

Bệnh nhân mắc viêm đại tràng mãn tính xuất hiện hiện tượng viêm loét và rối loạn chức năng đại tràng. Cần phân biết viêm đại tràng mãn tính với viêm đại tràng co thắt để có hướng điều trị thích hợp nhất.

Viêm đại tràng co thắt chỉ gây rối loạn chức năng đại tràng nhưng không gây ra các tổn thương. Trong khi viêm đại tràng mãn tính lại dẫn tới tổn thương và viêm loét ở đại tràng.

Nguyên nhân gây viêm đại tràng

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm đại tràng, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm đại tràng

Ăn uống không hợp vệ sinh

Thường xuyên ăn những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các món ăn khó tiêu hoặc thực phẩm đã ôi thiu sẽ khiến niêm mạc đại tràng bị tổn thương.

Bên cạnh đó những thực phẩm quá chua, quá cay, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... cũng khiến niêm mạc đại tràng bị kích thích và gây tổn thương dạ dày.

Rối loạn thần kinh thực vật

Trong cơ thể người, hệ thần kinh thực vật là bộ phận điều khiển các chức năng tự động của cơ thể như tiêu hóa, hô hấp, hệ tim mạch...

Khi bộ phận này bị rối loạn, có thể dẫn viêm đại tràng co thắt, nếu bệnh tiến triển nặng sẽ dẫn tới tổn thương và viêm loét.

Viêm đại tràng do nhiễm lị amip

Đây là nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới căn bệnh viêm đại tràng. Các kén amip thường lẫn vào trong thức ăn rồi xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hóa.

Chúng gây ra các tổn thương trong lòng đại tràng, dẫn tới bệnh viêm đại tràng. Những người mắc bệnh do lị amip thường có biểu hiện đi ngoài phân lẫn máu, thường cảm thấy mót rặn và đau bụng từng cơn.

Do nhiễm khuẩn lao

Nhiễm khuẩn lao cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến bạn mắc viêm đại tràng.

Khuẩn lao có thể nhiễm phải trong quá trình ăn uống hoặc do trước đó người bệnh từng bị lao phổi.

Nếu mắc bệnh do khuẩn lao, người bệnh thường có biểu hiện tiêu chảy kéo dài, mệt mỏi, uể oải, phân nhầy có lẫn máu, chán ăn và hay sốt nhẹ vào chiều tối.

Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ

Các bộ phận trong cơ thể đều cần được cung cấp đủ lượng máu cần thiết để hoạt động hiệu quả. Khi đại tràng bị thiếu máu cục bộ trong thời gian dài sẽ dẫn tới viêm do xơ vữa động mạch trong đại tràng.

Bệnh viêm ruột

Căn bệnh viêm ruột cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm đại tràng. Trong đó 2 căn bệnh viêm ruột phổ biến là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.

Bệnh viêm loét đại tràng xảy ra khi hệ miễn dịch thực hiện không đúng chức năng của mình và quay lại tấn công đại tràng, dẫn tới tình trạng viêm loét.

Bệnh Crohm có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trong ống tiêu hóa. Bệnh có thể tấn công vào đại tràng gây viêm ở bộ phận này.

Đại tràng bị nhiễm vi thể

Khi đại tràng bị xâm nhập bởi một lượng lớn các loại vi thể collagen và tế bào lympho sẽ gây ra bệnh viêm đại tràng.

Đối tượng dễ mắc viêm đại tràng do nguyên nhân này là những phụ nữ lớn tuổi.

Nhiễm hóa chất độc hại

Một nguyên nhân gây viêm đại tràng cũng rất dễ xảy ra nữa đó là do nhiễm hóa chất độc hại. Người bệnh có thể bị nhiễm hóa chất độc hại từ nguồn thức ăn hoặc từ các loại thuốc, điển hình nhất là thuốc xổ.

Uống quá nhiều kháng sinh

Các loại thuốc kháng sinh khi được đưa vào cơ thể sẽ tiêu diệt cả các vi khuẩn có ích trong đường ruột, tạo điều kiện để các vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa phát triển mạnh. Đó là thủ phạm gây viêm đại tràng.

Viêm đại tràng vô căn

Ở một số người bệnh không thể tìm ra được nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm đại tràng. Có thể họ mắc bệnh do hệ thống tự miễn bị rối loạn hoặc do bị stress, do sức đề kháng yếu…

Triệu chứng viêm đại tràng

Đau bụng

Khi lớp niêm mạc đại tràng xuất hiện tình trạng viêm sẽ gây ra các cơn đau bụng lan rộng xung quanh khu vực đại tràng. Bạn có thể cảm thấy đau hai bên sườn, cơn đau lúc âm ỉ, lúc quặn thắt khiến người bệnh khó chịu.

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn thấy nặng bụng, đầy bụng và khó chịu đặc biệt là khi bị táo bón.

Rối loạn tiêu hóa và đại tiện

Người mắc viêm đại tràng ngoài cảm thấy đau bụng còn dễ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, dẫn tới tình trạng mất nước, cơ thể mệt mỏi.

Đôi khi bệnh nhân cũng bị táo bón, cảm giác đại tiện khó khăn, vừa đi xong lại muốn đi tiếp.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường có cảm giác chán ăn, ăn không tiêu, cơ thể suy nhược, uể oải...

Phân có lẫn máu

Ở nhiều bệnh nhân viêm đại tràng có hiện tượng đi ngoài ra máu, phân có nhiều nhầy và mủ.

Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới mất máu, gây thiếu máu khiến người bệnh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt.

Giảm cân nhanh

Do lớp niêm mạc đại tràng bị viêm dẫn tới việc hấp thu dinh dưỡng giảm sút. Vì thế, cơ thể bị thiếu dưỡng chất khiến người bệnh giảm cân nhanh, trông hốc hác và gầy đi nhiều.

Mất ngủ

Các triệu chứng bệnh đại tràng thường xuất hiện nhiều vào ban đêm như đầy bụng, đau bụng, khó chịu và muốn đi đại tiện… chính vì vậy mà người bệnh sẽ bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, kéo dài sẽ trở thành mất ngủ kinh niên.

Điều trị bệnh viêm đại tràng

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bằng phương pháp nội soi đại tràng để loại trừ trường hợp cần phẫu thuật như polyp đại tràng hay ung thư đại tràng...

Để điều trị bệnh trước hết người bệnh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống. Không sử dụng các loại rượu bia, thuốc lá, các thức uống lên men, đồ uống chứa nhiều axit như nước chanh, nước hoa quả, các loại trà và cà phê.

Hạn chế đồ ăn cay nóng, các thực phẩm dễ gây táo bón. Tăng cường các loại rau và trái cây thích hợp trong khẩu phần ăn.

Chống táo bón bằng cách ăn tăng cường chất xơ, chất nhầy như: rau mồng tơi, dền, đay, sam...; uống đủ nước cho hàng ngày.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường vận động cơ thể và tập thể dụng đều đặn.

Những trường hợp cần can thiệp bằng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng, giảm liều hay ngừng thuốc khi chưa hết liều lượng.

Người bệnh cũng không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc điều trị viêm đại tràng để tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-viem-dai-trang-co-that-va-viem-dai-trang-man-tinh-can-than-khong-bien-chung-kho-luong-25965/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY