Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bị cảm khi đang mang thai có thể gây ra dị tật thai nhi

Cảm cúm là bệnh thường gặp của rất nhiều người, nhưng bị cảm khi mang thai thì vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra dị tật cho thai nhi. Những thông tin dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu đề phòng và có những biện pháp chữa trị hữu hiệu nếu gặp phải tình trạng này.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, nguời mẹ nếu bị sốt 3 tháng trước hoặc khi bắt đầu mang thai thì sẽ có tỷ lệ bị dị tật tim bẩm sinh cho thai nhi là 11,2%, gấp 2 lần những bà mẹ mang thai sức khỏe tốt. Vì thế, bị cảm khi đang mang thai là một trong những nỗi lo sợ hàng đầu đối với các bà bầu.

Trong quá trình mang thai nhạy cảm, bất cứ loại thuốc nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, virus cúm có thể kích thích tử cung co bóp gây nên hiện tượng sinh non, thậm chí là sảy thai. Một số trường hợp có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh nếu điều trị không đúng cách. 

Virus cúm có thể gây hiện tượng sinh non, sảy thai, thậm chí là dị tât thai nhi

Virus gây dị tật thai nhi hàng đầu là vius gây bệnh Rubella. Thông thường nếu lỡ nhiễm phải loại virus này, các bà mẹ sẽ được khuyên phá thai để đảm bảo sức khỏe.  Các loại virus còn lại tuy ít nguy hiểm hơn nhưng có thể gây sứt môi, đục thủy tinh thể,... cho thai nhi.

Bị cảm khi mang thai không nên dùng những loại thuốc này

Nguyên tắc đầu tiên để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ khi mang thai chính là không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Dưới đây là một số loại thuốc mà các mẹ bầu phải tuyệt đối tránh xa:

- Thuốc chống virus như Tamiflu, Flumadine, Relenza, hoặc Symmetrel, những loại thuốc này có thể gây ra các nguy cơ khuyết tật bẩm sinh.

- Aspirin có thể  làm chảy máu thai nhi.

- Các loại siro chống cúm, cảm lạnh và ho cũng cần phải sử dụng thận trọng. Trong các siro này thường có tiêu đờm guaifenesin và ức chế ho dextromethorphan liên quan đến các biến chứng khi mang thai trong các nghiên cứu động vật.

Bất cứ loại thuốc nào dùng khi mang thai đều phải có chỉ định của bác sĩ

Mẹ bầu nên làm gì khi phát hiện cảm cúm

Khi phát hiện mình có những triệu chứng cảm cúm như sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, đau họng, hắt hơi, ớn lạnh… thì việc đầu tiên người mẹ mang thai cần làm là đi gặp bác sĩ.

Các bác sĩ sẽ có những chẩn đoán chính xác tình trạng của bạn đồng thời cho bạn biết nên làm gì và kê thuốc phù hợp. Tất cả các loại thuốc mà người mẹ uống trong quá trình mang thai đều phải thông qua bác sĩ và không được tự ý sử dụng dưới mọi hình thức. Qua việc kiểm tra, các bác sĩ cũng sẽ phát hiện những dị tật ban đầu và có những biện pháp kịp thời.

Bên cạnh việc đi gặp bác sĩ, các mẹ bầu cũng có thể áp dụng thêm một số phương pháp sau để hỗ trợ điều trị cảm cúm khi mang thai:

Kê gối cao khi ngủ:

Một giấc ngủ ngon trong quá trình mang thai là một điều hết sức quan trọng để ổn định sức khỏe và xua nhanh những triệu chứng cảm cúm. Để ngủ ngon hơn, các mẹ bầu hãy kê gối cao hơn một chút để giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Uống nước ấm:

Trong quá trình điều trị cảm cúm, cung cấp đủ nước là một điều đặc biệt cần thiết. Không chỉ uống đủ nước, các bà mẹ cần phải ưu tiên uống nước ấm, có thể là nước đun sôi để nguội, hoặc một tách trà gừng, một ly chanh mật ong ấm... những loại nước này sẽ làm ấm cơ thể và làm dịu chứng viêm họng, ngạt mũi rất hiệu quả. 

Nước chanh mật ong ấm sẽ làm dịu chứng viêm họng khi bị cảm cho bà bầu

Súc miệng bằng nước muối:

Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng khi bị đau họng, không ngoại lệ với các mẹ bầu. Chỉ cần pha một ít nước muối và súc miệng mỗi ngày, những triệu chứng rát cổ họng dai dẳng sẽ được xoa dịu.

Xông hơi:

Xông hơi là một phương pháp giúp giảm ngạt mũi vô cùng hữu hiệu. Các mẹ bầu có thể nấu một nồi nước xông từ lá sả, vỏ bưởi, lá tía tô, lá chanh, lá bạc hà,... mỗi loại dùng từ 5-10 lá, nấu sôi trong khoảng 10 phút. Phương pháp xông hơi này vừa giúp cơ thể thư giãn, vừa giúp thông mũi, giảm bớt những cảm giác khó chịu khi bị cảm cúm. 

Dùng tinh dầu:

Các loại tinh dầu tự nhiên cũng rất tốt cho nguời mẹ mang thai bị cảm cúm. Các mẹ bầu có thể sử dụng các loại tinh dầu từ oải hương, bạch đàn, cây chè, bạc hà,... và xoa nhẹ lên ngực, mũi, thái dương, lòng bàn chân,... Mùi hương dịu nhẹ của tinh dầu sẽ giúp các mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.

Tăng cường bổ sung vitamin C:

Viatmin C chính là vị thuốc cho người đang bị cảm. Các mẹ bầu có thể bổ sung vitamin C tự nhiên bằng cách ăn những loại hoa quả như táo, cam, quýt, bưởi hoặc uống nước chanh cùng mật ong mỗi ngày.

Các trường hợp uống viatmin C dưới dạng viên nén thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Để điều trị dứt điểm tình trạng bị cảm khi đang mang thai, các mẹ bầu cũng cần phải lưu ý bảo vệ cho sức khỏe bằng cách tránh để quạt khi ngủ, không sử dụng chất kích thích và chất có cồn, khi hắt hơi hoặc ho thì thay vì che miệng để tránh vi khuẩn lây lan hãy sử dụng khăn giấy, đồng thời hạn chế tiếp xúc với nhũng người có bệnh cảm cúm. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các mẹ bầu có được những phương pháp tốt nhất để phòng tránh và điều trị cảm cúm, bảo vệ cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi.

Quỳnh Như 

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/bi-cam-khi-dang-mang-thai-co-the-gay-ra-di-tat-thai-nhi-24381/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY