Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bí kíp dùng thuốc an toàn cho bà bầu

Đương nhiên chẳng có bác sĩ nào khuyên bà bầu dùng thuốc nhưng thực tế ít có bà bầu nào tránh được việc phải dùng thuốc.

Ảnh minh họa

Tháng nào trong thai kỳ dùng thuốc đáng ngại?

Đáng ngại nhất là 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn hình thành các cơ quan (tim, thần kinh trung ương, tay, chân...) của thai nhi. Một số thuốc cản trở sai lệch quá trình này gây ra dị tật, quái thai.

Dễ thở nhất là 3 tháng giữa thai kỳ. Đây là giai đoạn thai nhi trưởng thành, hoàn thiện và ít nhạy cảm với thuốc. Tuy nhiên vẫn có những bộ phận tiếp tục biệt hóa như hệ thần kinh và sinh dục bên ngoài nên thuốc có thể gây hại cho các bộ phận này.

Đừng lầm tưởng rằng 3 tháng cuối dùng thuốc là vô hại. Thực tế, tuy lúc này các bộ phận của thai đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện như gan, thận… hơn nữa, nhau thai đã mỏng đi nên nhiều thuốc có thể thẩm thấu vào thai.

Cực chẳng đã mới phải dùng thuốc

Có những trường hợp bà bầu bắt buộc phải dùng thuốc nếu không muốn nhận được những “báo động đỏ” về sức khỏe:

1. Sốt cao (>38 độ C): Sốt cao không chỉ ảnh hưởng đến thai phụ mà còn nguy hiểm cho thai nhi, vì vậy bắt buộc phải dùng thuốc hạ sốt.

=>Những thuốc hạ sốt chứa paracetamol thường được bác sỹ chỉ định.

2. Viêm thận: Bệnh nhân bị sốt cao và đau vùng bụng. Nếu để lâu có thể gây hôn mê, trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.

=> Kháng sinh với những chế phẩm đặc biệt dành cho thai phụ là sự lựa chọn không thể thay thế. Ngoài ra, thai phụ cần kiểm soát huyết áp, phòng suy tim, truyền nước và chất điện giải.

3. Nấm âm đạo: Sự thay đổi của các hormone trong cơ thể, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn yếm khí là nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm âm đạo ở bà bầu. Tuy không gây hại cho mẹ và thai nhi nhưng có thể khiến trẻ bị bệnh tưa lưỡi sau này.

=> Uống bổ sung men vi sinh. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng viên đặt clotrimazol, miconidazol… là những thuốc ít khi gây tác dụng phụ.

Đề phòng tác dụng phụ của thuốc

Khi nôn, buồn nôn: Bà bầu không được tự ý dùng thuốc chống nôn domperidon bởi thuốc có thể làm tim đập nhanh, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu nôn nhiều có thể dùng thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin.

Thai phụ không được sử dụng các loại thuốc trị cảm được bào chế dưới dạng lỏng có nồng độ cồn cao (thường 4,75%). Nếu muốn sử dụng, cần tìm những chế phẩm có ghi nhãn không chứa cồn.

Khi bị cảm: Bà bầu thường e ngại nhất khi bị cảm cúm, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì. Nhiều nghiên cứu khoa học đã minh chứng những thuốc cảm thông thường như: Chất kháng histamine; Chất guaifenesin; Chất giảm đau benzocaine; Paracetamol; Dextromethorphan… có tần số rủi ro thấp đối với thai phụ.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo: hai độc chất là pseudoephedrine và phenylephrine có thể gây khuyết tật cho thai nhi (vì làm hạn chế lưu lượng máu nuôi nhau thai), nhất là trong 13 tuần đầu của thai kỳ. Đặc biệt, tần số rủi ro sẽ cao hơn nếu thai phụ sử dụng thuốc lá.

Thuốc giảm đau: Bà bầu nên tránh xa các loại thuốc giảm đau gồm: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Sodium Salicylate và các loại thuốc kháng viêm không seroidal. Việc sử dụng chúng có thể gây sẩy thai, gây khuyết tật và nhiễm độc cho em bé sắp chào đời.

Ngoài ra, việc sử dụng Aspirin trong tuần cuối cùng của thai kỳ còn khiến thai phụ mất nhiều máu trong khi sinh nở.

Thiên Ngân

Theo chuyên đề SKGĐ - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/bi-kip-dung-thuoc-an-toan-cho-ba-bau-17089/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY