Tai , Mũi , Họng hôm nay

Bị người yêu bỏ vì nói lắp Đời sống

Thấy bạn gái giận dỗi, Cường khổ sở đến bên cạnh lắp bắp Anh... anh... xin... in... nhưng cố mãi không thể nói ra từ lỗi nên càng khiến cô nàng bực tức.

Tìm gặp bác sĩ về thanh - thính học, Cường (Tây Sơn, Hà Nội) đau khổ cho biết, người yêu vừa tuyên bố chia tay vì không chấp nhận được việc anh nói lắp."Từ hồi mới quen cô ấy, em đã nói lắp rồi nhưng nàng cứ tưởng do em nhút nhát, lúng túng, hay căng thẳng nên mới vậy. Yêu nhau rồi, thấy em vẫn cứ nói cà lăm, nàng nhiều lần bực tức, chỉnh sửa nhưng em lại càng căng thẳng và không thể nói rành rọt được. Và cô ấy không chấp nhận được điều đó", chàng trai 24 tuổi thổ lộ. 

Cường đã tìm đọc nhiều tài liệu và tự tập luyện nhưng không cải thiện. Sau "cú sốc" thất tình, chàng trai quyết tâm tìm tới bác sĩ, nhờ chữa trị. 

Ảnh minh họa: Iloverelationship.com.

Cũng nói lắp từ nhỏ, Hải (Bắc Ninh) luôn cố gắng học hành và đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi. Khi đi xin việc làm, Hải đều vượt qua được những vòng đầu, nhưng cứ đến lượt phỏng vấn là thất bại. "Có lúc mình thấy mọi cánh cửa như đóng sầm lại. Mình đã cố gắng rất nhiều nhưng càng những lúc quan trọng, cần nói cho rành rọt thì mình lại càng không thể rặn ra từ", Hải thổ lộ. 

Anh chàng đang chấp nhận làm một công việc không đúng chuyên môn, không đòi hỏi giao tiếp nhiều. 

Chia sẻ trên một diễn đàn của những người nói lắp, một chàng trai 21 tuổi cho biết, hồi nhỏ, anh nói rất trôi chảy, nhưng sau một thời gian bắt chước người em họ nói lắp, anh nhiễm tật này lúc nào không hay. Điều khiến anh chàng đau khổ nhất là khi nghe điện thoại thì không thể nói được hai chữ "A lô".

"Nhiều lần, muốn gọi cho ai đó, mình nhấc máy lên rồi lại cúp xuống vì không dám nghe. Lúc đó mình thấy rất căng thẳng nên không thể nói được", chàng trai thổ lộ. Cũng vì không thể nói trôi chảy nên anh chàng cũng không dám ngỏ lời với người mình thầm thương trộm nhớ đã mấy năm. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa Thanh - Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương (Hà Nội) cho biết, nói lắp là một bệnh của lời nói. Đó là một sự lặp lại, kéo dài hoặc bị tắc nghẽn không tự nguyện của một người đang cố gắng nói một từ hay một phần của một từ. Nói lắp có thể gặp trong quá trình hình thành ngôn ngữ (hay xảy ra ở trẻ học nói 2,5-3 tuổi) hoặc mắc phải khi trưởng thành.

Nói lắp ngay từ khi còn nhỏ có thể do trục trặc gene, bất thường ở hệ thống thần kinh trung ương, và có khoảng 80% tự khỏi. Người lớn nói lắp có thể do từ nhỏ hoặc do bệnh chấn thương về thần kinh trung ương hay gặp một sang chấn tâm lý nào đó quá lớn. 

Theo bác sĩ, đa số những người đến khám bệnh này là người lớn. Căn bệnh không nguy hiểm này có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, giao tiếp của người bệnh, khiến họ mặc cảm, mất tự tin, tìm cách trốn tránh giao tiếp hoặc cố tìm từ thay thế cho những từ khó nói, thậm chí tránh dần môi trường học tập, làm việc.

Có một số tình huống làm bệnh nặng lên như khi căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, khi phải thực hiện các nhiệm vụ ngôn ngữ mang tính phức tạp (chẳng hạn như nói những câu gồm nhiều mệnh đề, câu có mệnh đề nhân-quả...). Tình trạng nói lắp có thể giảm đi khi hát, nói những từ, câu đơn giản, bản năng, không đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều. 

Để điều trị thành công cần 3 yếu tố: tập phát âm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, có môi trường hỗ trợ tốt, có sự tương tác giữa người nói với những người xung quanh. 

Bác sĩ Dương cho biết, thông thường, bệnh này cần được chữa càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ tuổi niên thiếu. Những người trưởng thành thường chỉ có thể giảm chứ ít khi khỏi hẳn được. 

Hiện nay, có nhiều trường phái trị liệu nói lắp. Thứ nhất là nắn chỉnh cách nói, sử dụng các bài tập nói kết hợp với tập thở bằng cơ hoành. Thứ hai là khuyến khích người bệnh sử dụng các từ không bị lắp, dần dần tăng lên, phát triển rộng ra các từ trước đây hay lắp, có thể hát theo nhịp điệu, đọc bài quen thuộc, kết hợp với tập thở và tư vấn tâm lý... Ngoài ra, còn có liệu pháp gọi là Lidcombe Program for stuttering - chương trình điều trị sớm tật nói lắp tại nhà, bằng cách không nắn chỉnh khi người bệnh nói không trôi chảy, nhưng chỉ áp dụng cho trẻ dưới 10 tuổi. 

"Những cách này muốn thành công hay không người bệnh cần thật quyết tâm khi thực hiện, luyện tập. Tuy nhiên, không có cách nào phù hợp với tất cả mọi người. Việc chọn bài tập nào để luyện tập lại tùy vào từng người, ở từng mức độ khác nhau, có thể là tập thở, tập thơ giãn, tập phát âm theo nhịp điệu... và cần sự tư vấn, hỗ trợ của người có chuyên môn", bác sĩ Dương nói. 

Vương Linh

* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/doi-song/bi-nguoi-yeu-bo-vi-noi-lap-2852421.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY