Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Biến chứng suy tim: Lưỡi dao vô hình dẫn đến cái chết thầm lặng

Nếu không theo dõi bệnh thường xuyên, những biến chứng suy tim thường xảy ra đột ngột có thể đẩy người bệnh vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Làm sao bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng suy tim ngay từ bây giờ

Suy tim đang là tình trạng báo động của toàn thế giới. Khoảng 670.000 người Mỹ bị chẩn đoán mắc chứng suy tim mỗi năm. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nhập viện ở những người lớn hơn 65 tuổi.

Suy tim là gì?

Suy tim không phải hiện tượng tim ngừng hoạt động mà là tình trạng suy tim xung huyết khi dịch tích tụ trong các phần khác nhau của cơ thể.

Khi bạn bị suy tim, máu di chuyển qua tim và cơ thể với một tốc độ chậm hơn bình thường, áp lực trong tim tăng lên khiến tim không thể bơm đủ ôxy và chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Các buồng tim có thể đáp ứng bằng cách kéo dài để giữ máu nhiều hơn nhằm bơm máu qua cơ thể hoặc bằng cách trở nên cứng và dày lên. Điều này giúp giữ máu liên tục truyền đi, nhưng cuối cùng lại có thể làm tim suy yếu và bơm máu một cách không hiệu quả. Suy tim xung huyết chính là thuật ngữ mô tả tình trạng này.

Các nguyên nhân gây nên suy tim là gì?

Suy tim chủ yếu do sự tổn thương lên các cơ tim, gây ra bởi nhiều nguyên nhân:

- Bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành là bệnh lý chỉ tình trạng lòng mạch bị hẹp do các mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch. Nếu các động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp nghiêm trọng, tim sẽ bị thiếu ôxy và chất dinh dưỡng;

- Đau tim. Các cơn đau tim xảy ra khi động mạch vành đột ngột tắc nghẽn, ngăn chặn sự lưu thông máu đến cơ tim. Cơn đau tim làm tổn thương các cơ tim, làm cho một khu vực không thể hoạt động bình thường;

- Bệnh cơ tim. Tổn thương lên các cơ tim thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác ngoài động mạch hoặc các vấn đề về lưu thông máu, chẳng hạn như bị nhiễm trùng, nghiện rượu hoặc ma túy;

- Các tình trạng khiến tim hoạt động quá sức. Các tình trạng khác bao gồm cao huyết áp, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp, bệnh thận, đái tháo đường hoặc các khuyết tật tim đều có thể dẫn đến suy tim. Ngoài ra, suy tim có thể xảy ra khi một số bệnh hoặc tình trạng bệnh xảy ra cùng một lúc.

Các triệu chứng của suy tim là gì?

Suy tim có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng tùy trường hợp. Các triệu chứng của suy tim có thể kéo dài hoặc xuất hiện và biến mất liên tục.

Sau đây là một số triệu chứng thường gặp của suy tim:

- Phổi bị tắc nghẽn. Đây là tình trạng các chất dịch tràn ra phổi, gây hụt hơi khi tập thể dục, khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm ngửa trên giường. Sự tắc nghẽn ở phổi cũng có thể gây ho khan hoặc thở khò khè;

- Sự tích tụ các chất dịch và nước. Do máu tới thận ít hơn gây nên sự tích tụ các chất dịch và nước, dẫn tới việc mắt cá, chân và vùng bụng của bạn bị phù và tăng cân. Triệu chứng này còn khiến bạn có nhu cầu tiểu tiện nhiều suốt đêm. Ngoài ra, tình trạng phù nề dạ dày có thể dẫn đến sự thèm ăn hoặc buồn nôn;

- Chóng mặt, mệt mỏi và cảm giác yếu đi. Do máu đến các cơ quan và cơ bắp bị hạn chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu đi. Khi não không được cung cấp đủ máu có thể gây ra tình trạng chóng mặt hoặc hoa mắt;

- Nhịp tim trở nên nhanh hoặc đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra là do tim phải đập nhanh hơn để bơm đủ máu cho cơ thể. Điều này có thể dẫn đến nhịp tim nhanh bất thường.

Nếu bị suy tim, bạn có thể gặp một hoặc tất cả các triệu chứng trên hoặc có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn thế nào?

Ngoài khả năng dẫn đến đột tử, căn bệnh này còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đó là bệnh nhân suy tim thường cảm thấy khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm xuống, mệt mỏi, sưng (phù) ở chân, mắt cá chân, bàn chân, nhịp tim nhanh hoặc bất thường, ho dai dẳng hoặc thở khò khè, có đờm màu trắng hoặc hồng.

Ngoài ra, người bệnh thường đi tiểu vào ban đêm, ứ dụng khoang bụng, không có cảm giác thèm ăn và buồn nôn, khó tập trung hoặc kém tỉnh táo, thở dốc đột ngột và đau ngực.

Với những triệu chứng ở trên, người bị suy tim không thể sống vui vẻ, hoạt động thể chất hoặc làm việc bình thường được. Do đó, họ luôn cần giải pháp để có thể sống chung với bệnh dễ dàng hơn.

Những biến chứng suy tim bạn nên biết

- Nguy cơ hỏng van tim

Trái tim của bạn có bốn van tim để giữ cho máu chảy theo một chiều nhất định. Khi bạn bị suy tim, cấu trúc van tim có thể thay đổi theo thời gian do tim phải gắng sức để bù lượng máu bị thiếu hụt, khiến các dây chằng xung quanh van tim bị giãn hoặc bị đứt, làm hỏng van.

- Cơ thể bị thiếu máu

Khi chức năng thận bị suy giảm, cơ thể bạn không được sản xuất đầy đủ hormone tạo hồng cầu trong tủy xương sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu. Ngược lại, tình trạng thiếu máu cũng khiến cho diễn tiến bệnh suy tim ngày càng trầm trọng hơn.

- Tổn thương gan

Người bệnh suy tim, đặc biệt là suy tim phải, tim giảm khả năng hút máu, khiến gan phải tăng kích thước để chứa máu. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, có thể gây xơ gan, cuối cùng suy gan.

- Chức năng thận suy giảm

Khả năng bơm máu của tim bị giảm sút khiến thận không được cung cấp đầy đủ máu nên giảm chức năng lọc, đào thải độc tố, muối và nước ra khỏi cơ thể. Hậu quả là một lượng lớn muối bị giữ lại, gây tăng huyết áp, dẫn tới tình trạng phù nề ở người bệnh suy tim.

- Phù phổi cấp và tràn dịch màng phổi

Chất lỏng bị tích tụ trong phổi sẽ gây ra tình trạng phù phổi cấp (chết đuối trên cạn) với các triệu chứng nghiêm trọng như làn da nhợt nhạt, khó thở, cảm giác như chết đuối, ho ra bọt màu hồng…

- Rối loạn nhịp tim

Chứng rối loạn nhịp tim nghĩa là nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường. Các rối loạn nhịp tim thường gặp: rung tâm nhĩ, block nhánh trái, nhịp tim nhanh thất và rung thất.

- Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Đây chính là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của người bệnh suy tim khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm khiến một lượng máu bị ứ lại tại các buồng tim. Điều này tạo cơ hội thuận lợi hình thành cục máu đông có thể gây tắc nghẽn tại mạch máu não, dẫn tới đột quỵ, tắc nghẽn động mạch vành dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Bạn có thể làm gì để sống chung với bệnh suy tim?

Chẳng có thuốc tiên nào có thể giúp một bệnh nhân suy tim có một trái tim khỏe mạnh 100% như chưa hề bị bệnh, song có rất nhiều cách giúp bạn vẫn có thể vui sống cùng căn bệnh. Đó là bạn cần điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân, bởi suy tim không tự sinh ra mà là hậu quả của các bệnh tim mạch khác. Lúc mới bắt đầu, bác sĩ có đề nghị bạn thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc. Nếu tình hình chuyển biến xấu hơn, bác sĩ có thể chỉ định một phương pháp khác, chẳng hạn như phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Điều này có thể giúp làm giảm các triệu chứng suy tim và ngăn ngừa bệnh trở nên xấu đi. Việc đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần làm là thay đổi chế độ ăn.

Vậy bạn cần thay đổi gì? Hãy ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt bạn nhé. Đồng thời đừng quên bổ sung các sản phẩm từ sữa không có chất béo hoặc ít chất béo và hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa cũng như ăn ít muối.

Bên cạnh đó, bạn nên bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu vì những chất này có thể tương tác với thuốc, làm suy yếu cơ tim và khiến nhịp tim bất thường đấy. Tập thể dục thường xuyên, hạn chế lo lắng và căng thẳng sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, bệnh suy tim sẽ cần tiến hành phẫu thuật. Đó là trường hợp nào?

Nếu suy tim là do động mạch vành bị tắc, bạn cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Nếu van tim có vấn đề, bạn cần thay van tim hoặc sửa van tim.

Trong trường hợp tim có các vấn đề bất thường, thiết bị khử rung tim cấy ghép (ICD) được cấy vào ngực để điều hòa nhịp tim.

Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD) được cấy vào bụng hoặc ngực, giúp bơm máu từ tâm thất đến các bộ phận còn lại của cơ thể.

Bổ sung thực phẩm chức năng

Bạn có biết suy tim là tình trạng rất phổ biến ở các nước phát triển và đang lan nhanh trên toàn thế giới? Mỗi năm, số lượng người chết do suy tim cũng tăng cao, nhiều hơn cả bệnh ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và HIV/AIDS cộng lại đấy bạn.

Song, vẫn có những người có thể cải thiện tình trạng bệnh, hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả cao khi kết hợp với giải pháp hỗ trợ từ thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho người bị tim mạch.

Ánh Dương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/bien-chung-suy-tim-luoi-dao-vo-hinh-dan-den-cai-chet-tham-lang-26686/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY