Những người viết phóng sự có giọng điệu thường phải có vốn sống, trải nghiệm, đi nhiều, đọc nhiều. cũng là một người như vậy, đúng như anh tự bạch trên trang facebook cá nhân "đi, đọc, nghĩ, viết – làm việc quên mình". Anh đến với nghề báo như một sự tình cờ thú vị. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mặc dù đã thi đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng do hoàn cảnh gia đình kinh tế còn khó khăn, anh đã chọn vào học Trường Sĩ quan Chính trị (sau là Học viện Chính trị - Quân sự). Tốt nghiệp Học viện Chính trị loại xuất sắc, anh được giữ ở lại trường công tác.
"Khi ra trường, tôi được giao làm Trợ lý Chính trị, Bí thư Đoàn Cơ sở Tiểu đoàn quản lý hàng trăm học viên người dân tộc thiểu số. Hằng ngày, phải thường xuyên đọc báo để cập nhật thông tin phục vụ công tác quản lý, giáo dục học viên nên tôi nghĩ: Báo viết thế này, tại sao mình lại không thể viết bài đăng báo được? Thế là tôi cộng tác, viết bài cho nhiều báo, ban đầu chỉ là những mẩu tin, những bài viết ngắn dạng thư bạn đọc" – anh kể. Ban đầu là viết tay gửi bài bằng thư về tòa soạn. Rồi sau đó, những đồng tiền nhuận bút đầu tiên đã giúp anh có tiền mua được một chiếc máy tính second-hand và từ khi có máy tính, đam mê cầm bút càng được thực hiện nhiều hơn. Anh cộng tác với nhiều báo như Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tạp chí Gia đình, Tuần Tin tức….
Một ngày mùa hè năm 2002, anh bất ngờ nhận được lá thư từ tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Người viết thư là Đại tá Triệu Phương Quế, khi đó là Trưởng phòng Bạn đọc và Cộng tác viên với lời khích lệ: "Cháu có năng khiếu làm báo. Hãy chịu khó cộng tác, viết bài để trở thành nhà báo chuyên nghiệp". Anh Quế còn mời anh có dịp qua tòa soạn chơi để trao đổi, cộng tác. Sau này, anh Phạm Văn Huấn – khi đó là Phó trưởng Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên (nay là Thiếu tướng, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân) cũng luôn quan tâm, động viên, khích lệ một cộng tác viên tích cực như Nguyễn Văn Minh. Anh đã nhiều lần được tặng bằng khen là cộng tác viên xuất sắc nhất và được Báo Quân đội nhân dân đề nghị Bộ Quốc phòng điều động về tòa soạn để làm báo.
Là cây bút viết nhiều về mảng kinh tế - xã hội nhưng khi mới về tòa soạn, anh được Ban Biên tập phân công làm Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, phụ trách các trang Phóng sự - Ký sự, Chân dung Người lính, Câu lạc bộ chiến sĩ suốt 5 năm liền. Đây là môi trường thuận lợi để anh có những chuyến đi xuyên Việt, gặp gỡ nhiều nhân vật – sự kiện, có chất liệu viết nên nhiều phóng sự.
Năm 2008, khi vừa chân ướt chân ráo về tòa soạn, Nguyễn Văn Minh có một quyết định táo bạo: Xung phong đi vào đơn vị thường trú tại Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh 3 tháng. Anh sớm có suy nghĩ rằng, mình bước chân vào nghề báo muộn, nếu chỉ ngồi ở Hà Nội thì sẽ rất thiếu vốn sống, không biết đến khi nào mới đi hết mọi vùng miền đất nước, mà chờ được phân công giao nhiệm vụ thì còn rất lâu. Thế là anh xung phong. Nghe anh báo cáo, Đại tá Bùi Đức Toàn, Trưởng phòng Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần khi đó rất ủng hộ. Thế là suốt 3 tháng trời, anh xuôi ngược khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Đi từ rừng U Minh Hạ đến U Minh Thượng, từ vùng biên giới Tây Ninh ruồi vàng, bọ chó đến đất mũi Cà Mau, những mảnh đất xa xôi như những đồn biên phòng từ mấy chục năm chưa một nhà báo đặt chân đến. Anh cũng lặng lẽ tìm gặp những người tù vượt ngục ở nhà lao Phú Quốc – nay họ sống rải rác khắp TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội. Anh đến nhà lao Côn Đảo, cần mẫn đi vào từng di tích, từng gian phòng biệt giam. Đi, đọc, nghe, viết theo cách của riêng mình, anh phát hiện ra những điều đặc biệt. Như chuyện ở di tích nhà tù Côn Đảo, mấy chục năm đã trôi qua, vậy mà khi vào một căn phòng biệt giam, tôi vẫn chụp được những nét bút viết về một phương trình toán học của người tù nào đó giải trên bức tường trại giam. Một hình ảnh nói lên khí phách, trí tuệ và khát vọng của những người cộng sản chân chính.
Chính nhờ sự dấn thân ấy đã giúp anh có kho tàng kiến thức, kinh nghiệm quý giá và hơn thế là hàng loạt phóng sự, ký sự chất lượng gửi về tòa soạn. Anh bật mí, cũng nhờ đi thực tế mà mình không bị đóng khung là một phóng viên phụ trách trang báo Cuối tuần nữa, có thể thoải mái viết tin bài cho báo hằng ngày, cộng tác với mọi phòng ban, tay nghề nhờ thế tiến bộ nhanh. Từ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của anh, đến nay Báo Quân đội nhân dân đã hình thành quy định, mọi phóng viên trẻ đều phải đi thực tế, "đổi đầu" giữa các cơ quan đại diện ở mọi miền đất nước để bồi dưỡng phóng viên.
5 năm ở Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Nguyễn Văn Minh có lẽ là một trong những phóng viên đi nhiều nhất tòa soạn. Chỉ trong hai năm, dấu chân anh đã có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành của đất nước, ở mọi miền biên cương, hải đảo xa xôi. Có những chuyến đi của anh kéo dài cả tháng trời, đi đến đâu, viết bài đến đó gửi về tòa soạn, đồng thời vẫn đảm nhiệm tổ chức 3 trang báo được phân công thông qua việc kết nối với cộng tác viên và Ban Biên tập ở Hà Nội.
Cuốn sách "Biển rừng xanh màu áo" là tập phóng sự tập hợp một phần những bài viết của anh trong những chuyến đi ấy. Trong đó, nổi lên hai địa hạt anh đi nhiều nhất là rừng và biển. Đường tuần tra biên giới – con đường chiến lược mang dáng hình đất nước được quân đội ta xây dựng cũng là nơi anh có mặt phản ánh từ những ngày đầu. Anh đã đi gần "khép kín" các cung đường tuần tra biên giới, từ Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên cho tới Thanh Hoá, Nghệ An, từ đỉnh Pu Vai Lai Leng nóc nhà Trường Sơn cho đến đỉnh núi Ngọc Linh của Tây Nguyên hùng vĩ, đi từ mùa mưa cao nguyên dai dẳng cho đến cái nắng gió Lào đổ lửa và rát rạt của miền Trung, đi từ mùa hoa mơ, hoa mận Tây Bắc cho tới mùa hoa cà phê, hoa dã quỳ, từ rừng khộp, rừng tre tới xứ sở hoa sen, hoa súng, lục bình trôi miền Tây Nam Bộ… 5 năm qua, cùng đi, cùng ăn, cùng ngủ với những người lính vượt núi băng rừng bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống rẻo đất biên cương đã là những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời cầm bút của anh.
Trong loạt ký sự 7 kỳ mang tên "Con đường Nam quốc sơn hà" điều khiến anh cảm thấy xúc động nhất chính là qua những chuyến đi, anh đã có được những câu chuyện vô cùng cảm động về người lính, những gian khó, những hy sinh thầm lặng của họ. Anh tâm sự: "Tôi hay bất cứ người phóng viên nào từng đến những cung đường này đều phải đổ mồ hôi, nước mắt và đã có lúc tưởng như…không còn cơ hội trở về nhưng những gì mình cống hiến khi tác nghiệp tôi nghĩ vẫn còn quá nhỏ bé so với họ và không có lý do gì để mình ngại khó, ngại khổ khi đến với những con đường "đệ nhất khổ" đó!
Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường tuần tra biên giới kể: Trong số những nhà báo đi thực tế đường tuần tra biên giới, Văn Minh và Quang Thái là hai người đi nhiều nhất, sâu nhất, ở lâu nhất với bộ đội nơi rừng xanh núi đỏ. Các anh bám nắm bộ đội, cùng ăn, cùng ở, cùng tâm tình với họ nên khi anh viết loạt phóng sự 7 kỳ mang tên "Con đường Nam quốc sơn hà", kể lại nhiều chuyện mà chính tôi cũng không tin là có thật như chuyện những anh lính mở đường đi tắm suối ở Chư Mo Ray bị loài cá lạ cắn chỗ hiểm, hay anh kỹ sư bị côn trùng cắn sốt mê man thoát hiểm nhờ người dân tộc chỉ cho cách gặp cô giáo trẻ giúp đỡ bằng…bầu ngực. Loạt phóng sự ấy về sau đã đoạt giải B giải báo chí quốc gia.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng – nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao Báo Quân đội nhân dân, một phóng viên chiến tranh từng đi dọc chiến trường những năm chống Mỹ và có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30-4 là người viết lời tựa cho cuốn "Biển rừng xanh màu áo" của Nguyễn Văn Minh. Ông viết: "Biển rừng xanh màu áo", tuyển chọn những bài báo vừa có độ nóng thời cuộc vừa đậm chất tình; thế là một bức tranh toàn cảnh của con người biên giới, biển đảo của đất nước trong những năm tháng này hiện ra chân thực, rành rõ đến từng chi tiết. Một lớp cán bộ kỹ sư, công nhân, chiến sĩ trẻ hăm hở rời thành phố phồn hoa lên đường khai phá xây dựng con đường tuần tra biên giới nhưng lập tức phải đối mặt với nhiều thứ khó khăn lạ lẫm. Họ lạc rừng nhiều ngày, đói, rét, muỗi mòng, rắn rết, thú rừng, dốc dựng, đèo cao, thiếu thốn đủ thứ. Đã có những người trong số họ đã phải nằm xuống giữa rừng xanh núi đỏ vì sốt rét, bệnh tật, vì vướng mìn từ thời chiến tranh sót lại. Họ đã vượt qua tất cả để trưởng thành, và đã trở thành những chiến binh dày dạn như lớp ông cha.
Ở xa kia, nơi đầu nguồn sông Đà "trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh", lớp lớp cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nối tiếp nhau bám trụ từng ngày trong hơn nửa thế kỷ qua để cùng dân giữ đất, kiên trì vận động, hướng dẫn người dân biết cày, biết trồng lúa nước, trừ bỏ Thu*c phi*n và các hủ tục lạc hậu, rồi dạy dân học chữ. Ở bản Hà Nhì nọ có một chú bé liên lạc, chăn ngựa cho bộ đội mà được học hành, rèn luyện để trở thành người Đại biểu Quốc hội đầu tiên của dân tộc mình. Ở bản Mông hẻo lánh khác, nơi không có đường kết nối về xuôi đã có những chiến sĩ trưởng thành làm nòng cốt vận động, thuyết phục thành công những người Mông từ nhiều vùng Tây Bắc bị kẻ xấu xúi giục trở về quê hương bản quán. Các anh đã dũng cảm đương đầu và trực tiếp tham gia đấu tranh làm thất bại hoàn toàn mưu đồ lập "Vương quốc Mông" ở vùng Mường Nhé…
Tôi đã từng được chờ đợi, mong ngóng chuyến đi của hai nhà báo trẻ mang lá cờ Tổ quốc có đầy đủ chữ ký của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải đóng nơi cực Tây đất nước đến với các điểm đảo cực Đông trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đã thành công và lại thêm những phóng sự sống động về cuộc sống Trường Sa những năm tháng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ này. Ở đấy có những chiến sĩ đã biến đảo xa thành làng, thành phố gần gũi như quê nhà. Bên những cây phong ba, bàng quả vuông, thảm muống biển là rặng tre đằng ngà, là quần tụ bộ đội, công nhân, người dân biển cùng nhà sư, mái chùa, lớp học con trẻ, là những vật nuôi quen thuộc chó, gà, bò, lợn…
Tập sách này còn có những bài viết khá cặn kẽ về những người anh hùng tình báo, những vị lãnh đạo chỉ huy nức tiếng thời đánh giặc Pháp. Tạo thêm sức nặng cho chủ đề của tập sách còn có các bài viết kể rõ đầu cua tai nheo và từng bước trưởng thành của các doanh nghiệp cùng các nhà quản lý, trí thức trẻ làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng như anh trí thức trẻ Nguyễn Đình Chiến mê toán học, từng bước trưởng thành góp sức xây dựng một đơn vị nhỏ trở thành Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) - Một trung tâm nghiên cứu dám và đã đạt được nhiều thành công góp phần đắc lực gây dựng nên cơ đồ Viettel hôm nay (nay anh Chiến là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel).
Đọc tập sách này nói chung và những bài viết này nói riêng, có lẽ những ai chưa biết, chưa hiểu hay còn hoài nghi về quân đội làm kinh tế-quốc phòng chắc sẽ hình dung được và tin cậy vào vai trò đội quân công tác, đội quân sản xuất của quân đội ta.
"Biển rừng xanh màu áo" còn có những trang viết rất đời thường nhưng rất đặc biệt về Trường Sa – quần đảo tiền tiêu thân yêu của Tổ quốc. Nguyễn Văn Minh kể: "Có những câu chuyện chúng tôi ghi lại hầu như rất ít người biết đến như việc tôi đã dày công thuyết phục được Thiếu tá Nguyễn Khắc Xuể - một trong hai nhà báo Quân đội đầu tiên ra Trường Sa ngay sau ngày giải phóng và là người duy nhất nay còn sống đã chia sẻ nhiều tư liệu quý. Tôi cũng lật lại tìm xem tất cả những bài báo quân đội viết về Trường Sa trong hai năm 1975, 1976 hay những trang viết, những bức ảnh đầu tiên về Trường Sa. Thiên bút ký "Trường Sa phong ba – đằng ngà" mà chúng tôi dày công thể hiện đã ra đời, được nhà báo Nguyễn Như Phong cho đăng trọn vẹn trên tờ Năng lượng mới. Còn bút ký Những nhà báo áo lính đầu tiên ra Trường Sa thì được báo điện tử VnExpress đăng đầy ấn tượng…Theo Nguyễn Văn Minh, Trường Sa với anh vẫn là mảng đề tài đầy hấp dẫn. Anh muốn đi tìm, viết lại về những con người ở cả hai chiến tuyến sau ngày Trường Sa được giải phóng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, nhiều công việc chi phối, ấp ủ ấy vẫn chưa được thực hiện.
Công việc của người làm báo quân đội không cho phép chỉ viết những gì mình thích. Công việc cuốn anh đi theo những nhiệm vụ tuyên truyền thời sự. Sau những năm theo dõi mảng đề tài phóng sự - ký sự, anh được phân công theo dõi mảng kinh tế - xã hội – nội chính, rồi mảng điều tra – bạn đọc, giờ đây là công việc tại Báo Quân đội nhân dân điện tử. Giờ đây, anh ít viết phóng sự, ghi chép so với ngày xưa, giành nhiều thời gian cho những tác phẩm chính luận và điều tra. Nhưng trong ngòi bút của anh, biển rừng và mọi vùng đất thân yêu của Tổ quốc vẫn hiện lên xanh thẳm, như màu xanh bộ đội mà các anh mang trên mình với sự cống hiến không mệt mỏi của người cầm bút.
Bài, ảnh: HOÀNG HƯNG - QUANG VŨ