Kinh tế xã hội hôm nay

Bộ đội đi chợ: Con chưa biết khi nào về, chắc tới khi hết dịch

Chú bộ đội từ Hà Nội vô hả?, ông Nguyễn Văn Hoàng chào người chiến sĩ trạc tuổi con mình khi thấy xe Đa Su giao hàng đến. Dạ không, tụi con trên Tây Ninh xuống, Thắng đáp lại.

"Con chưa biết khi nào về, chắc tới khi hết dịch"

"Chú bộ đội từ Hà Nội vô hả?", ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ phường 7, quận Bình Thạnh, TPHCM) đang phụ trực chốt bảo vệ "vùng xanh" đầu con hẻm chào chiến sĩ trạc tuổi con mình khi thấy xe Đa Su giao hàng đến. "Dạ không, tụi con trên Tây Ninh xuống", Thắng đáp lại.

14h, sau khi chuẩn bị hết các đơn hàng được người dân khu phố đã đặt mua, anh Trần Hoài Nam Thành - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường 7, quận Bình Thạnh, nổ máy chiếc xe Đa Su, bắt đầu giao hàng đến từng hộ dân trong những con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (xe Đa Su là tên được gọi tắt của từ Daihatsu - một dòng xe được sử dụng nhiều để cải tạo thành xe bus 12 chỗ phổ biến ở TPHCM nhiều năm về trước - PV).

"Xe này được một hội từ thiện cho phường mượn. Chỉ có xe Đa Su mới vô lọt mấy hẻm nhỏ chứ xe tải to là chịu thua", anh Thành giải thích. Biết lái ô tô, anh trở thành một trong nhiều người kiêm nhiệm vị trí tài xế chở hàng của phường.

Chiếc Đa Su cũ kỹ dừng lại trong con hẻm chỉ rộng hơn 3 m, nơi 4 thanh niên thuộc tổ đi chợ hộ của phường 7 đã đến trước. Anh Thành cùng hai chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng và Ngô Tuấn Kiệt thuộc Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7, nhanh chóng nhảy xuống xe, tìm đúng túi hàng để giao cho các hộ trong hẻm theo sự điều phối của tổ đi chợ.

Anh Thành kiêm nhiệm vị trí lái xe chở hàng của phường.

"Chào chú bộ đội đi con"

"Kiếm giúp chị 2/20, 2/21, 2/22", chị Hoàng Anh, Bí thư Đoàn phường, nói trong lúc đang tra danh sách đặt hàng của các hộ dân trong hẻm. Hai người lính trẻ nhanh tay tìm trong cả trăm túi hàng trên xe. Sau khi tìm ra, Thắng và Kiệt cẩn thận dùng cả hai tay đặt nhẹ nhàng túi xuống đất, tránh làm vỡ trứng hay dập rau, củ bên trong của người dân.

Chiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt tìm địa chỉ nhà dân trên các đơn hàng.

Cả Thắng và Kiệt đều vừa tròn 20 tuổi, tham gia nghĩa vụ quân sự từ đầu năm 2020, đóng quân ở Tây Ninh. Thắng quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn Kiệt nhà ở Long An.

Ấn tượng của cả hai về Sài Gòn những lần lên thành phố chơi nhiều năm trước là những con đường tấp nập người xe, hàng quán đông đúc. Thắng và Kiệt chưa bao giờ nghĩ Sài Gòn lại có lúc vắng lặng lạ thường như bây giờ.

Soạn xong túi hàng, Kiệt và Thắng lại leo lên hai chiếc xe máy do lực lượng cán bộ phường chở, đi sâu vào các con hẻm nhỏ chỉ rộng chừng một mét để giao hàng tận tay người dân.

"Mời anh chị ra nhận hàng ạ", Kiệt bấm chuông, đặt túi hàng trước cửa rồi lùi lại để giữ đúng khoảng cách 2 m với người nhận như lời chỉ huy dặn dò.

"Của nhà chị bao nhiêu tiền vậy em", nghe người dân hỏi, Kiệt vội gọi anh Phát, cán bộ phường đi cùng mình, nhận tiền mua hộ. Các chiến sĩ chỉ giao hàng đến tận cửa, toàn bộ việc thu tiền, thối tiền cho người dân được các cán bộ, viên chức của phường đảm nhận.

"Chào chú bộ đội đi con", người phụ nữ từ trên ban công tầng 2 nói với con khi thấy Kiệt đặt túi thực phẩm trước cửa nhà. Em bé đang được bồng trên tay mẹ vẫy tay chào anh lính trẻ, Kiệt nở nụ cười dưới lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn, đưa tay lên tạm biệt hai mẹ con.

"Chú bộ đội từ Hà Nội vô hả?", ông Nguyễn Văn Hoàng đang phụ trực chốt bảo vệ "vùng xanh" đầu con hẻm chào chiến sĩ trạc tuổi con mình khi thấy xe Đa Su giao hàng của phường đến. "Dạ không, tụi con trên Tây Ninh xuống", Thắng đáp lại.

Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7.

"Bao giờ con về?", ông Hoàng hỏi tiếp. "Dạ con cũng chưa biết, chắc hết dịch", Thắng trả lời. "Con chú cũng đi bộ đội trong sư đoàn tăng đóng ở Biên Hòa. Nó cũng muốn đi Sài Gòn giúp dân như vậy mà chưa được, vẫn ở trong đơn vị", ông nói với người lính trẻ.

Hơn 17h, trời bắt đầu đổ mưa, Kiệt và Thắng vẫn cần mẫn tìm từng đơn hàng, hai tay xách hai túi tìm từng nhà để giao. Hai người lính chốc chốc lại lạc trong những con hẻm nhỏ chằng chịt nhau, bề ngang chỉ vừa một người. Tìm số nhà 42/29 nhưng đi một hồi, Kiệt lại thấy biển số 41/16/14. "Chị ơi tìm giúp em nhà này với", chàng quân nhân đành phải "cầu cứu" cán bộ Đoàn phường đi cùng.

Gần 18h khi trời đã tối hẳn, mưa ngày càng to, nhóm giao hàng mới hoàn thành công việc.

"Đi thế này không có gì mệt, tập luyện trong quân đội vất vả hơn nhiều. Được đi giúp người dân là bọn em vui lắm. Từ ngày vô quân đội em mới gặp nhiều người dân như vậy", Thắng cười tươi trả lời khi được hỏi có mệt không.

Trong đơn vị, mỗi người lính được nghỉ phép về thăm nhà mỗi năm một lần. Nhưng Kiệt, Thắng chưa về nhà lần nào từ khi vào quân ngũ vì tình hình dịch bệnh. Xuống TPHCM tham gia chống dịch cũng là lần đầu cả hai rời doanh trại đóng quân xa như vậy.

Chỉ còn một lực lượng duy nhất

Đi chợ hộ xong, nhóm lại bắt đầu chuyển sang nhiệm vụ mới. Anh Thành đánh chiếc Đa Su cùng cả nhóm đến trụ sở quận Đoàn lấy các phần cơm, sữa phát cho các trường hợp F0 khó khăn đang ở trọ, không có điều kiện nấu ăn và lực lượng trực tại các chốt.

Có thêm sự hỗ trợ từ các chiến sĩ quân đội tăng cường từ ngày 23/8, lực lượng cán bộ, viên chức của phường như anh giảm tải bớt phần nào công việc căng thẳng cả tháng qua.

"Giờ không phân biệt là Ủy ban, Đảng ủy hay Mặt trận, Đoàn hội, ai cũng chống dịch hết. Làm việc không có thứ Bảy, Chủ nhật lâu lắm rồi", anh Thành cười.

Hỗ trợ điều phối người dân xếp hàng tại điểm tiêm vắc xin, đi chợ hộ, giao hàng, khuân vác, trao quà, lái xe, anh Thành không nhớ hết những đầu việc trong suốt những ngày qua.

Dừng xe ngay đầu một con hẻm trên đường Nơ Trang Long, phía sau Bệnh viện Ung bướu, cả nhóm bắt đầu trao những phần cơm cho các trường hợp F0 khó khăn đang cách ly tại phòng trọ, nhiều người trong đó ở lại thành phố trị bệnh.

Vừa giao hàng xong, anh Thành tiếp tục lái xe để đi trao quà cho các hộ khó khăn.

Thấy người dân đã chờ sẵn sau cánh cửa đang khép hờ, anh Phát, cán bộ phường, nói lớn: "Chị ơi chị lùi vào trong chút xíu, em để cơm ở đây rồi từ từ ra lấy nha".

Thấy cán bộ phường đã lùi xa, một người đại diện xóm trọ mới ra nhận cơm, không quên gửi lời cảm ơn.

Ở trên xe, Nhi cẩn thận soạn từng phần cơm, sữa đưa cho anh Thành, anh Thịnh cùng 2 chiến sĩ trao đi. Tốt nghiệp Đại học đúng lúc dịch bùng phát, Nhi ở lại thành phố, tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch nhưng phải giấu gia đình ở Long An vì sợ cha mẹ lo lắng.

Bí thư Đoàn phường 7 Kiều Đặng Hoàng Anh gọi điện kiểm tra đơn hàng, kiểm kê số tiền sau từng ngày.

Hoàn thành công việc, cả nhóm về đến trụ sở UBND phường khi đồng hồ đã gần 19h. Hai chiến sĩ chào tạm biệt, đi bộ dưới mưa về nơi tập kết để ăn tối, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ trực chốt, đi tuần tra. Ở bên trong, tất cả cán bộ, viên chức của phường tiếp tục làm việc

Sau một ngày dài đi chợ hộ, giao hàng, thu tiền, Hoàng Anh, Bí thư đoàn phường, ngồi bệt xuống sàn, dựa lưng vào các bao gạo đang chất cao trong ủy ban ngồi nghỉ vài phút. Sau đó, chị bắt đầu kiểm tra lại toàn bộ đơn hàng đã giao, thống kê lại số tiền đã thu. Giao cả trăm đơn hàng giá trị từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng, người trả tiền mặt, người chuyển khoản qua ngân hàng, ví điện tử, cứ vài phút, Hoàng Anh lại gọi điện để đối chiếu.

Một người, nhiều việc, sáng đèn đến khuya

Động viên các thành viên tổ đi chợ hộ rà soát lại từng đơn, kiểm kê số tiền, bà Trần Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy phường 7, quận Bình Thạnh, cho biết phường đã tính đến sự phức tạp khi để người dân đặt hàng từng sản phẩm theo nhu cầu.

"Nếu tổ chức mua theo vài loại combo, công việc của chúng tôi sẽ nhẹ hơn nhiều, nhưng người dân lại khó chọn đúng ý", bà Trang nói.

Từ khi bắt đầu tuần siết chặt giãn cách, triển khai đi chợ hộ, bà Trang kể cán bộ, viên chức của tất cả cơ quan, đoàn thể trong phường chỉ có thể ngơi tay khi đồng hồ đã quá 22h. Còn đầu ngày, mọi người có mặt từ 6h để chuẩn bị bữa sáng cho lực lượng trực chốt. Nhiều người ở lại trụ sở 24/24h theo phương châm "3 tại chỗ".

Vừa nói chuyện, bà Trang liên tục kiểm tra điện thoại để xem có tin nhắn từ tổ xét nghiệm nhanh báo về thêm trường hợp F0 nào hay không. Đang xem tin nhắn thì điện thoại hết sạch pin, sập nguồn. "Ngày nào cũng gọi điện cháy máy, không kịp sạc", bà Trang vừa nói vừa vội tìm sạc dự phòng.

Địa bàn có hơn 11.000 dân, đến nay phường 7 phát hiện hơn 500 ca mắc Covid-19. Xác định tư tưởng nếu xét nghiệm nhanh hết toàn bộ phường, có thể sẽ phát sinh thêm F0, lực lượng càng nỗ lực chuẩn bị nguồn lực, các túi an sinh, lương thực, thực phẩm, Thu*c men để hỗ trợ người dân.

"Có người đi trao túi an sinh cho hộ khó khăn, sau đó tổ xét nghiệm báo về người nhận quà dương tính, vậy là cán bộ phường thành F1 đang tự cách ly trên tầng 3 của trụ sở. May là từ đầu dịch, chưa có cán bộ, công chức của phường thành F0", bà Trang chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy Phường 7 (quận Bình Thạnh) Trần Thị Thu Trang cũng tham gia trao lương thực, thực phẩm đến các hộ khó khăn.

Chỉ tay vào hàng trăm phần quà lương thực, thực phẩm trong trụ sở, bà Trang nói vui rằng toàn bộ cán bộ, viên chức của phường từ Bí thư, Chủ tịch đến dân quân ai cũng kiêm nhiệm thêm công việc bốc vác. Mỗi ngày, khi xe tải chở cả tấn hàng đến, phường phải huy động toàn bộ nhân lực ra để vác vào, sắp xếp lại, đóng gói.

Sân của UBND phường trở thành nơi tập kết rau củ do mạnh thường quân trao tặng. Những buổi chiều trời mưa lớn, nhân lực địa phương vẫn tranh thủ phân loại thành từng túi để kịp chuyển đến tay người dân. Dù che bạt, ai nấy vẫn ướt sũng.

Mỗi người đều kiêm nhiệm nhiều việc, làm việc không kể giờ giấc. Dân phòng trực chốt, phun khử khuẩn, giăng dây. Cán bộ văn phòng đi chợ hộ, trao túi an sinh. Trạm y tế lấy mẫu, xét nghiệm, phát Thu*c cho F0. Hội phụ nữ, Đoàn viên chuẩn bị rau củ, gói quà, nấu ăn. Ai có bằng lái ô tô thay nhau làm tài xế chở hàng. Ai giỏi ngoại ngữ làm thông dịch viên, mua Thu*c cho người nước ngoài

"Nhờ có thêm các chiến sĩ quân đội, quân y hỗ trợ nên chúng tôi đỡ nhiều việc. Từ lúc chống dịch, cán bộ phường ai cũng sút mấy ký, mặc áo quần rộng hơn nhiều", nữ Bí thư phường cười lớn.

Với chỉ thị "mỗi xã, phường của TPHCM là một pháo đài phòng chống dịch", không riêng bà Trang, hàng nghìn cán bộ cấp cơ sở của thành phố cùng với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội đang chạy đua với thời gian cùng mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước 15/9, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo Dân trí

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/bo-doi-di-cho-con-chua-biet-khi-nao-ve-chac-toi-khi-het-dich-623512.html)

Chủ đề liên quan:

bộ đội đi chợ đi chợ hộ dân

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY