Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bổ sung canxi: Đừng mất bò mới làm chuồng

Canxi để phòng ngừa loãng xương nhưng dùng muộn nó có thể khiến bạn “đèo bòng” thêm nhiều nguy cơ khác mà chẳng giảm bệnh loãng xương.

Ảnh minh họa

Canxi không trị loãng xương

Chị Nguyễn Thanh Mai (1411 Giáp Bát, Hà Nội), 47 tuổi, thường xuyên kêu đau lưng và bốc hỏa trong người. Bạn bè thân quen bảo rằng: Trời ơi, hội chứng tiền mãn kinh và thiếu canxi rồi, uống bổ sung sữa và thực phẩm giàu canxi ngay đi. Nhưng do các sản phẩm bạn bè giới thiệu đều có giá cao và cũng không thấy dấu hiệu sức khỏe nguy hiểm nên chị không dùng.

Cách đây 7 tháng, trong một lần té ngã trước bậc tam cấp tại nhà, bị gãy tay phải vào viện thì chị mới biết mình đã bị loãng xương. Kể từ đó, các sản phẩm bổ sung calci đứng chật trong tủ đồ, chạn bếp nhà chị: sữa cao canxi do người thân biếu tặng, viên uống bổ sung canxi do bạn bè cho, trà sữa xách tay cho xương chắc khỏe… Từ lúc gẫy tay và biết mình bị loãng xương, ngoài việc uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, chị tích cực đưa vào bữa ăn của gia đình nhiều cua, trứng, tôm… Thấy người ta quảng cáo nhiều loại sản phẩm cao canxi cho bệnh nhân loãng xương, chị cũng không tiếc tiền tìm mua.

Nhưng càng ngày chị thấy tình hình táo bón càng nặng kèm theo buồn nôn, chán ăn và lưng vẫn đau thường xuyên. Chị chú trọng uống bổ sung canxi hơn cả thuốc bác sĩ đã kê. Nhưng tái khám để điều trị bệnh loãng xương thì kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng canxi máu của chị quá cao do liều dùng bổ sung lớn và cơ chế chuyển hóa của chị đã bị rối loạn. Lúc này chị mới kinh ngạc: không phải cứ bổ sung canxi càng nhiều càng tốt, và điều quan trọng để khắc phục bệnh của chị là thực hiện đúng phác đồ điều trị (uống thuốc), chứ không phải uống thêm những sản phẩm cao canxi ngoài thị trường.

Không riêng chị Mai, nhiều người đã tin tưởng sữa, thực phẩm chức năng cao canxi là chìa khóa hy vọng để người ta chống lại loãng xương nên mọi người uống tùy tiện và cứ lớn tuổi là uống, có người còn nghĩ chỉ cần bổ sung nhiều calci là không bị loãng xương.

BS.CKII Nguyễn Mạnh Hải, Khoa Lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho hay, người bị bệnh loãng xương thì uống bổ sung canxi chỉ có tác dụng hỗ trợ, không có ý nghĩa điều trị, uống sớm thì có tác dụng phòng ngừa. Nguyên nhân vì bệnh nhân loãng xương có thể do bị rối loạn chuyển hóa canxi hoặc bệnh lý ở xương cần phải điều trị bằng thuốc tăng xương kết hợp thuốc chống hủy xương.

Nếu bị rối loạn chuyển hóa thì uống nhiều thêm nữa cũng không có tác dụng vào xương mà sẽ qua máu và đào thải ra nước tiểu. Nói một cách hình ảnh, canxi là một trong các nguyên liệu tạo xương (sản phẩm) còn cơ chế chuyển hóa mới là công nghệ để chế nguyên liệu ấy thành sản phẩm. Vì vậy bạn chớ lầm tưởng calci là tất cả.

Thừa canxi thêm bệnh

Thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm được quảng cáo là bổ sung canxi cho độ tuổi 45-50, không ít người vì lo lắng đã uống kết hợp nhiều loại cùng lúc từ viên bổ sung đến sữa, đến thực phẩm trong bữa ăn. Hiện tượng dư thừa canxi hấp thu vào hoặc cao calci trong máu (do chuyển hóa kém) sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác là mệt mỏi, táo bón, buồn nôn, đau cơ, mất nước, tim mạch, hôn mê. Nếu người uống bổ sung có thận kém thì còn tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Lượng calci máu cao trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa.

Vì vậy, bác sĩ Hải khuyên, bệnh nhân loãng xương khi bổ sung canxi cần có sự tư vấn của chuyên gia để xác định liều lượng hợp lý. Bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh, các sản phẩm cao canxi trên thị trường là tốt nhưng nếu trẻ nhỏ dùng thì sẽ hấp thu tốt hơn các thành phần trong sản phẩm, với người lớn tuổi, cơ chế hấp thu đã bị lão hóa theo tự nhiên nên tác dụng ít hơn, còn với bệnh nhân (đặc biệt người bị rối loạn chuyển hóa calci) thì dùng các sản phẩm này càng ít tác dụng hơn nếu không đi kèm phác đồ điều trị. Vì vậy bạn hãy dùng các loại bổ sung ngay khi tuổi còn trẻ.

Trước độ tuổi 20, cơ thể có sự tích xương cao nên cần nhiều canxi nhất và lượng calci uống vào sẽ được chuyển hóa tốt nhất.

Khoảng 20-30 tuổi là giai đoạn tích xương để đạt được độ đậm xương tối đa; tiêu thụ canxi giai đoạn này sẽ quyết định mức độ loãng xương khi về già.

Ở khoảng 30-40 tuổi, quá trình tạo và hủy xương gần như cân bằng, nếu canxi cung cấp đủ ở thời gian này sẽ giảm được mức loãng xương.

Sau tuổi 40, quá trình hủy xương tự nhiên sẽ mạnh hơn nên việc bổ sung canxi đủ hàm lượng cần đi liền với việc hạn tế bào hủy xương.

Tuy nhiên, trẻ chuyển hóa canxi trong các sản phẩm tốt nhất nhưng không nên dùng quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng xương quá đặc và sạn thận.

Để hấp thu canxi tốt

- Liều lượng bổ sung không quá 1500mg/ngày

- Canxi trong thực phẩm ít gây ra hiện tượng táo bón, mệt mỏi hơn canxi bổ sung dưới dạng viên.

- Hàm lượng canxi hấp thu được phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như hàm lượng vitamin D, protein, hormone sinh dục, sức vận động. Vì vậy, bạn nên tắm nắng để có thêm vitamin D hoặc uống bổ sung vitamin D kết hợp đồng thời phải bổ sung protein hợp lý với trọng lượng cơ thể.

- Canxi có ảnh hưởng lên niêm mạc dạ dày. Vì vậy, bạn nên uống thành nhiều bữa trong ngày, uống trước bữa ăn.

Bình Minh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/bo-sung-canxi-dung-mat-bo-moi-lam-chuong-11714/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY