Khi đôi mắt bị tổn thương, cho dù là nặng hay nhẹ đều cần được điều trị tích cực, nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến tầm nhìn. Nhận diện các bệnh thường gặp về mắt sau đây sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa, từ đó duy trì và bảo vệ đôi mắt luôn sáng khỏe.
1. Cận thị
Cận thị là tật khúc xạ thường gặp nhất ở mắt, và trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Mặc dù nguyên nhân chính xác của sự tăng nhanh tỷ lệ người mắc tật cận thị trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhiều bác sĩ nhãn khoa cho rằng nó có liên quan đến việc tình trạng mắt mệt mỏi do sử dụng máy tính và các công việc nhìn gần kéo dài khác hoặc do di truyền.
Triệu chứng: Nếu bị tật cận thị, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi nhìn các vật khác ở xa, nhưng có thể nhìn thấy rõ các vật ở gần. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của mắt cận thị bao gồm nheo mắt, căng mắt và nhức đầu. Cảm thấy mệt mỏi khi lái xe hay khi chơi thể thao cũng có thể là triệu chứng của chứng cận thị.
Cách khắc phục: Tật cận thị có thể chữa trị bằng cách đeo kính có gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Chọn kính cận tốt nên có tròng kính có độ chiết suất cao (giúp kính mỏng hơn và nhẹ hơn) và có lớp chống lóa. Ngoài ra, nên chọn lựa kính quang học tự đổi sang màu sẫm hơn khi ra nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng xanh có hại, cũng như tiết kiệm chi phí cho kính mát. Phẫu thuật khúc xạ có thể giúp giảm hoặc thậm chí là giúp bạn không cần đeo kính. Thủ thuật phổ biến nhất là phẫu thuật thực hiện với Laser Excimer.
2. Đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.
Triệu chứng: Những triệu chứng thường gặp nhất là:
- Nhìn mờ
- Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn.
- Màu có vẻ nhạt hơn.
- Ban đêm thị giác kém hơn.
- Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.
- Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Cách khắc phục: Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.
3. Quáng gà
Bệnh quáng gà là tình trạng bệnh lý ở mắt có thể nhìn kém, không nhìn thấy rõ vào buổi tối hay những nơi thiếu ánh sáng. Bệnh quáng gà thường gặp ở những người thiếu Vitamin A trong khẩu phần ăn hàng ngày, có ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Triệu chứng: Thường thì rất khó phát hiện ra người bị bệnh quáng gà, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì người bị bệnh quáng gà vẫn sinh hoạt bình thường vào ban ngày hay trong môi trường đủ ánh sáng, chỉ khi khi chiều xuống hay về đêm thiếu ánh sáng thì họ mới trở lên chậm chạp, vụng về, hay ngã, hay gây ra đổ vỡ khiến mọi người chỉ nghĩ là họ hậu đậu, không cẩn thận.
Cách khắc phục:
- Cận thị, đục thủy tinh thể, thiếu vitamin A… đều là nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng quáng gà, trong trường hợp này các bác sỹ có thể giúp bạn khắc phục bằng thuốc hoặc 1 số can thiệp phẫu thuật.
- Nhưng có một số người gặp phải tình trạng quáng gà là do di truyền hoặc do sự thoái hóa sắc tố võng mạc, hầu hết những người bệnh này không thể điều trị được và tỷ lệ mù lòa vĩnh viễn là rất cao. Mọi sự can thiệp của y học cũng chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng, hy vọng làm chậm sự tiến triển của bệnh. Người bệnh có thể được dùng vitamin A Palmitat với liều 15.000 đơn vị/ngày theo đường uống. Tuy nhiên, uống vitamin A kéo dài cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể, gây độc cho gan.
4. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp, hay còn gọi là cườm nước, là bệnh lý ở mắt xảy ra khi áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng cao tạo áp lực lên mắt. Bệnh sẽ làm tổn hại đến các dây thần kinh mắt và gây mù lòa.
Có 4 loại tăng nhãn áp chính: tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng, tăng nhãn áp bẩm sinh và tăng nhãn áp thứ cấp. Trong đó, tăng nhãn áp góc mở là bệnh phổ biến nhất.
Triệu chứng: Các loại tăng nhãn áp khác nhau sẽ có những triêu chứng và dấu hiệu khác nhau.
- Tăng nhãn áp góc mở: thường không có triệu chứng rõ ràng;
- Tăng nhãn áp góc đóng: mắt bị sưng và có thể cảm thấy đau đột ngột hoặc dữ dội. Mắt nhìn không rõ, cảm giác chói mắt, luôn cảm giác như có lớp màng che trước mặt. Người bệnh đôi khi sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Tăng nhãn áp bẩm sinh: mắt của bé có 1 lớp màng mờ, mắt đỏ, bé nhạy cảm với ánh sáng;
- Tăng nhãn áp thứ cấp: có các triệu chứng tương tự như các trường hợp trên.
Cách điều trị: Tăng nhãn áp không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào dạng tăng nhãn áp mà bạn được bác sĩ chẩn đoán. Có thể sử dụng một trong các phương pháp sau như dùng thuốc, trị liệu bằng tia laser hoặc phẫu thuật.
5. Thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng (THĐV) là một bệnh ảnh hưởng đến hoàng điểm, bộ phận của mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy chi tiết hình ảnh. Người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày có đòi hỏi thị lực trung tâm, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe.
Triệu chứng: Triệu chứng của bệnh THĐV là bị mờ thị lực trung tâm. Do đó, bệnh thường có dấu hiệu giảm thị lực khi đọc sách, lái xe hay làm những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác, hình ảnh trung tâm bị mờ, méo mó, biến dạng. Bệnh có thể xuất hiện ở cả hai mắt, ban đầu có thể bệnh xuất hiện ở một mắt trước.
Cách khắc phục
- Ở giai đoạn sớm: Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, việc bổ sung đầy đủ các chất chống ôxy hóa như vitamin A, E, Lutein, Zeaxanthin, Kẽm mỗi ngày có thể làm giảm 25% nguy cơ mất thị lực do thoái hóa điểm vàng và phòng ngừa những bệnh lý khác về mắt như bệnh đục thủy tinh thể, đục dịch kính, khô mắt...
- Ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị như: Phẫu thuật laser bằng cách sử dụng một chùm tia sáng nhỏ phá hủy các mạch máu bất thường hoặc đang bị rò rỉ trong mắt. Hoặc liệu pháp quang động là dùng ánh sáng kích hoạt một loại thuốc được tiêm vào cơ thể để tiêu diệt những mạch máu bị rò rỉ. Một số thuốc có thể giúp ngăn chặn các mạch máu mới hình thành bằng cách tiêm trực tiếp vào mắt, tuy nhiên phương pháp này có thể gây đau trong một thời gian nhất định.
Hoài Nguyễn
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: