Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Các chuyên gia khuyến cáo, 5 đối tượng sau đây nên hạn chế bộ môn chạy bộ

Chạy bộ luôn được đánh giá là môn thể thao tối ưu, vừa giúp duy trì vóc dáng lại có thể nâng cao sức khoẻ. Nhưng dù tốt là thế, các chuyên gia vẫn cảnh báo bộ môn này không hoàn toàn phù hợp với mọi đối tượng, nhất là với 5 nhóm người sau đây.

Chạy bộ là môn thể thao có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mỗi người. Nó không chỉ giúp phòng chống bệnh tật và cải thiện sức khỏe tim mạch, thúc đẩy tuần hoàn não, tốt cho tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ giảm cân, làm săn chắc cơ thể, và giảm stress.

Tuy nhiên, theo như khuyến cáo của các chuyên gia y tế, sẽ có những nhóm đối tượng không nên chạy bộ. Do nó không chỉ khiến cơ thể họ suy nhược, bệnh tình thêm trầm trọng mà còn có thể gây tử vong trong 1 số trường hợp.

5 nhóm đối tượng tuyệt đối nên hạn chế việc chạy bộ

1. Nhóm người béo phì

Chạy bộ có thể là một giải pháp giúp người béo phì có thể giảm cân hiệu quả, vì 30 phút chạy có thể giảm tới 660 calo, gấp đôi so với 30 phút đi bộ. Nhưng về mặt sức khoẻ, thể thao chạy bộ không phải lựa chọn an toàn và tốt nhất cho nhóm đối tượng này.

Lý do là trong quá trình chạy bộ diễn ra, đôi chân của người béo phì sẽ phải chịu áp lực vô cùng lớn. Theo đó, việc duy trì thời gian chạy bộ để giảm cân trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể phải chịu áp lực nặng nề, đặc biệt là phần khung xương của đôi chân. Điều này gây ra tình trạng đau các khớp gối, chân nhức mỏi kéo dài thậm chí có thể gây gãy xương đầu gối.

Người béo phì khi chạy bộ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến xương khớp chân, thậm chí gãy xương đầu gối (Ảnh: Internet)

Để vừa giúp cho người thừa cân - béo phì có thể giảm cân hiệu quả, vừa bảo đảm được phần xương khớp của nhóm đối tượng này, các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên bắt đầu vận động bằng các bài tập đơn giản, kết hợp đi bộ và đi bộ nhanh. Khi số cân đã giảm được phần nào và phần xương cũng quen với việc vận động thường xuyên thì hãy chuyển sang chạy bộ.

2. Nhóm người đái tháo đường

Theo như khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, người mắc bệnh lý như đái tháo đường đã tiêm insulin thì cần phải hạn chế chạy bộ, và tuyệt đối không được chạy bộ khi bụng đói vì có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết.

Ngoài ra, người bị đái tháo đường nặng nhưng chưa tiêm insulin hoặc người bị sốt cao do viêm nhiễm cũng tuyệt đối không được chạy bộ, vì khi lượng insulin trong máu hạ thấp thì phải sử dụng năng lượng từ tế bào lipid để bổ sung, làm bài tiết ra nhiều ketal có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc máu.

3. Nhóm người mắc bệnh tim

Chạy bộ được biết là biện pháp tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt, nếu hình thành thói quen chạy bộ cường độ nhẹ thường xuyên sẽ có tác dụng phòng chống và cải thiện các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, với những người mắc các bệnh lý tim mạch thì lại được chống chỉ định với bộ môn chạy bộ. 

Do trong quá trình chạy, áp lực sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của tim, gây quá tải và tạo gánh nặng lên tim, có thể làm nhồi máu cơ tim ở người bệnh mạch vành, hoặc làm nặng hơn tình trạng suy tim. Không những thế, khi nhiệt độ cơ thể nóng lên sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực, khiến cho huyết áp dao động không ổn định và khởi phát cho những cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.

Vì thế, để đảm bảo sức khỏe của bản thân, nhóm người mắc bệnh tim chỉ nên vận động nhẹ nhàng bằng việc đi bộ, đi bộ nhanh hoặc cái bài tập dưỡng sinh, các bài quyền lưu thông khí huyết. Nếu yêu thích và muốn chạy bộ, người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia để có lộ trình luyện tập phù hợp.

Nhóm người mắc bệnh tim mạch không nên luyện tập chạy bộ do các áp lực có thể vượt quá khả năng chịu đựng của tim (Ảnh: Internet)

4. Nhóm người thoát vị đĩa đệm

Khi bạn bị thoát vị đĩa đệm mà luyện tập chạy bộ thì có thể khiến trọng lượng cơ thể dồn vào chân và thắt lưng, tình trạng này sẽ gây ra căng thẳng tới đĩa đệm. Nghiêm trọng hơn cả, chạy bộ còn có thể làm tăng mức độ phát nặng ở triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng của người mắc bệnh.

Nếu như người bệnh vẫn muốn luyện tập bộ môn thể thao này dù đang bị thoát vị đĩa đệm, thì họ cần phải tham khảo các ý kiến của chuyên gia trước về tình trạng bệnh lý và nhờ hỗ trợ xây dựng các bài tập chạy vừa sức, không gây nguy hiểm tới sức khỏe cũng như làm ảnh hưởng đến chứng bệnh.

5. Nhóm người cao tuổi

Cũng có không ít người nhầm lẫn rằng chạy bộ sẽ phù hợp với tất cả mọi người, kể cả đối tượng người cao tuổi. Nhưng thực tế thì người cao tuổi không nên chạy bộ, bộ môn phù hợp với họ nên là đi bộ hoặc đi bộ nhanh.

Từ 60 tuổi trở đi thì cơ thể con người đã xuất hiện sự lão hóa ở các hệ thống cơ bắp, dây chằng khiến chúng không còn đàn hồi tốt. Vì vậy, chạy bộ với người cao tuổi có thể làm tổn thương cơ bắp, dây chằng. Theo thời gian, người cao tuổi khi chạy bộ còn có thể gây ảnh hưởng đến xương khớp, xương chân và thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Người cao tuổi nên lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe bằng cách đi bộ. Nếu vẫn muốn chạy bộ thì chỉ nên chạy ở cường độ thấp, phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản thân. 

Lưu ý, thời gian chạy bộ tối đa của người cao tuổi là từ 20 đến 30 phút mỗi ngày. (Ảnh: Internet)

Một số điều trong chạy bộ mà bạn nên lưu ý

So với các môn thể thao cường độ nặng đòi hỏi sức bền cao thì chạy bộ thuộc loại an toàn, ít rủi ro và cũng dễ tập luyện nhất. Do đó, mọi người thường có tư tưởng chủ quan, nghĩ rằng chạy bộ là môn thể thao an toàn tuyệt đối. Nhưng gần đây, tỷ lệ người bị chấn thương vì chạy bộ càng lúc càng tăng cao, cho thấy chạy bộ không hoàn toàn an toàn như bạn nghĩ. Để hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện chạy bộ, sau đây là một số điều mà mọi người cần lưu ý: 

1. Không bỏ qua các bước khởi động: Chấn thương khi chạy bộ là hệ quả của việc thường bỏ qua các bài tập khởi động, giãn cơ. Vì thế trước khi chạy, bạn nên làm một vài động tác làm nóng người, như: xoay nhẹ các khớp, thực hiện động tác ép gối hoặc chạy vài bước nhỏ để cơ thể quen dần là có thể hạn chế chấn thương.

2. Không ép mình chạy nhanh: Hiểu rõ về mức độ chịu đựng của cơ thể, sau đó tìm được cách chạy bộ phù hợp mới là điều quan trọng nhất trong thể thao chạy bộ, nhằm tránh rủi ro chấn thương vừa giúp tăng cường sức khoẻ. Không nên ép mình chạy quá nhanh vì nó có thể khiến bạn bị mất sức, căng cơ, đau nhức hay làm bạn bị thương. Chỉ khi đã dần quen với tốc độ hiện tại thì mới tăng thêm tốc độ, nhưng tuyệt đối không tăng đột ngột vì có thể gây ra tình trạng ép tim.

3. Bổ sung nước cho cơ thể: đây chính là điều cực kỳ quan trọng mà người chạy bộ phải ghi nhớ. Nước sẽ giúp tăng cường khả năng điều chỉnh nhiệt độ mà cụ thể là hạ nhiệt hiệu quả, không làm tăng nhịp tim, giảm thiểu tình trạng chuột rút cơ bắp, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi nhanh của cơ thể sau khi chạy bộ. 

Bài viết trên đây nói về 5 đối tượng cần phải hạn chế bộ môn chạy bộ nếu không muốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm được nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe để bạn xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cac-chuyen-gia-khuyen-cao-5-doi-tuong-sau-day-nen-han-che-bo-mon-chay-bo-35910/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY