Theo nghiên cứu mới đây của Trung Quốc, các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở vẫn ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân 1 năm sau khi phải nhập viện vì căn bệnh này.
Ảnh: ResponsumHealth
Ðây là nghiên cứu trên quy mô lớn nhất về tình trạng được gọi là “Long COVID”, nhằm hiểu rõ hơn về các tác động lâu dài của COVID-19 với người mắc phải. Nghiên cứu, được đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh, cho biết một nửa số bệnh nhân vẫn phải chịu đựng ít nhất 1 triệu chứng (hầu hết là mệt mỏi hoặc yếu cơ) kéo dài 12 tháng sau khi ra viện. Khoảng 1/3 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện khó thở trong thời gian đó. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các bệnh nhân bị nặng hơn.
The lancet nhận định: “vì không có Thu*c điều trị dứt điểm hay hướng dẫn phục hồi, long covid tác động đến khả năng con người có thể nối lại cuộc sống bình thường và trở lại làm việc. nghiên cứu cho thấy nhiều bệnh nhân phải mất hơn 1 năm để bình phục hoàn toàn”.
Cụ thể, các chuyên gia đã theo dõi gần 1.300 người phải nhập viện vì COVID-19 từ tháng 1-5/2020 tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, nơi đầu tiên bị tác động của đại dịch này. Số bệnh nhân được quan sát có ít nhất 1 triệu chứng đã giảm từ 68% sau 6 tháng xuống còn 49% sau 12 tháng. Hiện tượng khó thở tăng từ 26% sau 6 tháng lên 30% sau 12 tháng. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới 43%, liên quan đến các triệu chứng mệt mỏi, yếu cơ kéo dài và gấp đôi về các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm. Nhưng 88% bệnh nhân đã có thể quay lại làm việc sau 1 năm.
Nghiên cứu trên đã bổ sung vào nghiên cứu trước đó từng khiến chính quyền nhiều nước cảnh báo sẽ phải chuẩn bị hỗ trợ lâu dài cho các nhân viên y tế và bệnh nhân mắc COVID-19.
Bài báo của The Lancet kết luận rằng “Long COVID là một thách thức y tế số 1 thời hiện đại”, đồng thời kêu gọi nghiên cứu thêm để hiểu rõ các điều kiện và cách thức chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng của COVID-19.
Bích Liên (TTXVN)