Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cách bảo quản và lưu trữ thực phẩm đúng cách không gây ung thư

Thông thường bạn chỉ chú ý và việc lựa chọn thực phẩm mà không quan tâm nhiều đến cách bảo quản và lưu trữ thực phẩm đúng cách và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Việc bảo quản thực phẩm không cẩn thận có thể gây nên nhiều tác hại nguy hiểm mà bạn không ngờ tới.

Trong những thói quen bảo quản và lưu trữ thực phẩm hằng ngày, đôi khi chúng ta vô tình mắc phải rất nhiều sai lầm nguy hại mà chúng ta không hề biết. Những thói quen này có thể khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn, thậm chí là chất độc gây nên nhiều bệnh nguy hiểm.

Những cách bảo quản và lưu trữ thực phẩm đúng cách dưới đây sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm này:

Không đựng thực phẩm bằng hộp xốp

Hộp xốp đang dần trở thành vật dụng để đựng thức ăn phổ biến nhất bởi tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi sử dụng hộp xốp để đựng các loại thức ăn nóng, chất độc có tên monostyren trong loại hộp xốp sẽ giải phóng, ngấm vào thực phẩm. Chất độc này ảnh hưởng đến gan, thận, lâu dần có thể phát triển thành bệnh ung thư.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi cần mua thức ăn, đặc biệt là các loại thức ăn nóng, bạn nên mang theo hộp thủy tinh để đựng, bởi hộp thủy tinh được cho là vật dụng an toàn nhất để đựng các loại thực phẩm.

Đựng thực phẩm bằng hộp xốp có thể gây ung thư

Không dùng đồ nhựa dùng một lần

Các loại hộp nhựa dùng một lần cũng được xem như vật dụng đựng thức ăn tiện dụng và tiết kiệm, nên nó được sử dụng khá rộng rãi. Nhưng xét dưới góc độ khoa học, các loại hộp nhựa này lại không hề an toàn.

Hộp nhựa dùng một lần được sản xuất từ loại nhựa Polystyrene (viết tắt là PS), chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao đều có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Styrene là chất gây ung thư, chúng rất dễ xâm nhập vào cơ thể, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh, ảnh hưởng đến nồng độ máu.

Vì vậy, khi mua thức ăn, bạn nên hạn chế dùng các loại hộp nhựa dùng một lần, nếu cần thiết thì nên mang theo hộp thủy tinh để đựng vì đây là vật dụng đựng thức ăn an toàn nhất.

Không đựng thực phẩm bằng túi nilong

Túi nilon là vật dụng quen thuộc nhất để đựng hầu hết các sản phẩm hằng ngày. Hầu như khi đi chợ, đi siêu thị, mua hàng ở quán ăn, các loại thức ăn đều được cho vào các túi nilong để dễ dàng vận chuyển và lưu trữ.

Tuy nhiên, không phải loại túi nilong nào cũng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Túi nilong được chứng nhận đảm bảo an toàn là túi PE hoặc nhựa PP, nhưng vì giá thành đắt nên ít khi nào người bán lựa chọn loại túi này, thay vào đó là những loại túi không rõ nguồn gốc, có thể ẩn chứa nhiều mầm mống gây bệnh. Nếu đựng thức ăn nóng, những chất phụ gia có trong những loại bao nilong này sẽ ngấm vào thực phẩm và tăng nguy cơ mắc ung thư.

Để sử dụng túi nilong an toàn, bạn nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Đồng thời, nên hạn chế sử dụng túi nilong để đựng thức ăn nóng, chua, cay...

Không tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh

Nếu bạn tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, không khí bên trong không thể lưu thông sẽ làm cho nóng lên và tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Vì thế, bạn nên sắp xếp thực phẩm họp lý và loại bỏ những loại thức ăn đã quá hạn.

Trong trường hợp không thể giảm bớt số lượng thực phẩm cần lưu trữ, bạn hãy chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo không khí bên trong luôn giữ cho thực phẩm tươi xanh.

Tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnhcó thể tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển

Không trữ thức ăn nấu chín trong tủ lạnh quá lâu

Đối với các loại thức ăn còn thừa, đa số mọi người đều có thói quen cất thức ăn cũ trong tủ lạnh dùng dần. Mặc dù việc làm có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bữa ăn trong gia đình, nhưng chúng lại có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Thức ăn còn thừa nếu lưu trữ trong tủ lạnh cẩn thận có thể phát sinh vi khuẩn, và lây nhiễm sang các loại thực phẩm khác.

Để bảo quản và lưu trữ thực phẩm đúng cách đối với các loại thức ăn thừa, bạn nên cho thức ăn vào hộp kín, đậy nắp thật cẩn thận để mùi không bị ám vào tủ lạnh và hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.

Không bảo quản khoai lang, khoai tây và hành tây trong tủ lạnh

Khoai tây khi được bảo quản trong tủ lạnh thì tinh bột của chúng sẽ bị chuyển hóa thành đường. Trong quá tình chế biến, đường từ khoai tây kết hợp với axit amin asparagin tạo thành hợp chất hóa học Acrylamide, một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.

Khoai tây, khoai lang và hành tây, nếu được cất giữ gần nhau trong tủ lạnh thì chúng sẽ nhanh hỏng và nhanh thối hơn, do sự tương tác khí giữa chúng. Tốt nhất bạn nên tách riêng ba loại củ này và bảo quản ở môi trường bình thường, bởi chúng hoàn toàn có thể sống ở nhiệt độ bình thường rất tốt mà không cần tủ lạnh.

Không để thịt quá lâu trong tủ lạnh

Mặc dù thời hạn để lưu trữ các loại thịt trong tủ lạnh có thể lên đến nhiều tháng, nhưng theo các chuyên gia, bạn không nên lưu trữ thịt quá một tuần.Còn nếu để trong ngăn mát thì chỉ nên 2 ngày.

Với thịt đã qua chế biến thì có thể để được 3-5 ngày. Thịt lưu trữ quá lâu trong tủ lạnh sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng, mất đi độ ngon và cũng có thể phát sinh vi khuẩn nguy hiểm.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên làm đông đá thịt sau khi ra đông. Cách làm rất nguy hiểm bởi nó có thể làm số lượng vi khuẩn tăng lên gấp nhiều lần.

Sau khi biết được những cách bảo quản và lưu trữ thực phẩm đúng cách trên đây, bạn nên thay đổi thói quen của mình sớm nhất có thể để bảo vệ sức khỏe. Chỉ cần cẩn trong hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cũng như cách bảo quản, lưu trữ chúng, bạn sẽ hạn chế được rất nhiều khả năng mắc phải các bệnh nguy hiểm và ngăn ngừa tối đa khả năng mắc ung thư.

Hoàng Oanh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cach-bao-quan-va-luu-tru-thuc-pham-dung-cach-khong-gay-ung-thu-26157/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY