Cầm bài kiểm tra toán với điểm 6 trên tay, Mỹ Vân (học sinh lớp 12, trường PTTH Quang Trung, Hà Nội) thoáng rùng mình khi nghĩ đến cái bĩu môi dài thượt và những lời đay nghiến, chì chiết của mẹ. Thể nào mẹ chả lại nói “Cũng được ăn ngon mặc đẹp như người mà sao lại kém cỏi thế” cho mà xem.
Điệp khúc kiểu “Chúng nó thế nọ, thế kia mà mình chỉ được có thế này” của mẹ, Vân nghe nhiều quá hóa thuộc lòng, thuộc đến nỗi khiến em ngao ngán và bất cần. Cái cảm giác tủi thân, xấu hổ vì “bị” so sánh với bạn bè cùng trang lứa đã theo em từ lúc nào em cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ từ khi còn bé lắm, chắc chỉ độ 4, 5 tuổi thôi.
Từ nỗi khổ của “còi”
Ngày đó Vân có biệt danh là “Vân kẹo” (vì còi hơn hẳn các bạn cùng lớp mẫu giáo). Đã thế lại còn hay ốm quặt, ốm quẹo, thành thử lúc nào trông cũng như con nhái bén. Lúc bình thường đã đành, chứ sau mỗi trận ốm, nhìn con gầy rộc, mẹ xót con cứ rít lên “Sao cũng ăn cơm, ăn gạo như con nhà người ta, có phải bố mẹ không bồi dưỡng, tẩm bổ đâu mà nay ốm, mai đau, làm xấu mặt bố mẹ, đi đâu người ta cũng bảo bố mẹ ăn hết phần con cái”.
Rồi ai đến nhà chơi lỡ chả may buột mồm chê Vân hơi còi là y như rằng “chọc” đúng “tổ kiến lửa”. Lại tiếp tục những lời than vãn không biết mệt mỏi như đẩy hết trách nhiệm không được “to khỏe béo bụ” (như đứa khác) sang phía Vân. Công nhận, mẹ cũng chịu khó tẩm bổ cho nó lắm. Nào là sữa nội, sữa ngoại, các món ăn- bài thuốc gia truyền, cao, sâm đủ kiểu… có thua kém ai đâu nhưng khổ nỗi đổ vào người nó cứ như “tiền vào nhà khó”, chả ăn thua gì.
Con bé con mới tí tuổi đầu nhưng suy nghĩ đã “người lớn” lắm. Như biết lỗi, nó cố cam chịu thân phận “vịt nhồi” để mẹ vui nhưng cũng không kham nổi tần suất thay đổi thực đơn đến chóng mặt của mẹ. Cứ hễ nghe mẹ cái Loan, cái Như, cái Huệ, cái…. (bạn cùng lớp mẫu giáo với Vân) khoe chúng nó tăng được bao nhiêu cân là ruột gan mẹ như rối tung lên, rồi về nhà mẹ lại “nhồi” vào nó bằng tất tần tật sơn hào hải vị mà mẹ phải mất công hỏi han, tìm kiếm mới được.
Chỉ khổ cho cái dạ dày của nó, chưa kịp tiêu hóa hết món này đã lại phải “chiến đấu” ngay với món khác, vậy mà cũng không xuể, nên bất đắc dĩ phải “biểu tình”. Nó bị rối loạn tiêu hóa suốt một tuần liền, bố mẹ cuống cuồng thuốc Đông, thuốc Tây cũng chả khỏi, cuối cùng phải đưa nó vào viện. Bác sĩ khám xong thì xạc cho bố mẹ nó một trận vì cái “tội” tẩm bổ quá nhiều mà không cần biết có đáp ứng đúng và đủ với nhu cầu của con hay không.
Sau lần ấy, mẹ cũng “đối xử” với cái dạ dày của nó nhẹ tay hơn, bởi mẹ xác định tạng người nó đã như vậy, có muốn béo tốt như con nhà người cũng không thể được. Nhưng, nó biết mẹ vẫn ngầm ao ước “giá như…” khi nhìn thấy con nhà hàng xóm, con bác cùng công ty hay bất cứ đứa nào mẹ gặp trên đường. Là mẹ không biết đấy thôi, chứ trái tim vốn nhạy cảm của nó cũng tủi thân lắm khi cô chủ nhỏ bất lực, một phần vì “hoài công mẹ chăm bẵm”, phần vì thiếu tự tin khi đứng cạnh những đứa to lớn hơn.
Ảnh minh họa |
… đến nỗi thất vọng vì bố
Biết không thể cải thiện được vóc dáng, nó quyết tâm sẽ “ghi điểm” bằng nỗ lực học hành. Nó vốn là đứa thuộc diện chăm chỉ, cần mẫn nhất lớp kể từ bé đến lớn. Chưa khi nào nó quên làm bài tập cô giao về nhà, ngay cả khi ham vui với chúng bạn. Ngoài ra, nó còn mày mò tìm hiểu, ghi chép, áp dụng những bí quyết học giỏi của các anh chị năm trên. Nó cũng không quên hoàn thiện mình thành cô bé ngoan ngoãn, dịu dàng, đảm đang nội trợ và thân thiện với mọi người.
Thế nhưng, chưa khi nào bố mẹ hài lòng với kết quả mà nó đạt được. Khi nó lọt vào top 10 của lớp, bố nó lại muốn nó ở top 5. Tuy nó nấu nướng cũng khá và rất chịu khó đọc sách hướng dẫn để làm được món ngon nhưng mẹ vẫn bảo “phải được như con bác Hằng ở cơ quan mẹ ấy, một mình nó có thể nấu được bữa cỗ cho 20 người” (thực tế thì chị ý đang học lớp Trung cấp nấu ăn và làm phụ bếp trong khách sạn).
Còn khi nó ngẫu hứng làm thơ, vẽ tranh thì mẹ lại bảo nó “phù phiếm, thiếu thực tế”, “phải như chị Xuân con bác cả nhà mình ý, biết vẽ tranh kiếm tiền từ khi còn bé tí, chứ vẽ vời kiểu như nó thì chỉ tổ tốn công phí sức mà thôi” (chị này chỉ được cái vẽ đẹp chứ học hành, nội trợ thì dở òm!)… Rồi nhiều nhiều lắm những “chị X, Y, Z” nào đó mà mẹ nó mang ra làm tấm gương, nhưng với nó thì chả khác nào những thành trì vững chắc mà nó dù có cố hết sức cũng không thể vượt qua.
Nhưng, nó vẫn không nản chí. Nó quyết phải dành được ưu thế trong mắt bố mẹ về một lĩnh vực nào đó, như học tập chả hạn. Thế là nó lại lao đầu vào “dùi mài kinh sử”. Sau bao nhiêu nỗ lực, kì học cuối năm lớp 11 nó vươn lên top 5 của lớp và đoạt giải ba Toán cấp thành phố. Nó vẫn nhớ như in ngày nó cầm kết quả học tập về để “khoe” với bố (chết nỗi, từ sau vụ vẽ vời, nó cứ bụng bảo dạ từ giờ trở đi không “thèm” khoe gì với bố mẹ nữa mà phải cái tính hay quên…). Nhưng đáp lại vẻ hân hoan không giấu được của nó là cái nhếch môi và câu nói như xát muối của bố: “Đã ăn thua gì đâu. Mới thế mà đã vội vui mừng hả. Con nhà người ta còn dẫn đầu toàn trường, còn được hẳn giải quốc gia, quốc tế ý chứ, con phải cố gắng nhiều, con phải…”
Bố còn nói nhiều, nhiều lắm nhưng nó không còn tâm trạng nào mà nghe nữa. Tai nó ù đi, mặt nó nóng bừng, cổ họng nghẹn đắng. Nó căm ghét cái điệp khúc “con người ta” mà nó đã từng nghe hàng ngàn vạn lần mà chưa một lần phản ứng lại. Giờ thì nó mặc kệ tất cả, kì thi đại học sắp tới, những dự định về tương lai… Lần đầu tiên nó khóc trước mặt bố.
La Giang
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: