Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

“Cải tạo” chồng… lười

Có những người đàn ông “nhàn vi” ngay chính trong ngôi nhà của mình bởi tính cách, cũng có khi bởi chính những người phụ nữ “tiếp tay” cho họ. Làm cách nào để thay đổi được “tình thế”

Vợ quần quật, chồng thảnh thơi

Lấy nhau được 2 năm, cuối cùng vợ chồng chị Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng có ngôi nhà của riêng mình. Hạnh phúc vì có không gian riêng chưa được bao lâu, chị lại than vắn thở dài bởi ông chồng… lười biếng. Mà nào phải chị không nhận ra điều đó, từ khi lấy nhau về chị đã “ngờ ngợ”, tuy nhiên ở cùng nhà bố mẹ chồng, việc gì mẹ chồng cũng tranh làm thành ra chị ít khi để ý đến thái độ của chồng. Mãi khi ra ở riêng, việc cơ quan việc nhà cửa bếp núc và cả ngàn việc không tên khác nhưng chẳng thấy chồng chia sẻ chút gì, chị mới giật mình.

Nhiều lúc đi làm về, chưa kịp thay đồ, chị đã vội đổ đống đồ chơi ra cho con tự chơi rồi tất bật nấu cơm, lặt rau. Anh Minh, chồng chị, cứ tắm rửa rồi ngồi trước ti vi đợi vợ dọn cơm lên. Cơm nước xong, anh cũng không rời mắt khỏi ti vi vì đã đến giờ xem thời sự... Kêu anh giúp việc này việc nọ thì viện cớ đau đầu, đau lưng, “Nhiều lúc tôi góp ý thì anh ấy cau có, gắt gỏng, cho rằng đàn bà làm tí việc nhà đã than” riết chị chẳng muốn lên tiếng nữa.

Cũng trong cảnh có chồng “nhàn vi” là chị Thanh Hương (quận 6, TP.HCM). Có điều, nguyên nhân không phải do chồng chị không muốn làm mà do hậu đậu nên anh đụng đâu hỏng đó, lại hay đổ vỡ. Còn tính chị Hương lại cầu toàn, ưa sạch sẽ. Thế là chị nhất định không cho chồng làm gì, cứ thấy anh lượn lờ gần cửa bếp là vợ lại đuổi quầy quậy. Cuối cùng, chị Hương mãi cứ ca điệp khúc “số khổ” vì ôm đồm hết mọi việc.

Ảnh minh họa

Tại anh hay tại “ả”?

Ngập đầu trong công việc, sức lực và thời gian có hạn, các bà vợ luôn “phát rồ” vì các đức ông chồng lười biếng, rồi trách móc họ vô trách nhiệm, vô tình. Nhưng thực tế, đa số sự lười biếng này là do phụ nữ “đúc” thành.

Hồi nhỏ, chị em cưng chiều con, ôm đồm mọi việc, chỉ cho con học mà không hướng dẫn con làm việc nhà. Khi kết hôn, người vợ lại vì yêu thương mà muốn chiều chuộng, chăm sóc chồng, khiến chồng càng lười biếng, càng ỉ lại.

Có người muốn giúp nhưng tay chân vụng về, làm hỏng, người vợ lại thấy ngứa mắt vì “thà mình làm còn nhanh hơn, đỡ mệt hơn là đi đằng sau thu dọn “chiến trường” cho chồng, khiến người chồng nản chí, thoái lui.

Muốn chữa bệnh lười của chồng, theo các chuyên gia tâm lí, trước tiên người vợ cần chữa 3 bệnh khác: Một là bệnh ngứa mắt; không ngăn cản, làm thay khi thấy chồng lóng ngóng, vụng về. Hai là bệnh chê chồng: Thấy chồng làm hỏng, làm sai thì không nên chê bai, giễu cợt. Cuối cùng là bệnh yêu chồng: muốn chăm sóc, chiều chuộng, o bế chồng khiến chồng như thượng đế trong nhà, chưa nói đã được phục vụ tận tình, chu đáo. Khi đó chồng có chăm đến đâu cũng đánh mất thói quen làm việc nhà.

Nói về chuyện “cải tạo” chồng, chị Thu Lan, kế toán một công ty tại quận 1, Tp.HCM, kể: “Chồng có công việc, vợ cũng có công việc. Chồng đi kiếm tiền, vợ cũng đi kiếm tiền thì tại sao vợ phải ôm hết việc nhà? Vợ chồng tôi thống nhất với nhau: Chiều về thì vợ nấu ăn, chồng rửa chén. Chồng không rửa chén thì sáng dậy sớm làm chứ vợ nhất quyết không rửa thay”.

Còn chị Thanh Lan (Thủ Đức, Tp.HCM) thì cứ làm việc này lại nhờ chồng việc kia khiến anh ta chẳng từ chối được. Chẳng hạn, đang lau nhà, Lan nhờ chồng đi mua gạo; đang rán cá thì Giang nhờ chồng nhặt rau, rửa rau hay cắm cơm... Đến khi có kẻng đổ rác thì lại vờ như đang bận kêu chồng đổ rác giúp.

Một thời gian, chồng Lan đã dần chủ động hơn trong một số việc nhà như có kẻng là đổ rác. Khi có quần áo, anh xã Giang cũng chủ động hỏi vợ để giặt. Giặt xong thì tự động đem đi phơi...

Tất nhiên không phải anh chồng nào cũng biết nhận thức và thay đổi và việc áp dụng biện pháp nào cũng còn tùy tính cách từng anh nữa. Trước hết, hãy nói với anh ấy các vấn đề mà bạn đang phải đối mặt một mình và bạn cảm thấy thế nào khi phải một mình gánh vác những công việc đó. Hãy đưa ra các quan điểm của mình một cách rõ ràng, nhưng đừng buộc tội anh ấy vô trách nhiệm. Tùy vào tính cách của mỗi người mà họ có những phản ứng khác nhau trước “động thái” này của vợ. Có những người căng thẳng, lo lắng và có xu hướng nhận làm tất cả mọi việc. Nhưng, cũng có người không chịu giải quyết những vấn đề này ngay lập tức.

Những lúc anh ấy không muốn nghe bạn hay bạn đã nói nhiều lần nhưng anh ấy không muốn thay đổi, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ chồng hay người lớn trong gia đình mà anh ấy kính trọng. Sự khuyên bảo và ý kiến góp ý của những người này sẽ dễ dàng “lọt tai” anh ấy hơn.

Nếu bạn đã sử dụng tất cả các biện pháp trên mà anh ấy vẫn không thể hiểu và thông cảm cho bạn thì đã đến lúc bạn phải cứng rắn thể hiện quan điểm của mình bằng những yêu cầu dứt khoát thôi.

Theo Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, phụ nữ thành thị làm việc nhà gấp 2-3 lần đàn ông, còn phụ nữ nông thôn gấp đến 4-5 lần. Sở dĩ có sự bất công này là do đa số đàn ông Việt có tính gia trưởng, cho rằng mình phải làm việc lớn, việc nhà là của phụ nữ. Tuy nhiên, đàn ông làm việc nhà sẽ không hèn đi, ngược lại còn rất đáng yêu trong mắt vợ, góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Hạ Đan

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cai-tao-chong-luoi-21579/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY