Cảm cúm là bệnh gì?
Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng. Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9…
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 10-15% dân số mắc bệnh cúm, tỷ lệ tử vong do cúm ước tính khoảng 250.000-500.000 người. Năm 2009 dịch cúm A/H1N1 tại nhiều nước trong đó có Việt Nam làm hàng trăm người tử vong. Mùa của dịch cúm thường là vào mùa Thu và mùa Đông.
Nhận diện bệnh cảm cúm
Nếu như đối với cảm lạnh, biểu hiện sốt là dấu hiệu phụ để nhận biết bệnh thì với cảm cúm đó là đặc điểm chính của bệnh. Người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột.
Cảm cúm rất dễ lây lan cho người khác hơn, bởi vậy bạn cần thực hiện các biện pháp phòng chống lây bệnh cho người khác. Bệnh cảm cúm không có thuốc đặc trị do virus gây ra mà thường được chỉ định các loại thuốc nhằm điều trị triệu chứng. Cảm cúm thông thường sẽ thường tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, nếu bệnh càng càng tiến triển nặng thêm kèm theo các biểu hiện khác như: sốt liên tục, đau khi nuốt, đau đầu và tắc mũi không khỏi, khó thở, buồn nôn… Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay, vì đôi khi đây có thể là những chủng cúm nguy hiểm hơn.
Có mấy loại cảm cúm?
Ngoài cảm cúm thông thường sẽ khỏi sau 5-7 ngày thì còn có các loại cúm do siêu vi trùng cúm gây ra.
Siêu vi trùng cúm có ba loại: A, B và C. Loại a và C gây cúm ở nhiều động vật và đôi khi gây bệnh ở người, còn loại B chỉ nhiễm riêng ở loài người.
Siêu vi trùng cúm loại A gây bệnh cúm rất trầm trọng ở người, được chia dạng theo kháng thể của huyết thanh
H1N1 - cúm Tây Ban Nha (dịch cúm xảy ra năm 1918-1920 tại Tây Ban Nha và khiến 40 triệu người tử vong
H2N2 - cúm châu Á (dịch cúm xảy ra năm 1957-1959 ở châu Á, làm khoảng 1 – 1,5 triệu người tử vong)
H3N2 - cúm Hong Kong (dịch cúm xảy ra năm 1968-1969 ở Hong Kong, làm gần 1 triệu người tử vong).
H5N1 - cúm gia cầm xảy ra trên toàn cầu trong 2 năm 2006-2007
Những ai dễ mắc cảm cúm?
Trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ nên có nguy cơ cao mắc bệnh cảm cúm. Ở Mỹ, hàng năm có tới 20,000 trẻ dưới 5 tuổi nhập viện vì các biến chứng liên quan tới cúm.
Các biến chứng của cúm đặc biệt trên đường hô hấp thường gây hậu quả nặng nề hơn đối với trẻ nhỏ và việc điều trị thường phức tạp hơn rất nhiều so với điều trị bệnh cho người lớn.
Phụ nữ mang thai
Trong quá trình mang thai, phụ nữ trải qua giai đoạn xáo trộn hormone trong cơ thể dẫn tới hệ miễn dịch bị suy giảm, đây là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm phát triển.
Phụ nữ mang thai bị mắc cúm ngoài việc nguy hiểm tới người mẹ còn có thể ảnh hưởng tới thai nhi như dị tật thai nhi, sinh non, thai chết lưu … Việc điều trị cúm cũng gặp nhiều khó khăn ở đối tượng này do các thuốc điều trị hạn chế và cần cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và yếu tố nguy cơ.
Người cao tuổi
Hệ miễn dịch của cơ thể giảm đi khi chúng ta già là nguyên nhân khiến người cao tuổi là đối tượng dễ mắc cúm. Đối với người cao tuổi, cúm mùa có thể rất nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. 90% số ca tử vong liên quan tới cúm và hơn một nửa số trường hợp nhập viện do cúm là người từ 65 tuổi trở lên.
Lưu ý khi bị cảm cúm
Không dùng kháng sinh khi bị cảm cúm do virus. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong một số trường hợp người bệnh cảm cúm bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi được chỉ định kháng sinh, người bệnh cần lưu ý không bỏ liều thuốc và uống hết lượng thuốc được kê kể cả trong trường hợp cảm thấy khỏe hơn sau một vài ngày.
Thanh Quế
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học
Chủ đề liên quan: