Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cần cẩn thận: Biến chứng Covid-19 dễ bị nhầm với viêm ruột thừa

Những ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng (TP. HCM) ghi nhận trường hợp của một bé trai 8 tuổi bị biến chứng viêm đa hệ thống sau khi khỏi COVID-19, có biểu hiện sốt cao, đau bụng, nôn ói. Các bác sĩ khẳng định nếu không kiểm tra cẩn thận, rất dễ kết luận nhầm sang viêm ruột thừa.

Các bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị cho bé cũng chia sẻ tình hình, cách đó 2 ngày trước khi nhập viện, cháu bé liên tục sốt cao đến 39-40 độ C, cho uống thuốc hạ sốt cũng không có dấu hiệu thuyên giảm.

Cháu than đau bụng quanh rốn, sau đó lan dần xuống hố chậu phải, buồn nôn, ói 4 - 5 lần ra thức ăn, dịch trong không nhầy máu, tiêu phân vàng lỏng 5-6 lần/ngày (Ảnh: Internet)

Khi nhập viện, tình trạng của cháu lừ đừ, nhịp tim nhanh 160 lần / phút, mạch nhẹ, huyết áp kẹp, thở nhanh, bụng chướng nhẹ, ấn đau hố chậu phải, siêu âm thấy ruột thừa viêm sung huyết. Hai mắt cháu đỏ nhẹ, có hồng da ở tay chân. Kết quả lúc test nhanh Covid-19 của cháu là âm tính, tuy nhiên, khi các bác sĩ cho xét nghiệm định lượng kháng thể nCoV trong máu thì lại có kết quả dương tính. Trước đó, cháu cũng chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, các bác sĩ kết luận là cháu bé từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh.

Xét nghiệm máu thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19, nguy cơ có thể sốc. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định truyền dịch chống sốc, sử dụng thuốc vận mạch sớm, truyền corticoid liều cao, chống đông, kháng sinh phổ rộng, đồng thời hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, các bác sĩ chụp CT ổ bụng loại trừ viêm ruột thừa cấp, do đó, tránh cho trẻ cuộc mổ không cần thiết. Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, đường huyết, hạ sốt, dinh dưỡng.

May mắn là sau hơn một tuần điều trị, tình trạng của trẻ cũng có dấu hiệu khả quan, sức khỏe dần cải thiện, không còn cần thở oxy, đã tự ăn uống tốt, mạch huyết áp ổn định. Theo lời của bác sĩ, đây là trường hợp của hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, hội chứng này có biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp, nếu không được chẩn đoán kỹ lưỡng và chính xác sẽ rất dễ đưa ra kết luận sai, dẫn đến việc xử trí phẫu thuật hoặc mổ không cần thiết.

Hội chứng viêm đa hệ thống có thể gặp ở trẻ sau 2 - 6 tuần khỏi Covid-19. Lúc này trẻ có thể bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn. Đây là hội chứng đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Đồng thời, hội chứng này cũng được Bộ Y tế ghi nhận là một trong 5 biến chứng Covid-19 nặng ở trẻ em. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính… nếu không thể cấp cứu kịp thời sẽ gây ra nguy cơ tử vong cao.

Ngoài việc chú ý, tránh cho tiếp xúc với nhiều người đồng thời lưu ý các quy tắc 5K cho trẻ, thì việc tốt nhất để hạn chế trẻ mắc COVID-19 đó là nhớ tiêm phòng đầy đủ mỗi khi có cơ hội (Ảnh: iStock)

Bác sĩ cũng lưu ý các bậc phụ huynh, khi thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói... hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị thích hợp, kịp thời. Ngoài hội chứng viêm đa hệ thống do biến chứng Covid-19 như trên, trẻ cũng có khả năng mắc bệnh sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa…, không nên chủ quan nhằm hạn chế mọi kết quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/can-can-than-bien-chung-covid-19-de-bi-nham-voi-viem-ruot-thua-33540/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY