Nước dừa chứa carbohydrate giúp dễ tiêu hóa, canxi, các chất điện giải và rất nhiều các vitamin như B1, B2, B6, C... Đây là loại nước giải khát có vị ngọt thanh mát, an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Dù vậy, cứ 330ml nước dừa sẽ cung cấp 60kcal cho cơ thể nên cần lưu ý để tránh bị tăng cân. Ngoài ra, dầu dừa và nước cốt dừa chứa nhiều chất béo hơn nước dừa, người dùng cần phân biệt rõ ràng.
Sau đây là những đối tượng nên hạn chế uống nước dừa:
1. Người bị bệnh thận, dùng thuốc kháng sinh, tiểu đường không kiểm soát, suy tuyến thượng thận, đang dùng thuốc ức chế men chuyển, ức chế beta, kháng sinh (Penicillin), bỏng, tán huyết, ly giải cơ vân.
2. Người tập luyện nặng: thành phần thức uống này có lượng carbohydrate thấp, ít natri, giàu kali nên chỉ phù hợp với người tập luyện vừa phải. Đã có trường hợp tăng kali máu và mất nhận thức sau khi vận động cơ quá mức và uống vài lít nước dừa đóng lon thương mại.
3. Phụ nữ mang thai: chưa có bằng chứng khoa học về tác dụng có hại của nước dừa trên thai kỳ nhưng cũng nên có chừng mực và không nên thay thế nước lọc bằng bất kì thức uống nào khác.
4. Người đổ mồ hôi nhiều do mất natri nặng: Nước dừa chứa ít muối nên không phải là thức uống phù hợp để thay thế điện giải.
Nếu bạn không phải là một trong bốn đối tượng trên và cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh thì có thể uống nước dừa để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Đặc biệt, nếu bạn muốn giảm cân bằng nước dừa thì có thể uống trước khi ăn để nhanh no nhưng cần lưu ý trong nước dừa có năng lượng, do đó phải được tính vào tổng năng lượng trong ngày khẻo phản tác dụng.
Và dĩ nhiên, bất kì thức uống và loại thực phẩm nào cũng nên được dùng trong mức cho phép thì mới phát huy hết tác dụng.
Foxie
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: