Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cẩn thận nguy cơ tàn phế vì viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một dạng đặc biệt của bệnh viêm khớp. Bệnh gây nhiều đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh, thậm chí có thể dẫn tới tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh thường gặp, biểu hiện bằng những cơn đau ở nhiều khớp một lúc. Bệnh thường kéo dài, tăng dần về mức độ có thể dẫn tới dính khớp, biến dạng khớp và mất chức năng vận động nếu không được điều trị.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân

Căn bệnh này là một bệnh lý tự miễn điển hình do cơ thể tự sinh ra các chất chống lại khớp và gây đau.

Viêm khớp dạng thấp thường gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi. Đây là bệnh lý mãn tính có tính quá trình, tính đối xứng. Bệnh gây suy nhược cơ thể và có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác như tim, phổi, mạch máu nhỏ, dây thần kinh và mắt.

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính, do cơ thể tự sản sinh ra những chất chống lại khớp nên việc điều trị khỏi hoàn toàn là rất khó khăn.

Bệnh có thể gây phiền toái suốt đời cho bệnh nhân. Nếu không điều trị đúng cách, còn có thể dẫn tới tình trạng khớp biến dạng, hỏng khớp và tàn tật.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, bệnh nhân vẫn có thể có được cuộc sống bình thường.

Bệnh viêm khớp dạng khớp thường diễn tiến theo 2 giai đoạn chính: giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát. Ở mỗi giai đoạn, bệnh lại biểu hiện những triệu chứng và đặc điểm riêng biệt mà người bệnh cần lưu ý để nhận biết sớm.

Giai đoạn khởi phát:

Giai đoạn này bệnh mới bắt đầu xuất hiện nên các triệu chứng chưa thực sự rõ ràng. Theo thời gian, biểu hiện bệnh sẽ tăng dần lên về mức độ, các triệu chứng cũng rõ ràng hơn.

Hầu hết các trường hợp viêm khớp dạng thấp trong giai đoạn khởi phát sẽ có một số triệu chứng như:

- Sốt nhẹ

- Cân nặng giảm sút

- Ra nhiều mồ hôi

- Đầu các chi có cảm giác tê mỏi

Sau giai đoạn khởi phát với các triệu chứng khá mơ hồ, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát. Lúc này các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn và tăng nhanh về mức độ.

Chỉ có khoảng 10-15% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có triệu chứng cấp tính ở giai đoạn khởi phát. Còn lại phần lớn người bệnh chỉ nhận ra triệu chứng khi đã ở vào giai đoạn toàn phát.

Giai đoạn toàn phát:

Đến giai đoạn này, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp tăng nhanh về mức độ và kéo dài dai dẳng. Các dấu hiệu rất rõ ràng, đặc biệt là triệu chứng nóng, đỏ, sưng đau ở các khớp.

Bệnh nhân có thể đau cùng lúc nhiều khớp, gọi là viêm đa khớp dạng thấp. Hầu hết các dấu hiệu chính của bệnh đều xuất hiện ở giai đoạn này.

Những vị trí phổ biến xuất hiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường là các khớp gối, các khớp gần bàn tay, cổ tay, bàn chân, khuỷu tay, gối, cổ chân, ngón chân…

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp phổ biến

Thường xuyên cứng khớp vào buổi sáng:

Đây là triệu chứng mà hầu hết các bệnh nhân đều gặp phải. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà mức độ cứng khớp khác nhau. Có người hiện tượng cứng khớp kéo dài khoảng 15 phút, nhưng cũng có bệnh nhân bị cứng khớp cả tiếng đồng hồ.

Triệu chứng cứng khớp cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân ngồi lâu, đứng lâu hay nằm im không vận động trong thời gian dài.

Khi có triệu chứng này, bệnh nhân có thể xoa bóp nhẹ nhàng các khớp bị cứng để cải thiện được tình hình.

Đau khớp dai dẳng:

Khi mắc viêm khớp dạng thấp, các khớp xương, đặc biệt là sụn khớp ở vị trí đốt ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân... thường đau dai dẳng và âm ỉ, gây ra nhiều sự khó chịu và bất tiện cho người bệnh.

Khớp thường đau nhiều hơn khi người bệnh vận động và giảm bớt khi được nghỉ ngơi. Tình trạng đau khớp thường kéo dài, khi bệnh nặng hơn người bệnh có thể đau ngay cả trong lúc ngủ.

Khớp đau nặng hơn theo thời gian:

Theo thời gian, các cơn đau ở khớp ngày càng tăng dần theo thời gia. Tình trạng bệnh cũng nặng hơn và có thể ảnh hưởng tới cấu trúc khớp.

Nếu tình trạng đau khớp rất nặng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số biến chứng do viêm khớp dạng thấp gây ra như biến dạng khớp, dính khớp...

Khớp sưng, đỏ, nóng và đau khi va chạm:

Ở vị trí bị viêm, khớp thường có hiện tượng sưng, đỏ và nóng. Khi chạm vào cảm giác đau nhói rất khó chịu.

Tình trạng này khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh thường ngại vận động hơn bởi vận động sẽ gây đau cho khớp.

Đau khớp kèm theo sốt:

Cơn đau khớp thường kèm theo cảm giác nóng ở vùng khớp và sốt nhẹ khoảng 37,5 đến 38 độ.

Một số trường hợp bệnh nặng có thể sốt cao tới 39 độ hoặc hơn khiến người bệnh mệt mỏi, uể oải và đau nhức hơn.

Dấu hiệu sốt có thể xảy ra cấp tính hoặc thi thoảng lại xuất hiện, lặp đi lặp lại suốt quá trình diễn tiến của bệnh.

Đau nhiều khớp, có tính đối xứng:

Dấu hiệu đặc trưng của viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp dạng thấp là tính đối xứng. Nghĩa là bệnh nhân thường đau cùng lúc 2 khớp đối xứng nhau như đau 2 khớp gối, các khớp ngón tay, khớp khuỷu tay...

Đây là dấu hiệu đặc trưng, khác biệt với các bệnh xương khớp khác. Vì hầu hết các bệnh về xương khớp thường chỉ gây đau tại chỗ, chứ không có tính đối xứng.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sưng đau nhiều khớp và có tính đối xứng

Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp:

- Bệnh nhân gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, da và niêm mạc xanh nhợt.

- Xuất hiện hạt dưới da ở trên xương trụ (gần khớp khuỷu tay), trên xương chày (gần khớp gối), quanh khớp cổ tay. Hạt có đường kính 5-15mm nổi lên trên mặt da, chắc, không đau, không di động.

- Ban đỏ gan bàn chân và lòng bàn tay do viêm mao mạch.

- Teo cơ ở vùng quanh khớp tổn thương do giảm vận động.

- Viêm gân và bao gân quanh khớp.

- Dây chằng khớp viêm co kéo hoặc giãn gây lỏng lẻo khớp.

- Bao khớp phình to.

Các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng cho bệnh nhân, thậm chí gây tàn phế.

Một số biến chứng thường gặp mà bệnh nhân cần chú ý như:

- Loãng xương, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ, mất khả năng vận động khớp... là những biến chứng thường gặp. Kết quả thống kê cho thấy có khoảng 10 – 15% bệnh nhân gặp phải biến chứng về xương khớp, dẫn tới tàn phế, mất khả năng vận động.

- Biến chứng thần kinh ngoại biên, biểu hiện bởi tình trạng ngứa ran, tê, cảm giác bỏng rát ở bàn tay, bàn chân...

- Biến chứng giảm tiểu cầu với dấu hiệu như bầm tím, chảy máu kéo dài, chảy máu cam, chảy máu chân răng...

- Ngoài ra bệnh nhân còn có thể gặp một số biến chứng ở mắt, tác động lên các mạch máu bên trong mắt, gây tổn thương mắt với biểu hiện nhìn mờ, khô mắt, lóa mắt, đau mắt...

- Biến chứng ở tim là một biến chứng đặc biệt nguy hiểm cho bệnh nhân. Biến chứng này có thể dẫn tới các bệnh mạch vành, tắc nghẽn mạch máu...

- Biến chứng ở thận thường ít xảy ra những có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bệnh nhân và hệ tuần hoàn của cơ thể.

- Bên cạnh đó, khoảng 10% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp gặp phải biến chứng ở phổi, nhất là các bệnh phổi mãn tính, dẫn tới các vấn đề về hô hấp như ho dai dẳng kéo dài, sốt, đau buốt ngực, khó thở...

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh tự miễn khó điều trị dứt điểm. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp, tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau. Thông thường, cần kết hợp nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý, chỉnh hình.

Bệnh ở thể nhẹ: Số lượng khớp bị viêm còn ít, bệnh nhân vẫn có thể vận động bình thường thì sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm thông thường như aspirin, chloroquin. Kết hợp tập luyện, điều trị vật lý, điện châm, nước suối khoáng...

Bệnh ở mức trung bình: Đã có nhiều khớp bị viêm, vận động của bệnh nhân bị hạn chế. Cần sử dụng một trong các loại thuốc chống viêm như nonsteroid: indomethacine, diclofenac; piroxicam, có thể dùng corticoid liều trung bình (theo chỉ định của bác sĩ). Ngoài ra kết hợp vật lý trị liệu để khôi phục khả năng vận động cho bệnh nhân.

Thể nặng: Viêm đa khớp, vận động khó khăn, có thể không đi lại được. Cần sử dụng thuốc corticoid liều cao, muối vàng, D-penicilamin, methotrexate (theo chỉ định của bác sĩ).

Có thể phẫu thuật khi bệnh nặng: Một số trường hợp bệnh nặng có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để chữa trị khớp bao gồm chỉnh sửa các khớp và gân bị phá hủy hoặc thay thế chúng.

Phòng bệnh viêm khớp dạng thấp

- Giữ cho môi trường sống luôn khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Bởi môi trường ẩm thấp, mưa lạnh là một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu tới khớp.

- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu canxi. Uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ hệ khớp hoạt động hiệu quả.

- Hạn chế mang vác nặng, làm việc sai tư thế để không gây sức ép lên các khớp, tránh tình trạng co cứng cơ.

- Giữ tâm lý ổn định, hạn chế căng thẳng, stress để không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormon, từ đó phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/can-than-nguy-co-tan-phe-vi-viem-khop-dang-thap-25827/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY