Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cẩn thận trên chính chiếc giường của bạn

(SKGĐ) Đã bao giờ bạn tỉnh dậy với cơn đau lưng, đau cổ, ngứa ngáy khắp người. Đó là vì bạn đã quên cảnh giác với chăn, ga gối đệm.

Ảnh minh họa

1. Gối

Có thể bạn không để ý nhưng chiếc gối mà bạn vẫn thường gối hằng ngày có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy đầu, cảm giác khó chịu, mẩn đỏ, dị ứng da mặt.

Nghiên cứu tại Đại học Manchester (Anh) đã phát hiện có hơn 16 loại nấm trong những chiếc gối lông hoặc gối nhân tạo. Loại nấm phổ biến được tìm thấy là aspergillus fumigatus, chúng thường xâm nhập vào phổi và xoang gây nên các bệnh về đường hô hấp, với những người bị bệnh hen suyễn nó khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Gối bằng chất liệu quá cứng, quá mềm hay quá cao, quá thấp cũng có thể làm nặng thêm triệu chứng ngưng thở khi ngủ, đau cổ.

Lưu ý:

- Lựa chọn gối theo tư thế ngủ: Nếu có thói quen nằm ngửa, bạn nên chọn một chiếc gối ngủ không quá cao và lõm ở giữa. Nó sẽ giúp phần cổ và sống lưng không quá chênh lệch, giúp giấc ngủ thêm sâu và làm cho cơ thể thoải mái khi thức dạy. Nếu bạn nằm nghiêng khi ngủ, hay co chân… thì nên mua loại gối có độ phồng và dày hơn một chút, giúp bạn có vị trí ổn định khi ngủ. Nếu bạn thường xuyên nằm sấp, hãy chọn một chiếc gối mỏng để tránh tình trạng khó chịu, đau ê ẩm khi tỉnh giấc.

- Độ cao của gối: Độ cao thích hợp cho một chiếc gối là khoảng 10–15cm, tùy vào đặc điểm cơ thể, tư thế nằm ngủ của bạn.

- Màu sắc: Các bạn nên chọn những màu sắc có khả năng kích thích cơn buồn ngủ như hồng nhạt, vàng nhạt, xanh da trời nhạt… Đặc biệt, các bạn tuyệt đối không nên chọn chiếc gối có 2 gam màu tương phản nhau, bởi chúng có thể gây nên cảm giác khó chịu, khó ngủ.

- Chất liệu: Bạn nên lựa chọn một chiếc gối có độ đàn hồi tốt để hỗ trợ các đốt sống cổ, tránh gây tê mỏi. Hiện nay có rất nhiều chất liệu để làm gối như bông sợi tự nhiên, nhân tạo, vỏ đậu, vỏ trấu, hơi, túi nước, cao su…

- Vệ sinh: Nên thay gối 3-6 tháng một lần. Nên giặt vỏ gối hàng tuần.

2. Đệm và ga giường

Đệm là vật dụng trong phòng ngủ ít khi được làm sạch vì chúng có khối lượng và kích thước lớn. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Bàng, nguyên Phó Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì nhưng con nhậy chuyên sống trong các chiếu, chăn và nhất là trong đệm cũ, ẩm, mốc. Chúng ta không dễ nhìn thấy vì chúng nhỏ như hạt cám. Loài này chỉ hoạt động về đêm nên nhiều khi chúng ta ho, hay gãi trong đêm là vì những con nhạy gây nên.

Trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người hiện đang mắc các bệnh về đường hô hấp, người cao niên có nguy cơ bị tổn hại do mốc với nhiều triệu chứng như ngẹt mũi, viêm xoang, đau họng, đau đầu, dị ứng… Loại đệm có độ thụt lún sâu cũng không tốt cho sức khỏe vì sẽ làm tuần hoàn máu kém, gây hiện tượng ngưng thở khi ngủ.

Lưu ý:

- Bạn nên lựa chọn đệm phẳng, bởi nó giúp cho cột sống của bạn giữ được trạng thái sinh lý bình thường, duy trì các đường cong hình thể tuyệt đẹp của người phụ nữ. Trẻ em ngủ trên đệm phẳng sẽ có lợi cho sự phát triển bình thường của xương.

- Vệ sinh và làm khô đệm sạch sẽ thường xuyên bằng máy hút bụi, phơi ngoài nắng.

- Bạn nên chọn ga giường bằng chất liệu cotton tạo cảm giác thoáng mát, dễ chịu. Giặt ga giường thường xuyên.

3. Chăn

Nếu không được giặt thường xuyên, chăn sẽ là môi trường để nấm mốc và con bọ mạt phát triển. Ngoài ra chăn làm từ chất liệu dễ sờn, có thể khiến nhiều sợi bông vải “chu du” trong phòng ngủ, xâm nhập vào hệ hô hấp làm tăng triệu chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Chăn làm từ bông tái sinh thì có nguy cơ nhiễm khuẩn cao vì không được vệ sinh đúng chuẩn. Những chiếc chăn có màu sắc sặc sỡ, khi giặt thấy phai màu mạnh cũng đáng ngại vì chúng có thể có tồn dư chất độc hại vì dùng phẩm màu công nghiệp.

Gần đây nhiều người thích dùng chăn điện cho những ngày lạnh. Nhưng chiếc chăn này cũng dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe khi dùng không đúng.

Lưu ý:

- Trước khi lựa chọn chăn, bạn nên đập đập, vò vò để kiểm tra chúng có dễ bị xùi ra những sợi bông nhỏ không.

- Tránh mua chăn bán vỉa hè, với loại càng rẻ tiền thì càng cần tránh loại có màu sắc sặc sỡ.

-Khi dùng chăn điện thì không cắm phích điện cả đêm vì sẽ gây khô da. Khi chăn bị ướt thì không cắm điện.

4. Chiếu

Chiếu là vật dụng thường thấy trong phòng ngủ của người Việt, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, chiếu cũng là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh vì chúng có nhiều khe, kẽ. Chiếu hiện nay được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nên khi mua bạn cần lưu ý chọn lựa cho thích hợp.

Lưu ý:

- Bạn nên có ít nhất 2 loại chiếu với chất liệu khác nhau cho các mùa. Mùa lạnh dùng chiếu trúc có thể bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng tới đường hô hấp, mùa nóng sử dụng chiếu nhựa tạo cảm giác nóng bức, gây ngứa ngáy… Bạn cũng cần vệ sinh chiếu đúng cách theo từng loại.

- Với chiếu trúc: Bạn chỉ nên dùng nước lạnh hoặc ấm lau sạch rồi phơi khô. Tuyệt đối không đập chiếu hay sử dụng bột giặt, thuốc tẩy để giặt vì sẽ gây vỡ mắt trúc, đứt cước dẫn đến hỏng. Bạn không nên ưu tiên chiếu nhựa vì chúng có nguy cơ chứa hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, đồng thời khi nằm tạo cho bạn cảm giác bí, nóng.

- Với chiếu cói, nhựa: Bạn nên giặt chiếu thường xuyên, sau đó phơi khô, tránh để chiếu ẩm, mốc tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Chiếu cói nên phơi ngoài nắng nhưng chiếu nhựa chỉ nên phơi ở nơi có nắng nhẹ.

Hạnh Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/can-than-tren-chinh-chiec-giuong-cua-ban-17599/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY