Báo động về bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm gây ra do virus gây ra (có khoảng 200 loại virus gây ra cảm cúm). Bệnh thường gặp nhiều vào cuối Thu, đầu Đông và khi thời tiết lạnh khi mật độ virus cúm tăng cao trong không khí kèm với khả năng đề kháng kém của con người do nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Việt Nam nằm trong vùng xích đạo, với 2 mùa mưa nắng đặc trưng thì khi thời tiết trở lạnh với những cơn mưa rào, nhiệt độ trong ngày luôn thay đổi đột ngột là điều kiện tốt nhất cho sự sinh sôi, phát triển và lây lan chóng mặt của virus cúm.
Những đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người có sức miễn dịch kém cũng rất dễ bị cảm cúm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, một người có thể mắc 4-6 lần bệnh cúm/năm. Đây là bệnh lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí. Tần suất mắc bệnh ở người lớn là 15-20%, trong khi tỉ lệ này ở trẻ em là 20-42%.
Do bệnh cảm cúm thường có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất phổ biến như sốt, ho dai dẳng trong một vài ngày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi nên không đến cơ sở y tế khám.
Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cảm cúm chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch…
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh cảm cúm là hệ hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây viêm phổi nhiệt độ không giảm vào ngày 3-5 mà tiếp diễn, kèm khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong nếu không điều trị.
Mỗi năm, con người mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho những cơn cảm cúm vặt: ước tính thế giới mất 1,5 triệu ngày làm việc và tiêu tốn khoảng 85 triệu USD hàng năm.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải nâng cao sức đề kháng cho cơ thể để chống chọi với các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài, giảm thiểu hậu quả mà bệnh cúm đem lại.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị cảm cúm
Khi bị cảm cúm rất nhiều người tự ý mua thuốc kháng sinh, hạ sốt về uống mà không đến cơ sở y tế khám.
Điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virus nên việc tự điều trị cảm cúm bằng kháng sinh là không đúng và sẽ không giúp bệnh thuyên giảm mà làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc.
Cách phòng bệnh cảm cúm hiệu quả
- Uống nhiều nước là một trong những cách giúp cơ thể phòng chống bệnh cảm cúm.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn giúp ngăn ngừa các virus mới xâm nhập vào cơ thể. Bạn cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, kể cả khi không bị bệnh.
- Vệ sinh ở các vị trí ít được chú ý nhưng có khả năng lây bệnh như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím…vì dịch tiết dính vào các vật dụng này cũng chứa virus.
- Súc miệng bằng nước muối hằng ngày nhằm ngăn chặn viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh.
- Trong đơn vị, cơ quan nếu có người bị cảm cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan vì hai bệnh này lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng…
- Khi bệnh có diễn biến bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến trứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thanh Quế
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học
Chủ đề liên quan: