Đáng sợ hơn, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng là loài truyền virus Zika. Đây là loại muỗi gây dịch sốt xuất huyết đang phát triển ở Việt Nam với số người mắc lên đến vài chục ngàn.
Anh quốc cũng vừa xác nhận 3 trường hợp nhiễm virus Zika sau khi đến Colombia, Suriname và Guyana từ đầu năm 2016. Đây là lần đầu tiên virus Zika xuất hiện ở Anh.
Trong khi đó, Sở Y tế TP New York, Mỹ cũng vừa cho biết 3 người ở địa phương đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này sau chuyến trở về từ nước ngoài.
Trẻ nhiễm virus Zika khi sinh ra đầu bị tóp nhỏ, gọi là hiện tượng đầu nhỏ do virus “ăn não”. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Zika nhưng virus này có thể đã xâm nhập nước ta.
Tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của loại virus này. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Zika với gần 4.000 ca, trong số này có 49 ca tử vong.
Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes, nhưng có một số bằng chứng nghi ngờ có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, dù rất hiếm. Thời gian ủ bệnh là từ 3-12 ngày.
Lo ngại về sự xuất hiện của loại virus đáng sợ này, những ngày qua, phụ nữ ở châu Mỹ Latin được cảnh báo tạm ngừng mang thai trong vài tháng hoặc vài năm để tránh nguy cơ sinh con bị dị tật đầu nhỏ.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của dịch bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống.
Nhận diện dấu hiệu virus "ăn não"
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện gì. Do đó, rất nhiều trường hợp đã mắc bệnh nhưng không phát hiện được.
Một số dấu hiệu có thể nhận biết như sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như: đau cơ, nhức đầu, đau khớp, đau mắt. Phân tích nguy cơ virus Zika xâm nhập nước ta, PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng thông thường, muỗi Aedes chỉ có thể mang 1 trong 2 loại virus. Nếu như muỗi đã mang virus sốt xuất huyết thì khó có thể cùng lúc mang virus Zika. Tuy nhiên, không loại trừ virus biến chủng, tái tổ hợp cả 2 chủng virus này, khi đó sẽ rất nguy hiểm.
Để phòng bệnh do virus Zika, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo cần phải diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy. Trứng của muỗi Aedes có thể chịu được khô hạn tới hơn 1 năm và vẫn nở ra lăng quăng khi gặp nước. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời nên với chỉ 1 con, nó có thể truyền bệnh cho rất nhiều người. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus Zika gây ra. Vaccine phòng bệnh này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Hiểu Đan (TH)
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: