Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cảnh giác với hội chứng tim đập nhanh

(SKGĐ) Ở độ tuổi trung niên, rất nhiều người gặp phải sự bất thường về nhịp đập của tim nhưng lại thường chủ quan bỏ qua.
Hội chứng tim đập nhanh có thể dẫn đến suy tim và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Đa dạng các triệu chứng

Phòng làm việc ở tầng 4, công ty lại không có thang máy nên ngày nào đi làm chị Nguyễn Như Nguyệt, 42 tuổi, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu cũng phải leo bộ từ tầng 1 lên tầng 4. Vài năm trước, chị Nguyệt thấy cơ thể nhẹ nhõm, có trèo thế chứ trèo nữa cũng không thành vấn đề.

Nhưng vài tháng trở lại đây, mỗi lần leo cầu thang lên hoặc đi thang bộ xuống lúc ra về, trống ngực chị Nguyệt lại đập thình thịch. Cảm giác như người ngoài cũng có thể nghe rõ nhịp tim của chị. Mỗi lần như thế chị phải mất vài phút để thở dốc, lấy lại cân bằng rồi mới đi tiếp được.

Cũng giống chị Nguyệt, chị Phạm Thị Lâm, 45 tuổi, bán quần áo ở Sài Gòn Square (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, Tp.HCM) cũng gặp những triệu chứng bất ổn về nhịp tim. Chị Lâm mở một Shop quần áo thời trang nên công việc hàng ngày tương đối nhẹ nhàng. Trong một lần dọn hàng, chị Lâm tự nhiên thấy các dấu hiệu bất thường như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tim đập thình thịch… Các biểu hiện này lặp lại với tần suất ngày càng dày đặc hơn.

Chị Nguyễn Thị Hường, biên tập viên một tờ báo tại Hà Nội cũng kể: Dạo này, mỗi lúc bất ngờ đứng dậy, chị hay bị hoa mắt, chóng mặt, nhiều khi choáng váng, đứng không vững. Lắm khi chị thấy trống ngực đập thình thịch, tức ngực không thể làm được việc gì.

Không thể đùa với tim đập nhanh

Chị Hường là người rất “cảnh giác” với bệnh tật vì theo chị ở độ tuổi ngoài 40, đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý. Vì vậy chị đã quyết định tới Bệnh viện Tim mạch Hà Nội khám. Và kết quả tim chị đúng là đang “có vấn đề”.

Các bác sĩ cho biết, chị Hường đã mắc hội chứng về tim đập nhanh. Hội chứng này xảy ra khi nhịp tim đập nhanh vượt quá mức bình thường cho một tần suất nghỉ ngơi của trái tim. Nó có thể rất nguy hiểm tùy thuộc vào độ khó chịu khi tim đang làm việc và hoạt động mạnh. Ngưỡng trên của nhịp tim một người bình thường thường dựa trên tuổi. Một người trưởng thành có nhịp tim trung bình là 100 nhịp đập/phút. Như vậy, khi nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút được phép gọi là nhịp tim nhanh (còn gọi là nhịp xoang nhanh).

Khi tim đập nhanh, tim sẽ bơm máu kém hiệu quả và lưu lượng máu được cung cấp sẽ ít hơn so với các phần còn lại của cơ thể, bao gồm cả chính nó. Nhịp tim tăng cũng dẫn đến nhu cầu ôxy cần cho cơ tim là cao hơn, việc này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ và như vậy dễ gây nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân do các dòng chảy giảm lượng ôxy cần thiết tới tim gây ra, các tế bào cơ tim bắt đầu chết đi. Nguy hiểm hơn điều này dẫn đến đau thắt ngực và bệnh thiếu máu cục bộ sẽ kéo dài kinh niên.

Vấn đề về nhịp đập tim như các chị Lâm, Nguyệt, Hường là những trường hợp thường gặp ở độ tuổi trung niên. BS. Đỗ Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Trong cuộc sống, các tình huống khiến tim đập nhanh thường gặp là khi phải gắng sức, xúc động, sốt, trạng thái cường giao cảm, viêm cơ tim, thiếu máu hay trong một số bệnh thiếu vitamin B1, cường chức năng tuyến giáp trạng hoặc bệnh tim phổi mạn tính.

Còn trong sinh hoạt hàng ngày, tim sẽ đập nhanh hơn sau khi hút thuốc lá nhiều, uống rượu, cà phê hoặc bị hốt hoảng, giật mình, hồi hộp... Những trường hợp như vậy gọi là nhịp tim nhanh do sinh lý, tim đập nhanh tạm thời thì không cần phải điều trị vì chỉ là tăng nhịp tim sinh lý bình thường. Gặp trường hợp này, hãy hít thở chậm và sâu vài phút, nhịp tim sẽ trở lại bình thường.

BS. Nghị lưu ý đối với những trường hợp nghi tim đập nhanh do bệnh lý thì phải đến bệnh viện chuyên khoa về tim mạch để được các bác sĩ khám, theo dõi vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tim đập nhanh như: mắc bệnh cao huyết áp dài kỳ, van tim không làm đúng chức năng, lưu thông máu gặp sự cố trục trặc, viêm cơ tim, không đủ lượng ô xy cung cấp cho cơ tim, mắc bệnh rối loạn tuyến giáp… Theo đó, muốn điều trị bệnh tim đập nhanh trước hết phải biết rõ ràng nguyên nhân.

Khuyến cáo cần lưu ý

BS. Đỗ Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đưa ra lời khuyên: Khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như hồi hộp, trống ngực, tức ngực trái, khó thở… chúng ta phải nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra. Nếu chủ quan trước các biểu hiện trên và để lâu ngày, bệnh tim đập nhanh có thể dẫn đến suy tim và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Mỗi cá nhân nên có ý thức tự kiểm tra nhịp đập tim của mình hàng ngày bằng cách tự lấy tay bắt mạch hoặc cảm nhận nhịp đập của tim, qua đó có thể nhận biết được tim mình đập nhanh hay không.

BS. Nghị cũng cho hay: Đối với những người mắc hội chứng tim đập nhanh, người bệnh phải được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1-3 tháng ở những nơi yên tĩnh; tuyệt đối không làm người bệnh bị xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh; người bệnh không nên thức quá khuya; không sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, uống chè quá, cà phê; tránh ăn uống thái quá, nên ăn nhiều rau quả tươi; tập thể dục thể thao đều đặn với những môn thể thao hữu ích có lợi cho người bệnh như đi bộ, bơi lội, thái cực quyền, yoga; tăng cường các hoạt động giao lưu với cộng đồng để giúp tinh thần thoải mái; giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Món ăn bài thuốc giúp tim khỏe

1. Hoa cúc, ngũ vị tử... luyện với mật ong: dùng ngũ vị tử, nhân hồ đào, vừng đen, hoa cúc mỗi thứ 100g. Tất cả đem sao vàng, tán nhỏ, luyện với mật ong. Mỗi lần ăn 10g, mỗi ngày 3 lần. Uống với nước sôi, uống vào lúc đói.

Tác dụng: bổ tim, an thần, chữa chứng tim đập mạnh.

2. Bột sâm, tam thất: mỗi lần dùng 4 lát mỏng sâm, 10g tam thất tán thành bột, uống với nước sôi. Mỗi ngày uống 1 lần, điều trị liên tục nhiều lần sẽ có hiệu quả.

Tác dụng: giải phiền, ổn định tim, chữa chứng tim đập nhanh.

3. Tim lợn hấp bá tử nhân: mỗi lần dùng 10g bá tử nhân, 1 quả tim lợn. Cho bá tử nhân vào trong quả tim. Hấp cách thủy, 3 ngày ăn 1 lần, ăn 2-3 lần sẽ có hiệu quả.

Tác dụng: giải độc, an thần, chữa chứng tim đập nhanh.

5. Canh thịt lợn nạc với con sò: mỗi lần dùng 100g thịt sò tươi, 100g thịt lợn nạc. Cho nước vừa đủ, ít muối, ninh nhừ ăn vào 2 bữa cơm.

Tác dụng: bổ hư, bổ huyết, ổn định nhịp tim.

6. Đậu đen, long nhãn, táo tàu: mỗi lần dùng 50g đậu đen, 15g long nhãn, 30g táo. Cho vào 3 bát nước, đun còn 2 bát. Chia làm 2 lần, ăn hết vào 2 buổi sáng, chiều.

Tác dụng: bổ âm, huyết, tim, khí, chữa chứng tim đập nhanh.

7. Táo tàu hầm với tim dê: mỗi lần dùng 1 quả tim dê, rửa sạch, thái nhỏ, 15 quả táo. Cho muối vừa đủ, ninh nhừ, cho vào ít muối, gia vị ăn hết trong 1 lần.

Tác dụng: khỏi hồi hộp lo sợ, bổ tim, an thần, ổn định nhịp đập của tim.

Linh Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/canh-giac-voi-hoi-chung-tim-dap-nhanh-17621/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY