Ảnh minh họa |
Tâm sự của một người chồng tâm lý
Bạn bè, người thân hai bên nội ngoại đều công nhận tôi là người đàn ông tâm lý. Chính bản thân tôi cũng thừa nhận đều này. Không thừa nhận sao được khi tôi luôn biết vợ muốn gì, vợ cần gì, lúc nào thì vợ lo lắng, lúc nào thì vợ buồn để làm cô ấy vui. Nói thật, sống bên người chồng tâm lý như tôi nên cô ấy luôn tươi trẻ so với tuổi thật.
Có thể bạn chưa biết - Phụ nữ tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến người thân có nguy cơ trầm cảm cao gấp hơn 5 lần so với những những phụ nữ khác. - Phụ nữ tuổi mãn kinh có chồng chết có nguy cơ trầm cảm cao hơn gấp 8 lần so với những những phụ nữ khác. - Phụ nữ tuổi mãn kinh có con ra ở riêng có nguy cơ trầm cảm cao gấp 15 lần so với những phụ nữ khác. - Những yếu tố khác như bệnh tật, công việc, mối quan hệ, trình độ học vấn… đều làm gia tăng mức độ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh. |
Những tưởng khi thời gian sống bên nhau càng lâu, tôi sẽ càng hiểu tính nết nàng rõ hơn, nhưng sau hơn 20 năm vợ chồng, thời gian gần đây thú thật tôi hoàn toàn bó tay khi không tài này nắm bắt được tâm tư tình cảm của vợ.
Tôi thấy cô ấy càng ngày càng khó hiểu. Cô ấy cứ như người khác. Nếu trước đây cô ấy được tiếng là tận tâm và chu đáo thì giờ lại rất lơ đãng, chẳng để tâm vào việc gì. Rất nhiều lần nhà có công việc tôi đều bàn bạc thống nhất cách giải quyết cùng cô ấy như thói quen của 2 vợ chồng bao năm qua.
Cô ấy ngồi nghe nhưng cứ ậm ừ cho xong chuyện. Đến khi tôi giải quyết xong việc đúng theo tinh thần cuộc trao đổi thì cô ấy lại tỏ ý không hài lòng và cho rằng tôi không quan tâm đến ý kiến cô ấy. Hai ba lần như thế tôi còn cho qua, nhưng nhiều lần lập lại đã khiến tôi nổi xung thành ra cãi vã.
Chưa hết, cô ấy còn rất thất thường trong cảm xúc. Có hôm cả ngày cô ấy chẳng nói gì câu gì, mặt thì cứ buồn rười rượi, hết thở ngắn lại than dài. Tôi có gặng hỏi thì cứ bảo là không có gì, nhưng chỉ cần tôi quay lưng đi là cô ấy lại thở dài thườn thượt.
Hôm thì cả nhà đang quây quần bên mâm cơm mấy bố con đang nói chuyện rất vui vẻ, nhìn sang vợ thấy cô ấy đang trầm ngâm vừa ăn vừa chống đũa nhìn ra bên ngoài xa xăm. Tôi có gọi hỏi nhưng cô ấy cũng chẳng buồn trả lời. Thấy vậy thằng út đang vui bỗng thuỗn mặt buồn rầu nói: “Mẹ nấu ăn, món nào cũng ngon, nhưng mẹ lại không ăn nên giờ con chẳng thấy món nào ngon cả”. Lúc ăn đã vậy, đến cả giờ đi ngủ cô ấy cũng có vấn đề. Cô ấy cứ liên tục trở mình trần trọc mãi.
Thật lòng tôi vẫn rất yêu vợ, thấy cô ấy khác lạ thế tôi cũng ít nhiều hiểu đó có thể do tác động của giai đoạn mãn kinh gây ra. Tôi đã lên mạng, mua sách tìm hiểu thêm về tâm lý phụ nữ tuổi 45 để hiểu vợ hơn và cũng tìm thấy nhiều lý giải, nhiều lời khuyên bổ ích. Nhưng thú thật từ trước giờ tôi chưa từng nghĩ, giai đoạn mãn kinh lại có những tác động mạnh đến tâm lý phụ nữ đến thế.
Cảnh giác với stress, trầm cảm
Những dòng tâm sự của anh Nguyễn Xuân Thành (Nguyễn Chí Thanh, Q.10, Tp.HCM) về việc “trái tính, trái nết” của vợ khi cô ấy bước vào tuổi trung niên. Lý giải cho hiện tượng vợ anh Thành, bác sĩ a khoa Vũ Thị Tuấn Anh (Phòng khám Hòa Bình, số 30-Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Vào tuổi mãn kinh, sự suy giảm công năng buồng trứng, sự mất cân bằng hormone trong cơ thể, sự quấy nhiễu của các loại triệu chứng khác… sẽ làm phụ nữ trung niên dễ bị thay đổi tâm tính.
Họ sẽ rất dễ lo lắng và trầm cảm trước những chuyện rất đổi bình thường. Họ có thể mang tâm bệnh khi thấy con cái lớn khôn và không còn quấn quýt bên mẹ như xưa. Họ có thể lo đến phát bệnh chỉ vì vài sợi tóc bạc trên đầu. Họ có thể stress nặng khi thấy vị trí công việc của mình có thể bị lung lay bởi những đồng nghiệp trẻ tuổi…
Bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ thêm: Tuy nhiên vẫn có nhiều phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh mà không có bất cứ xáo trộn tâm lý nào. Đó là những người tự biết điều chỉnh diễn biến tâm lý bản thân một cách hiệu quả. Vì vậy, để bản thân mình hoặc người thân không bị cuốn vào những nỗi buồn vô cớ trong giai đoạn mãn kinh này, bạn nên chú ý đến những biểu hiện bất thường và cách giải tỏa như sau:
Biểu hiện cảnh giác
- Nhìn cuộc sống, tương lai với cái nhìn bi quan, buồn rầu. Thường xuyên cáu kỉnh. Đôi khi có cảm giác bất an, lo lắng, căng thẳng, chán nản, buông xuôi.
- Rối loạn sinh hoạt đời thường như: mất ngủ, ăn uống thất thường, giảm cân, giảm ham muốn tình dục, có biểu hiện của hoang tưởng và ảo giác.
- Không còn sự quan tâm thích thú trong sinh hoạt hàng ngày, công việc cũng như giải trí. Ít chăm sóc bản thân hoặc gia đình, có xu hướng tự đổ lỗi hành hạ bản thân.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu lực, uể oải.
Cách hóa giải
- Cần tiến hành khám sức khỏe tổng quát cả thể chất và tinh thần. Nếu có vấn đề tâm lý sẽ được tư vấn sớm. Nếu gặp vấn đề sức khỏe cũng được chữa trị sớm.
- Cần đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được điều trị và tư vấn.
- Kêu gọi sự hỗ trợ giúp từ người thân: chồng con, bạn bè… Sự quan tâm, chia sẻ của người thân (đặc biệt là người chồng) luôn là chất xúc tác giúp phụ nữa mãn kinh không bị cuốn vào những cảm giác tiêu cực.
- Lên chế độ ăn uống và luyện tập lành mạnh. Nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau quả, các sản phẩm từ đậu nành, uống nhiều nước. Hạn chế ăn thức ăn mặn, cay, nóng. Thường xuyên tập thể dục để giữ cho cơ thể thon gọn và chắc xương.
Con số biết nói Phụ nữ vào tuổi mãn kinh - Cứ 5 người sẽ có 1 người bị xáo trộn tâm, sinh lý nặng nề. - Hơn 75% gặp những cơn bốc hỏa. - 38% bị trầm cảm. - 46% bị mất ngủ, mệt nhọc, vận động chậm chạp, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng… (Nguồn WHO) |
Thanh Thu (thực hiện)
Chủ đề liên quan: