Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cảnh giác với suy tĩnh mạch chi

(SKGĐ) Mỏi chân, nhức chân hay những đường gân xanh nổi rõ ở bắp chân, nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh nặng, thậm chí gây tử vong.

Ảnh minh họa

Những dấu hiệu bất thường cho thấy bạn bị suy tĩnh mạch chi

Ăn cơm tối xong, thấy bàn chân nhức mỏi rất khó chịu nên chị Nguyễn Thu Hương ở Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM cắm ấm nước nóng để ngâm chân. Vừa đặt chân vào chậu nước đang bốc hơi, chị Hương chợt giật mình vì cả hai bắp chân đều có đường gân xanh nổi rõ. Chị ngẩn người trong chốc lát rồi tự trách mình vô tâm với sức khỏe. Lâu nay công việc bận quá nên chị không dành thời gian “ngắm nghía” đôi bàn chân của mình.

Xâu chuỗi lại các dấu hiệu mới xuất hiện, chị Hương thấy hơi lo lắng nên nhân buổi sáng hôm sau không có giờ lên lớp, chị đã tranh thủ đến khám ở một phòng khám tư nhân. Tại đây, các bác sĩ cho biết, chị đang mắc một bệnh lý gọi là suy tĩnh mạch chi dưới và một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do đứng nhiều.

Chị Hương cho hay, chị làm giáo viên đã tròn 19 năm. Chừng ấy thời gian chị đứng trên bục giảng và gắn chặt với phấn trắng, bảng đen. Tính sơ sơ, mỗi ngày chị cũng đứng giảng bài ít nhất một tiếng rưỡi. Có ngày dạy cả ngày, chị có 10 tiết giảng, phải đứng gần bốn tiếng rưỡi. Thành ra, làm cô giáo mà có tối về nhà, chị thấy chân mỏi rã rời y như vừa đi bộ về vậy. Vài năm gần đây, khi bước vào tuổi tứ tuần chị thấy thỉnh thoảng bắp chân bị đau nên hay nhờ cô con gái bóp chân.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội sinh cô con gái thứ hai được 10 tháng thì thấy chân có những đường gân xanh nổi rất rõ dưới da. Theo quan niệm dân gian, cả mẹ chồng và mẹ đẻ chị đều cho rằng tại khi mới sinh chị không chịu kiêng khem sau sinh, tắm, kỳ cọ quá sớm nên mới dẫn đến nổi gân như vậy. Mọi người cũng bảo, gân nổi vài bữa nó sẽ tự lặn nên không có gì phải lo cả. Thấy “người lớn” nói thế cộng với việc quá bận bịu với các công việc không tên của thời kỳ chăm con mọn nên chị không mấy để tâm. Tuy nhiên, vài tháng sau thì những đường gân đó nổi rõ hơn, chị thấy bất ổn nên không thể ậm ừ cho qua chuyện mà phải đến bác sĩ khám.

Mới đây chị Hòa, nhân viên của quầy thuốc tư nhân tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội cũng than thở với chị bạn chân mình có gân nổi khá rõ. Tưởng trường hợp của mình là đặc biệt nhưng chị Hòa lại được người bạn này cho hay, bản thân chị cũng thấy xuất hiện một vài mạch máu nhỏ li ti như hình mạng nhện ở gần mắt cá chân. Bạn chị Hòa làm nghề thợ may, thời gian một ngày chủ yếu là ngồi. Tuy nhiên, do có quá nhiều hàng đặt nên chị chưa sắp xếp đi khám được.

Bắt bệnh suy tĩnh mạch chi

Theo bác sĩ Nguyễn Điệp Linh, Bệnh viện 19-8 thì những biểu hiện như của các trường hợp nêu trên là dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh thường xảy ra với những người đứng nhiều, ngồi nhiều, vận động quá mức, phụ nữ sau sinh… Các biểu hiện có thể nhận diện của bệnh này là: Mỏi chân, nặng chân, đau bắp chân; bị chuột rút, nhất là vào ban đêm; cảm giác bị kiến bò, nóng chân và ngứa chân; có những đường mạch máu nhỏ dạng mạng nhện hay đường gân xanh nổi dưới da.

Hiện nước ta có khoảng 25-35% người mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, độ tuổi mắc bệnh thường là từ 35 tuổi trở lên. Suy tĩnh mạch chi dưới liên quan đến nhiều yếu tố như độ tuổi, cân nặng, giới tính, đặc biệt là liên quan đến công việc. Với nữ giới có công việc đòi hỏi đứng lâu hay ngồi nhiều thì càng tăng nguy cơ mắc bệnh...

Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới có nhiều mức độ khác nhau. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị giãn các tĩnh mạch lưới ở dưới da, tạo thành hình vằn vện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, cũng có người chỉ là những đường tĩnh mạch nhỏ như mạng nhện...

Lâu ngày, tình trạng này nặng dần khiến máu bị ứ trệ ở chân sẽ khiến bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở quanh mắt cá chân... gây khó chịu, khiến người bệnh luôn có xu hướng vận động chân như rung, gác chân lên cao.... Nặng hơn nữa, màu da ở chân sẽ bị thay đổi, chàm hóa da.

Đáng nói, không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà tình trạng tắc tĩnh mạch này có thể gây biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc mạch phổi rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi

Chị Lê Thu Nga, Hà Nội kể, chị bị suy tĩnh mạch chi dưới đã vài năm nay. Mỗi ngày chị đều đi bộ 5km nhưng không thấy bệnh suy giảm. Khi đi khám, bác sĩ cho biết, người mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cần thiết phải tập luyện nhưng đi bộ quá nhiều không phải là môn phù hợp mà thay vào đó, người bệnh nên chuyển sang đi bộ quãng ngắn hơn và bơi lội hay những thao tác vận động nhẹ nhàng..

Với bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, tùy vào độ nặng của bệnh mà được chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể được hướng dẫn dùng tất thun khi làm việc, vận động và được chỉ định dùng thuốc cho đến khi mất các biểu hiện trên.

Trong trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định phải điều trị ngoại khoa như chích xơ, phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch bị giãn... Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật rút bỏ các tĩnh mạch giãn đòi hỏi phải gây tê tích cực, bệnh nhân phải nằm viện, có sẹo và có thể có các nguy cơ biến chứng do phẫu thuật.

Hiện nay, ngoài hai phương pháp trên thì phương pháp Laser nội tĩnh mạch đã được áp dụng. Phương pháp này mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh. Đó là sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể vận động ngay, xuất viện ngay và đi lại bình thường, không phải có thời gian hậu phẫu như phương pháp ngoại khoa trên. Tuy nhiên, chi phí điều trị phương pháp này khá cao khoảng hơn 1.000 đôla, hơn nữa bệnh nhân phải tự chi trả hoàn toàn.

BS. Điệp Linh nhấn mạnh, khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường kể trên, người dân nên tới viện khám để được khám, điều trị, tránh nguy cơ bệnh trầm trọng dẫn đến biến chứng.

Nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép để điều trị bằng phương pháp Laser nội tĩnh mạch thì vẫn có thể điều trị nội khoa kết hợp với việc thay đổi chế độ sinh hoạt, thường xuyên vận động tránh đứng, ngồi quá lâu và nên có thời gian đi lại ngay trong phòng, không ngồi lỳ từ sáng đến tối.

Ngoài ra, cần chú ý giữ mức cân nặng cơ thể hợp lý, nên bỏ thuốc lá, có chế độ ăn uống hợp lý, giàu trái cây, rau xanh, chú ý tập luyện thể dục phù hợp để phòng chống bệnh.

Bạn có biết?

- 77,6% bệnh nhân không hề biết về bệnh tĩnh mạch trước đó.

- 91,3% người mắc bệnh tĩnh mạch chi không được điều trị

- 8,7% người mắc bệnh tĩnh mạch chi điều trị không đúng phương pháp.

(Nghiên cứu của Trường đại học Y dược Tp.HCM)

Linh Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/canh-giac-voi-suy-tinh-mach-chi-17548/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY