Cây thuốc quanh ta hôm nay

Cảo bản - Thuốc giải biểu, tán hàn, chỉ thống

Cảo bản là thân rễ và rễ dưới đất khô của cây cảo bản (Ligusticum sinense Oliv.) hay cây cảo bản bắc (Ligusticum jecholense Nakai et Kitaga.), thuộc họ hoa tán (Apiacerae).

Cây mọc hoang. Đào thu hoạch vào mùa xuân và thu, bỏ mầm thân và bùn đất, loại bỏ tạp chất, bỏ đoạn thân còn sót, rửa sạch, sau khi thấm ướt cắt ngay thành phiến, phơi khô là được. Bảo quản nơi khô ráo tránh ẩm.

Cảo bản chứa tinh dầu (3-butylphalid, cnidilid), alkaloid, acid hữu cơ... Theo Đông y, cảo bản vị cay, tính ôn, không độc; vào kinh bàng quang. Tác dụng giải biểu, tán hàn, khu phong thắng thấp chỉ thống. Trị phong hàn đầu thống (nhức đầu do cảm lạnh); hàn thấp san hạ (thoát vị, sưng phù do lạnh); đau bụng tiêu chảy; dùng ngoài chữa ghẻ ngứa. Ngày dùng 2,5 - 6g. Dùng ngoài liều lượng vừa đủ, đun sôi lấy nước rửa chỗ đau.

Một số bài Thuốc có cảo bản

Giải biểu tán hàn, khu phong chỉ thống

Bài 1: cảo bản, xuyên khung, tế tân, hành tây. Sắc uống. Chữa đau đầu do hàn tà.

Bài 2: cảo bản 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 12g, cam thảo 6g. Sắc uống. Chữa đau khớp do phong thấp.

Bài 3 - Khương hoạt thắng thấp thang: cảo bản 4g, phòng phong 4g, khương hoạt 8g, độc hoạt 8g, chích cam thảo 4g, xuyên khung 4g, mạn kinh tử 3g. Sắc uống ấm trước khi ăn. Trị phong thấp ở biểu (vai lưng đau cứng, nhức đầu, nặng mình, cột sống đau nhức).

Bài 4: cảo bản 6g, xuyên khung 4g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, tế tân 3g, cam thảo 4g. Sắc uống nóng sau bữa ăn. Chữa đau nửa đầu.

Bài 5: thiên ma 10g, câu đằng 15g, bạch chỉ 10g, bán hạ chế 15g, cảo bản 10g, huyền minh phấn 6g, xuyên khung 15g. Sắc uống. Công dụng hóa đàm tức phong. Chữa đau đầu kèm ăn kém, ngực đầy, nôn, rêu lưỡi nhớt, mạch hoạt.

Chữa đau bụng tiêu chảy

Bài 1: cảo bản 20g, thương truật 12g. Sắc uống. Chữa đau bụng, đau dạ dày do hàn.

Bài 2: cảo bản 4g, khương hoạt 15g, tần giao 8g, hoàng kỳ 8g, phòng phong 6g, sài hồ 6g, thăng ma 4g, ma hoàng 5g, cam thảo 4g, tế tân 2g, hồng hoa 2g. Sắc uống. Công dụng thăng dương tiêu trĩ. Trị trĩ kèm ngứa.

Chữa bệnh ngoài da

Bài 1: cảo bản sắc lấy nước, lau người hoặc tắm và giặt quần áo. Trị ghẻ lở.

Bài 2: cảo bản, bạch chỉ; liều lượng bằng nhau. Các vị nghiền bột mịn. Dùng buổi tối, lấy lượng vừa đủ, xát lên da đầu, xoa kỹ, sáng hôm sau gội đầu. Chữa vảy gàu trên đầu.

Kiêng kỵ: Người đau đầu do huyết hư, can dương thượng cang, hỏa nhiệt nội thịnh không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/cao-ban-thuoc-giai-bieu-tan-han-chi-thong-n156209.html)
Từ khóa: cảo bản

Chủ đề liên quan:

cảo bản

Tin cùng nội dung

  • Theo y học cổ truyền, dược liệu Cảo bản Vị đắng, hơi cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, ráo thấp, lưu thông khí huyết. Thường được dùng chữa: Cảm phong hàn, đau đầu; Kinh nguyệt không đều; Bán thân bất toại (liệt nửa người), chân tay co quắp. Còn dùng ngoài chữa ghẻ lở, chốc đầu, mẩn ngứa và làm sạch gầu ở đầu.
  • Tại Trung Quốc, liêu cảo bản chủ sản ở Hà Bắc, rồi đến Sơn Tây, Liêu Ninh, Cát Lâm, Nội Mông. Loại này vừa dùng trong nước, vừa để xuất khẩu một ít.
  • Vị đắng, hơi cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, ráo thấp, lưu thông khí huyết
  • Đông y cho rằng cảo bản có vị cay, tính ôn, quy vào Bàng quang kinh. Có công năng tán phong hàn, trừ thấp.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY