Mô tả: Dây leo thảo mọc hằng năm, thân nhánh mịn, không lông. Lá xẻ như kép lông chim thành nhiều phiến hẹp, song song, nhọn. Cụm hoa ở nách lá, ít hoa. Hoa đỏ, đẹp; lá đài bằng nhau, có mũi; tràng dài cỡ 3cm; 5 nhị đính ở gần gốc tràng. Quả nang hình trứng, không lông, mở từ dưới lên trên, cao 9mm. Hạt đen, dài 5-6mm.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Thái Lan, Philippin, được truyền vào nước ta và cũng được trồng làm hàng rào, làm cây cảnh. Có thể thu hái toàn cây quanh năm.
Thành phần hoá học: Lá và thân chứa một lượng nhỏ alcaloid. Lá chứa cyanogen; cũng có vết cyanogen ở rễ, thân và hoa.
Tính vị, tác dụng: Cây có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, lợi tiểu. Hạt nhuận tràng mạnh. Ở Trung Quốc lá và hạt được xem như có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, bài nùng sinh cơ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, lá dùng trị nhọt; giã ra rồi đắp trị trĩ chảy máu, và dịch lá với bơ lỏng đun nóng dùng uống trong. Cây được dùng như Thu*c lọc máu và được dùng trị nọc rắn cắn.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá, hạt được dùng trị mụn nhọt, lở ngứa, trĩ và đái dắt. Ở Quảng Tây, người ta còn dùng toàn cây trị rắn cắn. Liều dùng 8-12g, dạng Thu*c sắc, dùng ngoài giã đắp và nấu nước rửa.