Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Cha mẹ châu Á chi tiền, ép con đua thành tích

Nhiều phụ huynh ở các nước châu Á mạnh tay chi tiền, ép con cái học hành từ nhỏ với hy vọng chúng sẽ thành tài. Song điều đó vô tình tạo áp lực lớn khiến con trẻ tổn thương.

Trước kỳ thi giữa kỳ, mẹ của Wen Zi Xu (11 tuổi, Thành Đô, Trung Quốc) hỏi xem con trai đặt mục tiêu về điểm số thế nào. Cậu đáp 100 điểm cho môn tiếng Anh, 95 trở lên với môn Toán và trên 80 đối với tiếng Trung - môn yếu nhất.

Song mẹ Zi Xu không vừa lòng, bà nói như vậy là "chưa đủ". Cậu bé 11 tuổi tỏ ra sợ sệt: “Nhưng nếu con hứa được 85 điểm mà không đạt thì mẹ sẽ mắng con. Nên từ từ để con cố được không ạ?”.

Biết mình nghiêm khắc, nhưng bà mẹ cho rằng còn có nhiều phụ huynh "không bao giờ chấp nhận dù chỉ một lỗi nhỏ của con trẻ trong các kỳ thi".

"Họ yêu cầu con phải đạt 100 điểm. Một số người thậm chí còn đánh đập chúng nếu không đạt được con số đó", bà Feng Ji kể.

Để tìm hiểu xem phụ huynh sẽ làm gì để đạt được kỳ vọng với tương lai của con, The Family Affair có series phóng sự theo chân các gia đình tại các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Hàn Quốc.

Họ nhận thấy cha mẹ khắp các nước châu Á vật lộn để trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để con cái đạt được thành công?", rồi mắc kẹt trong cuộc đua thành tích.

Cha mẹ Wen Zi Xu không muốn con phạm lỗi dù là nhỏ nhất trong các kỳ thi.

Mạnh tay chi tiền

Với trường hợp của Wen Zi Xu, cha mẹ theo sát cậu từ khi còn nhỏ. Chưa đầy 1 tuổi, Zi Xu đã tập bơi. Trước năm lên 3, cậu bắt đầu học tiếng Anh. Từ năm 3-6 tuổi, cậu học piano. Mẹ cậu cho biết con trai đã học bóng chày trong một thời gian dài.

Lên lớp 3, Zi Xu làm quen với lập trình máy tính và học về công nghệ sáng tạo.

Cha mẹ cậu bé 11 tuổi đã chi khoảng 1 triệu nhân dân tệ ( 144.500 USD ) cho các hoạt động giáo dục của con.

"Chúng tôi định nhân lúc cháu còn ít tuổi, cho nó học nhiều loại hình khác nhau để tìm ra điểm mạnh và phát triển. Giáo dục sớm chính là một sự đầu tư", bà Feng cho hay.

Là đứa con duy nhất trong nhà, Zi Xu hiểu rằng mọi người đang "cuống cuồng hết lên" để lo cho mình.

"Mọi người đều hy vọng biến cháu thành người giỏi nhất. Cha từng nói nếu không phải đầu tư tiền cho chuyện học của cháu, cả nhà đã được ở trong một căn biệt thự cao cấp và lái ôtô hạng sang”, cậu kể.

Zi Xu được học bơi, chơi đàn piano, tiếng Anh từ khi còn nhỏ.

Wen Ju, cha của Zi Xu, hiện kinh doanh quảng cáo trực tuyến, muốn con trai tham gia vào lĩnh vực công nghệ vì tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế công việc của con người trong tương lai gần.

"Tôi cho rằng việc này phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Nếu thằng bé bắt đầu muộn, nó không thể theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt", người đàn ông 41 tuổi cho hay.

Từ năm lên 8, con ông đã dành 10 tiếng mỗi ngày để tham gia các lớp học liên quan đến công nghệ.

Bà nội cậu không giấu được sự tự hào: "Thằng bé đã tham gia nhiều cuộc thi và lần nào cũng giành giải thưởng".

Nhưng mẹ cậu thì không. "Bây giờ việc vào được trường cấp 2 tốt quan trọng hơn cả. Có thứ hạng cao mới là thứ đang quan tâm", mẹ Zi Xu nói.

Cha mẹ cậu bé bất đồng quan điểm. Trong khi một người muốn con có nhiều thời gian thư giãn và khám phá, người kia lại cố lấp đầy lịch trống của cậu với các lớp học thêm, ngay cả trong ngày chủ nhật.

"Trong tương lai, thằng bé có thể không phải người có điểm số cao nhất lớp. Nhưng nó có thể phát huy thế mạnh để cạnh tranh", cha Zi Xu nói với vợ mình.

Nhưng mẹ cậu khăng khăng bản thân đang vạch ra "thực tế tàn khốc": "Mọi đứa trẻ đều có cùng điểm xuất phát. Chúng có cùng lượng thời gian. Con chúng ta chưa đủ chăm chỉ. Cứ so sánh nó với những đứa trẻ khác đang miệt mài phấn đấu từng ngày, từng giờ mà xem".

Nhưng một thực tế rõ ràng là Zi Xu đang mệt mỏi và cố phản ứng lại với sự ép uổng từ gia đình.

"Cháu trông có vẻ hoạt bát và vui vẻ. Nhưng sâu bên trong, cháu vô cùng áp lực với chuyện học hành và hàng đống thứ chuyện khác. Chúng làm cháu thấy bất an", cậu bày tỏ.

Chạy theo tham vọng của con

Ở Singapore, cậu bé 9 tuổi Keane Yap hiểu rõ thế nào là một lịch trình kín đặc. Song đó là điều cậu muốn: Được đứng trong lớp hàng đầu, trở thành người nổi tiếng, một ngôi sao đa tài, có thể hát, nhảy và diễn xuất.

Lịch trình mỗi ngày của cậu đều kín mít. Thứ 2 học wushu, thứ 3 môn Toán và học diễn xuất 1-1, lớp luyện nói và luyện giọng vào thứ 4, thứ 5 là lớp tiếng Trung, học bơi và học hát ngày thứ 6.

Cậu bé 9 tuổi Keane Yap hiểu rõ thế nào là một lịch trình kín đặc.


Mẹ của cậu, Celine Yap, từng là nhân viên tổ chức sự kiện, đã quyết định ở nhà để dành thời gian cho con từ khi cậu mới 5 tuổi.

Hết lòng ủng hộ mơ ước của con, Celine Yap đã trở thành người quản lý kiêm lái xe, giúp cậu xây dựng hồ sơ cá nhân và đưa cậu đi tham gia vô số buổi chụp hình và các show thời trang.

Đến nay, Keane Yap đã tham gia 35 dự án, từ đóng quảng cáo đến phim truyền hình như Lion Mums, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hát quốc tế như Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Hong Kong .

Mỗi tháng, gia đình đã chi hơn 2.000 SGD ( 1.450 USD ) cho các lớp học của Keane. Mẹ cậu coi đây là khoản đầu tư "quan trọng". Bà cũng cố gắng hỗ trợ để Dawn, chị của Keane, trở thành ngôi sao ca hát khi cô còn nhỏ.

"Các cuộc thi sẽ củng cố sự tự tin cho bọn trẻ. Tôi muốn chúng không sợ sân khấu và yêu thích biểu diễn. Đó là những kỹ năng mềm tôi đang cố trang bị cho con", bà Yab nói.

Là một đứa trẻ cầu tiến, Keane còn muốn học tốt tại trường. Chỉ cần có lần bị 80 điểm tiếng Anh, cậu sẽ xin cha mẹ cho đi học thêm. "Lớp của cháu toàn những người thông minh. Hầu hết đều đạt 85 điểm trở lên. Đó mới là lớp nhóm đầu".

Không muốn dừng bất cứ hoạt động biểu diễn nghệ thuật nào, nhưng khi điểm số các môn học giảm sút, cậu sẽ bị phạt. Mỗi tuần cậu chỉ còn được chơi game 5 tiếng, dưới sự giám sát của cha.

Biến con thành "nô lệ" cho ước mơ của mình

Không ép con phải có điểm số cao, nhưng Song Doo-hak (Hàn Quốc) lại kỳ vọng các con sẽ nối nghiệp. Người đàn ông 36 tuổi là tỷ phú tự thân và là nhân vật trẻ nhất từng đứng đầu một hiệp hội thương gia ở Hàn Quốc.

Sự nghiệp của anh bắt đầu với cửa hàng bánh mì kẹp được mở năm 2007.

Con gái lớn Yeon-ji (20 tuổi) và cô con thứ Eun-ji (16 tuổi) đều được nhận xét là "thần đồng" ở trường, từng giúp đỡ gia đình buôn bán từ nhỏ.

Cửa hàng làm ăn khấm khá nhưng khuôn mặt của các con của Song hiếm khi nở nụ cười.

"Năm cháu lên lớp 8, công việc ở cửa hàng rất bận rộn nên cháu phụ việc buôn bán nhiều hơn cả học. Cháu còn không có thời gian mà nổi loạn nữa", Yeon-ji nói.

"Bạn bè cháu thường đi ngang qua cửa hàng. Thấy họ được chơi vui vẻ trong khi mình phải làm việc, cháu cũng muốn đi chơi. Nhưng cháu bận làm bánh mì", cô gái 20 tuổi nói thêm.

Song thừa nhận vì quá chú trọng việc kiếm tiền, anh ít để tâm đến con cái. "Tôi không đưa các con đến công viên giải trí mà để chúng ở cửa hàng bánh mì. Tôi có thể cảm nhận từ biểu cảm của các thành viên trong gia đình rằng họ không hạnh phúc ngay cả khi chúng tôi ăn nên làm ra", Song nói.

Không chỉ các con mà ngay vợ của Song, Kim Mi-ok, cũng không đồng tình khi họ đang "biến con thành nô lệ" cho giấc mơ làm giàu của mình.

"Thay vì dạy chúng đi đường tắt, sao không cho chúng nhiều lựa chọn hơn. Chúng ta là cha mẹ, đó là nghĩa vụ phải làm. Ngay cả khi anh ép chúng đi lối tắt, liệu đó có phải con đường đúng đắn không?", Kim nói.

Nhưng theo anh, người chỉ đạt 100/400 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, học giỏi ở trường không phải con đường duy nhất để thành công.

"Tôi đang cố tạo ra một lối tắt cho các con. Nếu cùng nhau làm việc, một ngày nào đó chúng ta có thể mở cửa hàng cho cả hai đứa".

Cha mẹ khắp các nước châu Á vật lộn để trả lời cho câu hỏi: "Làm thế nào để con cái đạt được thành công?", rồi mắc kẹt trong cuộc đua thành tích.


Theo Đinh Phạm

Zing

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/cha-me-chau-a-chi-tien-ep-con-dua-thanh-tich-20200825103606354.htm)
Từ khóa: đua thành tích

Chủ đề liên quan:

đua thành tích

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY