Cụ thể, khi được đưa vào bệnh viện thì bé có tình trạng mệt mỏi, kém ăn, kèm đau khớp gối hai bên. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm và thực hiện một số biện pháp thăm khám, chẩn đoán được bé viêm gan cấp, đau khớp. Hiện vẫn phải điều trị và theo dõi tại bện viên.
Các bác sĩ đã hỏi cha mẹ của bé và biết được nguyên nhân đến từ việc muốn con được tăng trưởng chiều cao nhanh chóng, mẹ đã tự tìm mua thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao cho con và sử dụng thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Từ thông tin này, nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng khi đã bỏ tiền ra mua các loại thực phẩm tăng cường chiều cao cho con và tự hỏi họ sẽ nên tiếp tục sử dụng hay phải dừng lại. Các chuyên gia đã đưa lời giải đáp như sau: thực tế thì các loại thuốc hay thực phẩm chức năng tăng chiều cao đều có hiệu quả ở một mức độ nào đó, do thành phần của các loại thuốc hoặc thực phẩm này chủ yếu là các dưỡng chất có lợi cho sự phát triển của hệ xương như: canxi, vitamin D, phốt pho, magie, kali… giúp hỗ trợ hệ xương phát triển nhanh, chiều cao tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như lời quảng cáo thì chắc chắn là không bao giờ. Không chỉ vậy, nếu có xu hướng lạm dụng thì sẽ dẫn tới kết quả gây hại như của bé gái 5 tuổi, hoặc tồi tệ hơn là gây ra tình trạng dư thừa canxi trong máu, khi đi vào xương khiến xương cứng sớm dẫn tới tình trạng trẻ bị hạn chế phát triển chiều cao, đồng thời trẻ sẽ bị biếng ăn, buồn nôn, nặng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, sỏi thận, cường giáp, các bệnh tim mạch…
Biết rằng cha mẹ sẽ cảm thấy sốt ruột khi nhìn con mình thấp còi hơn các bạn khác, tuy nhiên, để giúp xương phát triển và dài ra đòi hỏi một quá trình dài tích lũy dinh dưỡng cũng như kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học.
Các chuyên gia căn dặn, cha mẹ hoàn toàn có thể cho con dùng thực phẩm bổ sung giúp tăng chiều cao nhưng phải có sự chỉ định của các bác sĩ để nhận được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng nên kết hợp với các yếu tố sau đây để quá trình được thúc đẩy toàn diện.
Các loại sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao chỉ giúp người dùng củng cố dinh dưỡng cho xương có đủ nguyên liệu để tăng trưởng, thuộc về hình thức hỗ trợ chứ không phải là yếu tố chính giúp phát triển chiều cao cho con (Ảnh: Internet) |
Trong các giai đoạn tăng chiều cao của trẻ, dinh dưỡng là yếu tố lối sống quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiều cao. Do đó, thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng cho trẻ là một trong những cách phát triển chiều cao bố mẹ cần đặc biệt quan tâm.
Theo đó, chế độ dinh dưỡng tăng chiều cao cần đảm bảo 4 nhóm dưỡng chất chính (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất). Chú ý ưu tiên các dưỡng chất có lợi cho sự tăng trưởng và chắc khỏe của xương như canxi, vitamin D, kẽm, kali, magie... từ các loại ngũ cốc, sữa, các chế phẩm từ sữa, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nho khô, các loại hải sản có vỏ…
Trẻ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến chiều cao như bánh ngọt, các loại thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa…(Ảnh: Internet) |
Các chuyên gia cho biết, hệ xương của trẻ phát triển mạnh vào lúc ngủ, đặc biệt là trong khung giờ 22h – 4h sáng hàng ngày, đạt đỉnh cao nhất lúc 0h. Đây là lúc hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất, giúp xương tăng khả năng hấp thụ canxi. Vì thế, bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, trước 21h với trẻ chưa đi học, và trước 22h với trẻ đã đi học.
Để con được ngủ ngon và sâu giấc, phụ huynh cũng nên chú ý đến không gian phòng ngủ, đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ; gối chăn mềm mại, dễ chịu; quần áo bé mặc rộng rãi, thoải mái…(Ảnh: Internet) |
Cùng với dinh dưỡng khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao được xem là "bộ đôi" giúp trẻ tăng chiều cao. Vận động không chỉ giúp săn chắc cơ bắp và hệ xương thêm khỏe mạnh, cứng cáp mà còn giúp duy trì cân nặng, vóc dáng, thúc đẩy cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng chiều cao. Đối với các trẻ nhỏ, bố mẹ có thể giúp trẻ chọn lựa và luyện tập các môn vận động phù hợp, tùy vào từng độ tuổi và thể trạng của bé, như: tập aerobic, nhảy dây, đi xe đạp, bơi lội, cầu lông, bóng rổ,...
Các thói quen về tư thế từ nhỏ ở trẻ góp phần làm nên vóc dáng lý tưởng sau này. Vì thế, nếu muốn con phát triển chiều cao toàn diện, hãy nhớ luôn giữ tư thế đúng, tránh các tư thế "xấu" trong sinh hoạt hàng ngày. Tư thế "xấu" vừa khiến bạn có vẻ thấp hơn thực tế, đồng thời có thể gây ảnh hưởng đến chiều cao nếu duy trì liên tục trong thời gian dài. Nếu chùng lưng xuống thường xuyên, tư thế xấu này có thể gây ra tình trạng "lùn đi", thậm chí đau nhức ở cổ và vùng lưng.
Việc kiểm tra và tầm soát toàn diện sức khoẻ, dinh dưỡng cho trẻ sẽ giúp bố mẹ nắm bắt chính xác và phát hiện các vấn đề mà con trẻ đang gặp phải và kịp thời can thiệp bằng giải pháp hữu ích. Vì cân nặng, chiều cao của trẻ cũng là một chỉ số quan trọng nói lên tình trạng sức khỏe bên trong của trẻ. Định kỳ 6 tháng/ 1 lần bố mẹ nên cho trẻ đến thăm khám tại các địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín.
Các bậc phụ huynh nếu lo lắng về chiều cao, cân nặng của trẻ thì cần đưa con tới khám chuyên khoa dinh dưỡng tại các cơ sở y tế, để được bác sĩ, chuyên gia tư vấn. Không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của con trẻ.
Xem thêm: 10 thức uống tự nhiên giàu collagen giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: