Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chăm sóc răng trong và sau niềng răng

(SKGĐ) Để đạt hiệu quả tốt nhất, người niềng răng cần phải tuân thủ những nguyên tắc về chăm sóc và bảo vệ răng trong và sau quá trình chỉnh răng.

BS. Nguyễn Thị Phòng (Phòng khám Nha Khoa Bảo Việt) cho biết, việc vệ sinh răng việc trong quá trình niềng tăng cũng hết sức quan trọng, nó quyết định rất lớn đến hiệu quả chỉnh nha. Nếu bệnh nhân không tuân thủ những quy tắc vệ sinh răng miệng khi đang chỉnh răng có thể khiến cho răng hỏng, viêm lợi, sâu răng… Bởi vậy, trong quá trình chỉnh nha, người bệnh cần phải:

1. Đánh răng đúng cách

Việc đánh răng đối với những người niềng răng vô cùng quan trọng và phức tạp hơn rất nhiều so với những người khác. Nguyên nhân là do khi niềng răng, các móc cài, dây niềng, lò xo, các sợi chun cao su… có thể giữ lại thức ăn và mảng bám trên răng. Nếu không được làm sạch, chúng sẽ trở thành những yếu tố làm hại men răng và gây viêm lợi.

Vệ sinh sạch sẽ răng miệng sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất 3 lần/ ngày bằng bàn chải kẽ, đây là loại bàn chải riêng dành cho người chỉnh nha. Mỗi lần chải răng tối thiểu trong 3 phút. Khi chải răng cần chải hết các phần phía trên viền lợi, phía trên mắc cài, phía dưới mắc cài, lấy hết thức ăn giắt giữa các mắc cài và chải sạch mặt nhai.

BS. Nguyễn Thị Phòng khuyến cáo: Trước khi tiến hành chỉnh nha, mỗi người cần phải tìm hiểu kỹ về chỉnh nha, chuẩn bị đầy đủ tiền bạc, tâm lý… Cần phải khám lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệp và nghe tư vấn từ bác sĩ. Để có hiệu quả chỉnh nha tốt nhất và an toàn, cần phải đến những bệnh viện, phòng khám uy tín, có đủ những dụng cụ y tế đạt chuẩn để phục vụ tốt nhất cho quá trình chỉnh nha.

2. Sử dụng thực phẩm mềm

Trong khi niềng răng, bạn chỉ nên ăn những thực phẩm như các món luộc, cháo, súp, sữa… để tránh gây tổn thương cho răng và làm lệch hay đứt niềng răng. Hơn nữa, những tuần đầu răng lợi, hoặc má còn cảm giác đau vì thế nên tiêu thụ những thực phẩm lỏng, mềm.

Sau đó có thể ăn những thực phẩm cứng hơn, nhưng cũng cần lưu ý, tránh ăn các thực phẩm có độ cứng, giòn hoặc dùng răng với lực mạnh để cắn, xé và nhai như bắp rang, đậu phộng, kẹo cứng, mía, ổi, xương, nhai đá… Đối với những loại thức ăn cứng và bổ dưỡng như táo, bí đỏ hoặc cà rốt, có thể cắt thành từng miếng nhỏ, hoặc luộc mềm trước khi ăn.

3. Hạn chế các loại đường

Các loại thức ăn có đường và giàu tinh bột như bánh ngọt, kẹo, sôcôla… thường dễ sinh ra axit, dẫn đến sâu răng và các bệnh về lợi. Do đó, chúng ta nên hạn chế những thực phẩm hay đồ uống chứa nhiều đường, tránh uống nhiều trà, nước ngọt, coca…

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh những thực phẩm như kẹo cao su, caramel, bởi chúng không chỉ gây nên những hệ lụy cho răng miệng mà còn có thể làm hỏng dây thép, nẹp răng và làm cong các khí cụ trên răng.

4. Xử lý sự cố với niềng răng

Khi chỉnh nha, chuỗi dây hoặc niềng răng có thể bị nhô ra, lỏng lẻo trong quá trình ăn uống và sinh hoạt, nó gây kích thích khó chịu đến răng, lợi, môi… Bạn không nên tùy ý chỉnh lại vị trí mà hãy đến bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh lại.

5. Tập thể thao

Trong thời gian chỉnh nha, hãy hạn chế chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao cần vận động mạnh, có thể gây chấn thương vùng mặt như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, võ thuật… Khi bị chấn thương, các khí cụ bị lỏng, hư hỏng hoặc bong ra bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.

Hệ lụy của niềng răng

Mặc dù, niềng răng đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe và sắc đẹp, tuy nhiên việc chỉnh nha tràn lan, không đúng cách hoặc không thực hiện đúng các biện pháp chăm sóc răng miệng không chỉ làm răng hỏng mà còn gây ra nhiều hệ lụy như:

- Trong quá trình chỉnh nha không tuân thủ chế độ sinh hoạt, ăn uống có thể sẽ khiến răng bị đau nhiều hơn, nguy cơ bị xoay lệch lại, lung lay răng. Nhai thức ăn bị đau dẫn đến bệnh dạ dày.

- Điều trị nha không đúng không chỉ làm răng nghiêng, lệch lạc, các múi răng không khớp nhau, mà bệnh nhân còn bị đau khớp thái dương hàm, khó há miệng, ảnh hưởng tới hệ thống tiền đình, làm đau đầu chóng mặt, đau cổ, vai, gáy.

- Vệ sinh không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ viêm lợi, bong khí cụ.

Bác sĩ Phòng cho biết trong quá trình chỉnh nha răng sẽ bị lung lay, cảm giác vướng víu, đau, khó chịu, phát âm không chuẩn… Nhưng đó là những biểu hiện bình thường trong thời gian đầu. Sau đó họ sẽ dần quen và sau khi kết thúc chỉnh nha mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy những biểu hiện bất thường khác cần phải tới khám ngay để đề phòng những hệ lụy có thể xảy ra.

Lam Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/cham-soc-rang-trong-va-sau-nieng-rang-19109/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY