"Về rồi đấy à?", một người phụ nữ Việt hồ hởi hỏi han khi thấy Fabian bước vào nhà. Chàng trai lờ mờ hiểu nên chỉ nhoẻn miệng cười thay cho câu trả lời. Cậu cất đồ vào căn buồng, rồi mới quay ra nói chuyện với mọi người qua ứng dụng Google dịch.
"Cuộc sống bên Đức của Fabian tốt thế mà về đây, tối cùng ngủ với chú dì và hai em trong buồng này, thằng bé chẳng phàn nàn gì cả. Nấu món gì cũng ăn, cũng chưa bao giờ chê nhà dì", người phụ nữ tứ tuần tự giới thiệu là dì ruột của Fabian nói.
Lớn lên tại một thị trấn ở đông nam nước Đức, cậu bé Fabian trải qua tuổi thơ êm đềm bên cha mẹ đều làm nghề dạy học. Họ đã nhận nuôi cậu từ một trại mồ côi ở Việt Nam và đưa sang nước ngoài khi mới 3 tháng tuổi. Fabian là đứa con duy nhất của cặp vợ chồng này.
Từ nhỏ, Fabian đã biết mình không phải con đẻ, nhưng hai năm trước cậu mới hỏi về việc mình được nhận nuôi. Mẹ cậu liền mang ra một chiếc hộp, bên trong chứa toàn bộ giấy tờ về con được ghi bằng tiếng Việt. Giấy khai sinh ghi tên Fabian là Lưu Phước Thành, sinh ngày 8/6/1999, tại Bệnh viện Từ Dũ. Phần cha mẹ bỏ trống. "Tôi tò mò về cha mẹ đẻ, không biết họ là ai, có sống tốt không?", cậu chia sẻ.
Từ lúc đó chàng trai ấp ủ ý tưởng tìm về nơi chôn rau cắt rốn. Tốt nghiệp cuối năm 2019, Fabian chuẩn bị cho chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên trong đời. Ngày 30/1, Fabian đặt chân tới TP HCM. Ba ngày sau, cậu tìm tới một ủy ban ở quận Gò Vấp. Suốt ngày hôm đó chàng trai trẻ đi qua nhiều phòng ban, được nhiều người giúp đỡ, tuy nhiên không tìm ra một manh mối nào về mẹ. "Ngay từ đầu tôi đã không dám kỳ vọng nhiều. Dù vậy tôi rất buồn", Fabian bộc bạch.
Hôm sau, cậu tiếp tục đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Đây là nơi nuôi Fabian những ngày đầu đời và là địa chỉ cuối cùng để tìm mẹ. Giống như ngày hôm trước, ở đây chàng trai cũng không tìm được manh mối gì về gốc gác của mình. Fabian buồn bã bước ra cổng Trung tâm, bỗng một nhân viên trung tâm chạy đến bảo: "Chờ một chút". Hai mươi phút sau, người phụ nữ quay lại đưa cho Fabian một mẩu giấy, trên đó là tên và địa chỉ của mẹ ruột cậu tại Thanh Hóa. "Tôi cầm mẩu giấy ngồi bất động, nhìn chằm chằm vào nó khoảng 30 phút", cậu nhớ lại.
Ngày hôm sau, Fabian tìm đến UBND phường 4, quận Gò Vấp, nhờ tìm mẹ theo địa chỉ mới được cung cấp. Họ hẹn sẽ mất một tuần để tìm.
"Như thế đã quá tốt", Fabian nghĩ. Lòng phơi phới, cậu ra một quán cà phê ngồi. Chỉ một tiếng sau điện thoại cậu có tin nhắn: "Này, chúng tôi đã tìm thấy gia đình bà ngoại của cậu rồi".
Fabian nhận địa chỉ và số liên lạc. Định rằng, sẽ nhờ người phiên dịch để có thể nói chuyện với bà mình. Trong khi cậu còn đang loay hoay tìm cách thì người cán bộ phường tiếp tục báo: "Cậu vào Facebook đi. Tôi đã tìm thấy mẹ cậu rồi".
Anh Từ Chí Tiến, cán bộ của UBND phường 4, quận Gò Vấp, người đã giúp Fabian kết nối được với gia đình, chia sẻ, không ngờ chỉ sau 5 cuộc điện thoại anh đã tìm được bà ngoại của Fabian.
Tới khoảng 19h, anh Tiến nhận được cuộc gọi từ nước ngoài về. Vừa bật máy, anh đã nghe tiếng khóc thổn thức xen lẫn tiếng cảm ơn của mẹ Fabian. "Chị ấy nói 20 năm qua lần nào về nước cũng đi tìm con mà không tìm được. 20 năm chị ấy không có một giấc ngủ trọn vẹn vì không biết con sống hay đã ch*t", anh Tiến chia sẻ.
Vì hoàn cảnh đặc biệt, mẹ Fabian phải nhờ người nuôi hộ con, nhưng đến khi quay lại không thấy con đâu nữa. Nỗi đau biến thành động lực, chị lao vào học tập vì biết đây là con đường duy nhất có thể giúp mình tìm con. Hiện mẹ Fabian là một phụ nữ thành đạt định cư ở nước ngoài với chồng và con nhỏ. Nghe xong anh Tiến hiểu cho hoàn cảnh của người phụ nữ trẻ. Trong đêm anh tạo ra một group kết nối hai mẹ con.
Về phía Fabian, mọi thứ chóng vánh khiến cậu lâng lâng như trên mây. Tay run run, lòng hồi hộp, cậu mở Facebook. Có một lời kết bạn và một tin nhắn. "Đó là mẹ ruột của tôi. Tôi đã hoàn toàn choáng ngợp vì không chuẩn bị gì cho cuộc nói chuyện như vậy. Cảm xúc lúc đó thật khó tả, vui nhưng cũng bối rối", Fabian nhớ lại.
Từ đó chàng trai trò chuyện với mẹ hàng ngày. Cậu cũng được nói chuyện với các em cùng mẹ khác cha và người chồng của mẹ. Vì Covid-19 không thể tìm được chuyến bay về nước nên hai mẹ con hẹn sẽ gặp nhau khi những đường bay giữa các nước mở lại.
Việc tìm được mẹ quá nhanh và một số thông tin không khớp với giấy tờ nên Fabian vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Cậu muốn làm xét nghiệm ADN. Đầu tháng 6, cậu tìm về gia đình bà ngoại ở Thanh Hóa.
Nhớ lại ngày hôm đó, dì của Fabian kể, chị đang ở nhà thì chồng chạy về báo thấy ngoài đường có một cậu thanh niên đeo balô tìm gặp. Chị vội vàng phóng xe máy ra. "Đúng là cháu tôi rồi. Nó có khuôn mặt giống hệt chị gái tôi", dì của Fabian kể. Chị vừa nói vừa kéo cháu lên xe.
Ngay khi vừa đặt chân vào nhà, gặp dì dượng, gặp ngoại và các em, Fabian cảm thấy thoải mái, ấm áp như ở gia đình mình. Giao tiếp khá khó khăn, Fabian cũng không cảm thấy lạc lõng.
"Dù thế thâm tâm tôi vẫn bảo: 'Chờ đã, có thể đây không phải gia đình thật sự'. Tôi không dám thoải mái thể hiện và đón nhận tình cảm. Vậy nên lúc có kết quả ADN đúng là người thân, tôi đã vô cùng hạnh phúc", cậu cho hay.
Chuyến đi của Fabian vốn dự kiến chỉ 2 tháng, song khi các quốc gia đóng cửa biên giới vì đại dịch, cậu may mắn có thêm thời gian ở lại nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nửa năm qua, Fabian đã tranh thủ đi thăm hầu khắp các danh thắng của quê hương Việt Nam, từ Nam ra Bắc. Mỗi nơi mỗi vẻ, thật khó để chàng trai nói ra một nơi mình thích nhất nhưng chính những con người cậu đã gặp trên hành trình làm cho địa danh đó thêm đặc biệt. Như ở Đà Lạt, Fabian bị mắc kẹt 6 tuần, một người dân đã mời cậu về ở nhà họ. Tại Phú Quốc, Cần Thơ, cho đến Huế, Hà Nội, Hà Giang, cậu cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ.
"Mặc dù tôi về Việt Nam một mình nhưng tôi không cô đơn vì luôn gặp ai đó rất tốt bụng và tử tế ở bất cứ nơi nào tôi đến", chàng trai nói.
Chuyến bay hôm 24/7 đưa Fabian rời khỏi Việt Nam. Về tới nhà, cậu hay tin làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện ở Đà Nẵng. Tim Fabian thắt lại. Từ nước Đức xa xôi, cậu mong bình an đến với mọi người dân quê hương mình.
VnExpress